Cứ gần đến Tết là căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Ảnh (49 tuổi) ở làng Cát Trù lại lại tấp nập người ra vào đặt mua bánh chưng. Chỉ cần bước tới cổng nhà, khách hàng đã cảm nhận được hương thơm đặc trưng của gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ xào hạt tiêu thơm lừng. Các nơi trong nhà la liệt lá dong, lạt buộc, thúng mủng, xoong nồi...
Bà Ảnh ngồi trên tấm chiếu mới, hai tay thoăn thoắt lấy lá dong, thịt lợn, đỗ xanh, gói bánh... 60 phút sau, gần 100 chiếc bánh chưng đều tăm tắp đã được bày ngay ngắn trước mặt.
Miệng nói, tay làm, bà Ảnh người hồ hởi khoe: "Từ ngày rằm tháng Chạp đến 29 Tết là vợ chồng tôi bận tối mắt tối mũi, có khi phải thức đêm gói bánh. Bánh nhà làm thơm ngon nên bà con đến đặt đông lắm. Gia đình phải thuê thêm 20 nhân công hỗ trợ mới kịp sản xuất 30.000 - 40.000 bánh dịp Tết Nguyên đán”.
Bà Nguyễn Thị Ảnh (bên phải) tại Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ, lần thứ VIII, năm 2021. (Ảnh: NVCC)
Bốn đời gói bánh chưng
Bà Ảnh sinh ra trong gia đình 4 đời có truyền thống gói bánh chưng. Ngày lấy chồng, của hồi môn lớn nhất mà bố mẹ để cho bà chính là nghề gói bánh.
“Đây là tâm huyết của gia đình để lại, dù phải thức khuya dậy sớm nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ. Tôi mong sao sau này các con của mình sẽ giữ gìn, phát triển nghề của cha ông", bà Ảnh nói.
Ngày nhỏ, thấy bố mẹ ngồi gói bánh chưng, tò mò bà cũng ngồi thực hành theo hướng dẫn của bố. Phải mất 20 phút, bà mới có thể hoàn thàn chiếc bánh đầu tay. Bánh vừa méo lại vừa bé, phần góc còn bị hở để lộ những hạt gạo nếp trắng ngần, đặt nó cạnh những chiếc bánh khác trông thật kệch cỡm, cả nhà ai cũng phá lên cười... Sau lần ấy, bà Ảnh từng nghĩ mình không bao giờ có thể gói bánh chưng đẹp được.
Thời gian thấm thoát trôi, cô bé gói bánh chưng "vụng" ngày nào nay đã trở thành một nghệ nhân nổi tiếng tại làng Cát Trù. Nhắc đến bà Ảnh, người ta nhớ ngay đến biệt danh người phụ nữ gói bánh chưng "thần tốc" khiến ai ai cũng phải trầm trồ thán phục. "Tôi gói vo bằng tay, một phần quen tay, một phần do năng khiếu", nữ nghệ nhân chia sẻ.
Theo bà Ảnh, để làm ra một chiếc bánh ngon, phần lựa chọn nguyên liệu đặc biệt quan trọng. Gạo được chọn phải là gạo nếp cái hoa vàng, chắc mẩy, có mùi thơm đặc trưng. Đỗ xanh cần phải có là loại đỗ gié, hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín, như vậy nhân bánh mới thơm. Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu... vừa đủ, khi ăn sẽ đậm đà hơn.
Theo bà Ảnh, muốn làm bánh chưng ngon thì quan trọng nhất là khâu tạo nguyên liệu. Nhân đậu được sử dụng làm bánh là nhân đậu chín (đậu xanh, nấu chín rồi đánh nhuyễn) để nhân bánh dẻo ngậy chứ không ngái như gói bằng đậu sống. (Ảnh: NVCC)
Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới vuông vắn, rền gạo, dẻo. Nếu gói lỏng tay bánh dễ bị nhão, không ngon. Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, đáy nồi lót một ít lá nhỏ hoặc cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chặt, đổ ngập nước mưa rồi luộc.
Để bánh dẻo ngon, gia đình bà Ảnh thường nấu bánh bằng các loại củi keo, gỗ nhãn thu mua từ vườn đồi quanh vùng bởi nấu bằng củi cho lượng nhiệt ổn định suốt 10 - 12 tiếng. Khoảng thời gian luộc bánh, mọi người trong nhà lại thay phiên nhau túc trực củi nước để bánh không bị cháy.
