Trong hơn 70 năm qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phát triển thành một liên minh quân sự lớn nhất thế giới với sự tham gia của 30 quốc gia. Được thành lập vào năm 1949 để đối trọng với sức mạnh của Liên Xô, NATO – nguồn cơn từ lâu làm dấy lên căng thẳng giữa phương Tây và Nga – đã tự khẳng định là một lực lượng thống nhất và quan trọng để đối phó Nga kể từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde và Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto dự họp báo chung hôm 29/4. Ảnh: Reuters.
Sức mạnh của NATO sẽ được tăng cường hơn nữa khi Thụy Điển và Phần Lan quyết định từ bỏ quy chế trung lập để nộp đơn xin gia nhập khối. Động thái mà các nhà phân tích cho là sẽ làm thay đổi cục diện an ninh châu Âu trong nhiều năm tới và khoét sâu thêm căng thẳng trong quan hệ giữa NATO với Nga - quốc gia luôn phản đối liên minh này mở rộng về phía Đông.
Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển có thể giúp NATO gia tăng tiềm lực quân sự trên trên bộ, trên biển và trên không. Thụy Điển có một lực lượng hải quân lớn mạnh giúp sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của NATO ở Biển Baltic, và một ngành công nghiệp vũ khí phát triển có thể giúp liên minh chế tạo máy bay chiến đấu riêng và xuất khẩu ra toàn thế giới.
Trong khi đó, Phần Lan cũng có lực lượng quân đội được trang bị rất tốt và duy tri chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới. Ông Christopher Skaluba, Giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định: “Đó là cách tiếp cận theo hướng mong muốn toàn xã hội thấy tầm quan trọng của quốc phòng”. Hai nước này cũng cung cấp những lợi thế riêng về mặt địa lý cho NATO.
Một biên giới phía Bắc mới
Phần Lan có chung đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga và khu vực này luôn được tuần tra chặt chẽ. Nếu quốc gia này trở thành thành viên NATO, biên giới trên đất liền của khối với Nga sẽ tăng gấp đôi.
Hiện nay, NATO có biên giới trên đất liền tiếp giáp với Nga trải dài trên hơn 1.200 km khắp phía Bắc Na Uy, phía Đông Latvia và Estonia, cùng với biên giới với Ba Lan và Litva quanh vùng Kaliningrad của Nga. Carisa Nietsche, thành viên của Chương trình An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới nhận định: “Điều đó sẽ cung cấp cho NATO năng lực răn đe mạnh mẽ và tăng cường khả năng chống lại một cuộc tấn công của Nga”.
Quy chế thành viên của Phần Lan sẽ đưa NATO đến gần Bán đảo Kola của Nga - một vùng đất chiến lược, nơi Moskva triển khai các tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tích trư đầu đạn hạt nhân. Hạm đội phương Bắc của Nga- có nhiệm vụ tuần tra Bắc Cực cũng đồn trú trên báo đảo này.
Gia tăng sự hiện diện ở Baltic
Về phía Nam, việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại lợi thế cho NATO ở biển Baltic – một tuyến đường thủy chiến lược tiếp giáp với thành phố St. Petersburg của Nga cũng như một số thành viên dễ bị tổn thương nhất của NATO.
“Mục đích chính của NATO là khiến Nga tránh xa các nước Baltic”, ông Skaluba nhấn mạnh, ý nói đến các nước Latvia, Estonia và Litva. Theo chuyên gia này, sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của NATO trên các bờ biển Baltic sẽ giúp củng cố an ninh cho các quốc gia nói trên.
“Nếu Thụy Điển và Phần Lan chính thức gia nhập NATO thì điều này sẽ cung cấp cho liên minh một tuyến đường tiếp viện khác qua Biển Baltic. Hiện tại, NATO phụ thuộc chủ yếu vào Suwalki Gap, hành lang hẹp ngăn cách vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga và Belarus mà Moskva có thể cố gắng phong tỏa trong một cuộc xung đột”.
Ở giữa biển Baltic là Gotland - một hòn đảo dài 175km của Thụy Điển – nơi có những di tích thời Trung cổ và các pháo đài phòng thủ. Vào tháng 4 vừa qua, Thụy Điển tuyên bố sẽ chi 163 triệu USD để tăng cường các lực lượng trên hòn đảo này, trong đó có việc mở rộng các doanh trại để triển khai thêm lực lượng.
Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp NATO gia tăng sự hiện diện tại Bắc Cực. Ảnh minh họa: NATO
Vươn xa ảnh hưởng đến Bắc Cực
Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp NATO gia tăng sự hiện diện tại Bắc Cực. Hai quốc gia này đều là thành viên của Hội đồng Bắc Cực – một tổ chức giám sát phần cực bắc của thế giới, với 8 thành viên, trong đó có cả Nga, Mỹ. Một khi 2 nước này trở thành thành viên NATO, “an ninh Bắc Cực sẽ được chú trọng nhiều hơn trong chương trình nghị sự của NATO”.
Bắc Cực là một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế và chiến lược của Nga. Đường bờ biển của nước này chiếm 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương và dân số của Nga trong khu vực khoảng 2 triệu người, tương đương gần một nửa tổng số người sống ở Bắc Cực, theo Viện Bắc Cực. Vì thế an ninh tại Bắc Cực cũng sẽ trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của Nga.
Khi Nga triển khai lực lượng quân đội từ Bán đảo Kola đến Bắc Cực, Thụy Điển và Phần Lan có thể giúp NATO theo dõi hoạt động này, nhưng điều đó chắc chắc sẽ làm gia tăng căng thẳng.
“Bắc Cực thường được coi là một câu chuyện thành công của sự hợp tác giữa các quốc gia ở Bắc Cực thuộc NATO và Nga, nhưng cũng có lo ngại về việc nơi đây sẽ trở thành một khu vực tranh chấp về ảnh hưởng và an ninh an ninh một khi Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO”, chuyên gia Skaluba lưu ý.