Video: Lá dong vào mùa, nông dân Tràng Cát tất bật "hái tiền" dịp Tết
12h trưa, bà Đào Thị Xuyến (50 tuổi) vẫn hì hục ngoài vườn dong, đôi tay thoăn thoắt cắt lia lưỡi dao sắc nhọn về phía những chiếc lá. Chỉ 10 phút sau, 100 lá dong loại một, khổ lá đều, dài 50cm - 60cm, rộng 25cm - 35cm, màu xanh mướt, được bà ôm gọn trên tay chuẩn bị phân loại và buộc gọn.
"Tôi phải tranh thủ cả giờ nghỉ trưa để hái lá, chiều thương lái đến mua không đủ họ lại phải chờ", bà Xuyến - người có hơn 40 năm kinh nghiệm trồng và bán lá dong chia sẻ.
Thôn Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, là nơi nổi tiếng với nghề trồng lá dong gói bánh chưng truyền thống. Cách đây khoảng 600 năm về trước, bà Đàm Sứ ở thôn Nga Mi Hạ thấy đây là vùng đất tốt tươi cho cây trồng nên đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa, phát cỏ và trồng lá dong. Lâu dần, người dân Tràng Cát học theo bà Đàm Sứ trồng lá dong để dùng trong dịp Tết và bán ra ngoài.
Người ta cho rằng, điều đặc biệt làm nên thương hiệu “lá dong Tràng Cát” là bởi vì Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy. Nơi đây có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm có khí hậu ôn hòa nên lá dong cứ được đà mà sinh sôi nảy nở, từ đó mà làm nên thương hiệu "thủ phủ" lá dong hàng trăm năm nay.
Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ngày nay, lá dong Tràng Cát được bày bán phổ biến, không chỉ phục vụ trong nước mà còn được xuất ngoại để phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết của bà con ta ở Mỹ, Nga và các nước Đông Âu…
Bà Chu Thị Toan (76 tuổi) tự hào chia sẻ: "Lá dong được thu hoạch rộ từ ngày mồng 10 đến 17 tháng Chạp. Những ngày ấy, xe ô tô tải lớn, nhỏ đỗ từ dốc đê vào tận giữa làng. Kẻ mua, người bán tấp nập, vui như hội”.
Đến Tràng Cát những ngày cận Tết Nguyên đán, có thể cảm nhận được không khí rộn ràng, khẩn trương của những người nông dân khi bắt đầu vào chính vụ thu hoạch.
Hiện cả thôn Tràng Cát có 70 mẫu trồng lá dong, gia đình nào nhiều trồng 5-6 sào, ít thì 1-2 sào. Lá dong được người dân chăm sóc tốt, năng suất đạt cao, diện tích trồng có xu hướng tăng lên.
Nhiều người dân trong thôn cho biết, lá dong ở Tràng Cát có vị thơm đặc trưng do được trồng trên vùng đất bãi bồi của sông Đáy.
Lá dong Tràng Cát được yêu thích bởi bề ngang rộng, xanh, mỏng và dẻo hơn cả lá dong rừng, khi luộc bánh chưng bánh rất xanh và đẹp nên luôn có giá cao.
"Dịp Tết người dân trong thôn sẽ cắt hết để ra Giêng cây ra lá mới, lá dong sau một vụ thu hoạch giống như cây tre sẽ mọc và phát triển thành từng khóm và không phải trồng lại", cô Hà - người dân Tràng Cát nói.
Không ít người dân khu vực lân cận muốn đem giống dong ở đây về trồng, nhưng không đạt được chất lượng như khi trồng ở Tràng Cát.
"Dong là loại cây dễ trồng, không mất nhiều vốn, trồng một lần là cho thu hoạch nhiều năm. Chi phí phân bón chỉ mất chừng 700.000 đồng/sào mỗi năm”, cô Hường - người dân Tràng Cát chia sẻ.
Ông Trịnh Văn Thủy (59 tuổi), người trồng lá dong lâu năm ở làng Tràng Cát cho biết: “Tết năm nay tuy số lượng lá không nhiều như mọi năm nhưng bù lại lá rất đẹp và chất lượng. Hiện tôi đã có 4 đơn hàng đặt trước với số lượng hàng vạn lá."
Từ đầu tháng Chạp, không khí thu hoạch, buôn bán lá dong tại thôn Tràng Cát đã trở nên hết sức nhộn nhịp, người thì hái lá, người thì xếp lá, người thì buộc, mỗi người một công đoạn.
Lá dong thu hái xong sẽ được phân thành 3 loại, tàu lá 25cm là loại 1, tàu lá 20cm là loại 2, còn loại 3 chỉ có 10cm. Để gói một chiếc bánh chưng phải là loại lá có bản to từ 20cm trở lên, còn loại 3 chỉ để gói những loại bánh nhỏ.
Theo người dân ở đây, lá sau khi cắt để được 20 ngày, mỗi ngày tưới một ít nước. Hiện tại các gia đình trong thôn phần lớn là cắt lá dong ở vườn về rồi xếp loại, bó thành từng bó nhỏ với số lượng 100 lá. Thời điểm đầu vụ, giá dao động từ 60.000 đến 120.000 đồng/100 lá tùy thuộc vào to hay nhỏ.
Lá dong Tràng Cát không những nổi tiếng ở miền Bắc mà còn xuất vào miền Nam và đi một số nước trên thế giới để phục vụ bà con Việt kiều gói bánh chưng trong ngày lễ tết truyền thống của người Việt.