Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngân hàng Nhà nước không bỏ room tín dụng trong ngắn hạn

(VTC News) -

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, dù công cụ hạn mức tín dụng là biện pháp hành chính không hoàn hảo nhưng vẫn có hiệu quả nên chưa thể loại bỏ trong ngắn hạn.

Trong phiên họp toàn thể diễn ra chiều 18/9 tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2022, Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, công cụ hạn mức tín dụng (room tín dụng) là một biện pháp hành chính tỏ ra có hiệu quả trong thời gian qua, nhưng nó không phải là biện pháp hoàn hảo.

Do đó, NHNN đang tính toán đến việc xem xét sử dụng các biện pháp khác để điều hành tín dụng. Nhưng công cụ này chưa thể loại bỏ trong thời gian ngắn hạn sắp tới.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà tại buổi họp báo.

Cách đây hai ngày, Thống đốc NHNN đã trực tiếp làm việc với tất cả các tổ chức tín dụng. Trong buổi làm việc, tất cả đều khẳng định việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống là cần thiết, đó là một chỉ tiêu an toàn vĩ mô cho hoạt động của chính các tổ chức tín dụng và chưa thể loại bỏ trong thời gian ngắn hạn tới”, ông Hà cho biết thêm.

Ông Hà cũng cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ nói chung của NHNN là phải giải một bài toán tổng thể có rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất, mục tiêu quan trọng nhất là góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ và ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá cũng đều phải đưa vào bài toán tổng thể này.

Nói về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ông Hà cho biết, NHNN đã có rất nhiều báo cáo, đánh giá và thấy được rằng, công cụ hạn mức tín dụng mặc dù là biện pháp hành chính nhưng cũng đã thể hiện được tính hiệu quả trong việc ổn định các tổ chức tín dụng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng ở mức rất cao, trên 30%, có năm gần 54%. Trong 10 năm trở lại đây, NHNN đã cố gắng điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức từ 12-14%. Có nghĩa rằng chúng ta đã đạt được ổn định vĩ mô trong 10 năm qua.

Áp lực tăng trưởng tín dụng luôn luôn cao trong thời gian qua, tăng trưởng tín dụng luôn bằng số lần tăng trưởng kinh tế GDP. Trong 10 năm, quy mô của nền kinh tế tăng 2,7 lần, quy mô của tín dụng tăng 4,4 lần. Chỉ số tín dụng/GDP tăng từ mức 80% lên trên 120%. Vì thế mà Việt Nam dù được tăng mức tín nhiệm nhưng cũng đi kèm cảnh báo.

Do đó, trong năm nay NHNN đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế là khoảng 14%, đây cũng là mức cao hơn của 2 năm trước (2020 là 12,17%, 2021 là 13,6%).

“NHNN đã tính toán và để mức tăng trưởng tín dụng là 14%, không tăng thêm và cũng không giảm, đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay hết room đó", ông Hà nói.

Thực tế, tín dụng cũng tăng nhanh từ đầu năm (trên 10%), tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đầu tư công chậm đã áp lực rất lớn đến tăng trưởng tín dụng của năm nay.

Hiện nay, hệ số sử dụng vốn của NHNN là rất cao, khoảng 100%, tức đã sử dụng hết vốn lưu động để cho vay. Do đó, nếu nâng tăng trưởng tín dụng thêm vài phần trăm nữa sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ thanh khoản hệ thống.

Ngoài ra, để tăng trưởng kinh tế cần nhiều nguồn vốn khác nhau, không chỉ là tín dụng ngân hàng. Chúng ta cần phải có vốn đầu tư của các chủ thể, thị trường vốn (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu), đầu tư công và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Muốn khơi thông ách tắc dòng vốn chung ta cần khơi thông đầy đủ các kênh này chứ không chỉ là dựa vào tín dụng ngân hàng.

Công Hiếu

Tin mới