“Các căn cứ quân sự đồng minh thường trực nên được xây dựng tại các quốc gia thuộc sườn phía đông của NATO. Ba Lan sẵn sàng xây dựng những căn cứ như vậy để cung cấp cho việc triển khai thường xuyên các đơn vị bộ binh hạng nhẹ”, Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói.
Ông Mateusz Morawiecki kêu gọi NATO tăng cường xây dựng quân đội ở Đông Âu trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. Ông cho rằng tiếp tục tăng cường quân sự của NATO là cách duy nhất để răn đe Nga.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố sẵn sàng xây dựng căn cứ quân sự thường trực của NATO tại quốc gia này.
Thủ tướng Ba Lan cũng kêu gọi NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Ba Lan là một trong những quốc gia cung cấp khí tài quân sự tích cực nhất cho Kiev, gồm cả việc gửi xe tăng cũ do Liên Xô sản xuất... cho quân đội Ukraine.
“Nga chỉ có thể bị răn đe bởi sự đoàn kết và khả năng quân sự của chúng ta và các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Không phải bằng các cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin mà là viện trợ quân sự cho Ukraine và củng cố sườn phía đông của NATO”, ông Mateusz Morawiecki nhấn mạnh.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki cũng bày tỏ cam kết sẽ hỗ trợ quân sự cho Thụy Điển và Phần Lan nếu họ bị tấn công trong quá trình gia nhập NATO.
“Tôi muốn nói rõ rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Thụy Điển hoặc Phần Lan khi hai nước này tiến hành thủ tục gia nhập NATO, Ba Lan sẽ hỗ trợ họ", Thủ tướng Mateusz Morawiecki tuyên bố.
Hôm 15/5, Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO, chính thức phá vỡ quy chế trung lập. Tuy nhiên, theo quy định của NATO, một quốc gia chỉ có thể chính thức được kết nạp nếu như nhận được sự đồng ý từ tất cả các nước thành viên trong khối.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kế hoạch kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu này. Hôm 16/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố ông sẽ không chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO.
Sự mở rộng của NATO và sự xây dựng của liên minh ở Đông Âu của NATO đã được hồi sinh, thúc đẩy sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. Ngoài Ba Lan, các thành viên khác ở cực đông của khối cũng đang tìm kiếm sự gia tăng hiện diện quân sự của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.
Cụ thể, Latvia, Litva và Estonia được cho là đang thúc đẩy việc thành lập một lực lượng quy mô sư đoàn với khoảng 20.000 quân. Lực lượng này sẽ ở chế độ thường trực và sẵn sàng triển khai tới bất kỳ quốc gia nào khi xuất hiện mối đe dọa.