Khi bánh chín, vớt ra, rửa sạch lớp dầu ở vỏ lá, sau đó xếp bánh lên một chiếc bàn, dùng một tấm ván đặt lên hoặc vật nặng để ép cho bánh ráo nước. Cầm chiếc bánh trên tay, bà Ảnh chia sẻ: "Tôi và gia đình rất vui khi nhiều năm được dâng lên vua Hùng những chiếc bánh chưng mình làm ra. Lúc nào tôi cũng hướng đến vua Hùng để tạo nên những sản phẩm sạch, ngon và đậm bản sắc".
Những chiếc bánh chưng vuông vắn được được bà Ảnh gói để dâng vua. (Ảnh: Trang TTĐT huyện Lâm Thao)
8 năm đi thi, 7 lần giành giải
Mỗi dịp xuân về, tỉnh Phú Thọ tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy để chọn ra người tài năng, gói những chiếc bánh chưng đẹp, ngon nhất dâng lên vua Hùng. Hội thi gồm có 13 đội đại diện cho các huyện của các tỉnh thành khu vực phía Bắc tham gia.
Đến với cuộc thi, các đội sẽ phải thực hiện gói 10 bánh chưng từ 5kg gạo nếp, 1kg đỗ xanh, 1kg thịt lợn. Trong thời gian tối đa 10 phút đội giành giải phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đầu tiên về hình thức, thời gian, sau đó là chất lượng. Tính đến nay, bà Ảnh đã 7 lần giành giải cao trong cuộc thi.
Năm 2013 là lần đầu tiên bà tham gia hội thi, trước sự chứng kiến của nhiều người, bà vừa mừng vừa run. Tay gói, nhưng tim thì đập nhanh, bà hít thở thật sâu, miệng lẩm bẩm "bình tĩnh, hết sức bình tĩnh"... Khi hiệu lệnh kết thúc của giám khảo vang lên cũng là lúc bà hoàn thành xong chiếc bánh cuối cùng. Nhìn sang các đội bên cạnh thấy mọi người vẫn chưa hoàn thành xong, lúc bấy giờ bà mới thở phào nhẹ nhõm.
"Lúc được xướng tên nhận giải Nhất, tôi không tin vào tai mình, đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi lớn và giành giải, cảm xúc vừa vui vừa tự hào", bà Ảnh hồ hởi kể.
Cuộc thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy là hoạt động thường niên của Lễ hội Đền Hùng. Đến nay, bà Ảnh đã có 7 lần giành giải tại cuộc thi này. (Ảnh: NVCC)
Theo bà Ảnh, những chiếc bánh tiến vua yêu cầu khắt khe hơn bình thường rất nhiều. Bánh phải có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Bánh thơm ngon không chỉ bởi lớp nhân đậm đà, lớp vỏ gạo cũng phải dẻo, mềm rền hạt, không nhão. Trong lượng bánh khi nấu chín khoảng 1,8 - 2kg, to hơn bánh bình thường khoảng 300 - 500 gram.
Mỗi tháng gia đình bà xuất khoảng 5.000 bánh chưng, thời điểm gần Tết số lượng bánh tăng gấp 6 - 8 lần. Những ngày cuối năm, lúc nào bếp bánh chưng nhà bà cũng luôn rực lửa. Để kịp tiến độ trả hàng, bà phải thuê thêm khoảng 20 lao động ngày đêm túc trực. Mỗi lao động sẽ được trả 250.000 đồng nếu làm ban ngày và 500.000 đồng nếu làm cả đêm. Giá bánh chưng thời điểm hiện tại bán buôn là 50.000 đồng/chiếc, bán lẻ là 60.000 đồng/chiếc.
“Dịch COVID-19, nhưng gia đình tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều vì cả năm có một ngày Tết nên nhà nào dù nhiều dù ít cũng đặt dăm ba cái để thắp hương tổ tiên, ông bà. Hiện tại, số lượng khách đặt bánh của gia đình đã lên đến 35.000 bánh, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và thành phố Hà Nội”, bà Ảnh vui mừng chia sẻ.