Vấn đề trên được đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu lên tại phiên thảo luận về chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 diễn ra sáng nay (31/10).
Đề cập vấn đề lãng phí nguồn nhân lực, ông Nghĩa cho biết, nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng trong độ tuổi lao động với khoảng 51,5 triệu người - đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 67% và tỷ lệ lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 27%.
"Nếu chúng ta không có chính sách, ưu đãi tốt để tận dụng thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, tác động tiêu cực nhiều mặt và ảnh hưởng qua nhiều thời kỳ sau này", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lo lắng.
Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực tác động chính đến năng suất lao động. Theo tính toán của tổ chức lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP toàn nền kinh tế sẽ tăng 0,94 điểm %. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng xác định, tăng năng suất lao động là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa.
Trong 10 năm qua, Việt Nam là nước tăng năng suất lao động cao nhất trong khối Đông Nam Á. Giai đoạn 2011 - 2015 là 43%, giai đoạn 2016 - 2021 vào khoảng 5,97%. Mặt khác, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đủ nhanh nên năng suất lao động của nước ta với các nước trong khu vực châu Á nói chung còn khoảng cách khá xa.
"Theo số liệu của Tổ chức năng suất châu Á vào năm 2020, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và sau Nhật Bản 60 năm", đại biểu nêu. Nếu không có chính sách tăng năng suất lao động quyết liệt hơn thì Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu hơn, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực trong giai đoạn dân số vàng đang hiện hữu, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về mối nguy này.
Đại biểu tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc sinh viên ra trường không tìm kiếm được việc làm hiện nay cũng là một lãng phí nguồn nhân lực. Theo số liệu công bố của của Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kiến trúc, xây dựng, kỹ thuật, kỹ sư làm trái ngành là 31,6%, trong khi đó ở các ngành nhân văn, nghệ thuật, xã hội là 63%, các ngành nông lâm, ngư 67%.
"Sinh viên dành 4 -6 năm học trên ghế nhà trước để học về một ngành cụ thể nhưng khi ra trường làm trái ngành. Đây là sự thất thoát, lãng phí rất lớn về nhân lực lao động chất lượng cao", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị đại biểu cũng nêu lên tình trạng thất thoát nhân lực ở ngành Giáo dục và Y tế hiện nay đang là vấn đề hết sức nguy cấp, cần sớm có giải pháp ngăn chặn.
Để đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu lên 3 đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng để giải quyết vấn đề trên.
Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, xây dựng Cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.
Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.