Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nam sinh Quân y kể chuyện đi tình nguyện giữa tâm dịch

(VTC News) -

Lê Tuấn Anh, sinh viên ngành Y đa khoa, Học viện Quân y chia sẻ về những kỷ niệm khó quên khi tham gia tình nguyện ở tâm dich TP.HCM.

Tuấn Anh (SN 2001) tham gia hỗ trợ chống dịch trong 2 giai đoạn từ ngày 13 đến 15/9 (tại Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) và từ 23/9 đến 5/10 (tại phường 12 và 26, quận Bình Thạnh).

Khi nhận thông báo lên đường chi viện cho TP.HCM sáng 23/9, Tuấn Anh vội thu xếp hành lý trong 15 phút rồi cùng đồng đội lên đường. Balo có vài bộ quần áo, thuốc (thuốc tiêu hoá, hạ sốt, bôi trị nấm da, xịt muỗi, dầu gió), khăn giấy khô ướt, dầu gội, bột giặt, băng cá nhân, ổ điện, chăn màn, chiếu và ít tiền mặt.

Nam sinh cũng không quên điện thoại thông báo với bố mẹ sẽ đi chống dịch. Tuy lo lắng nhưng để con yên tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ, bố mẹ vẫn vui vẻ và không quên dặn dò con trai giữ gìn sức khỏe. Dù chuẩn bị sẵn tinh thần nhận nhiệm vụ tâm dịch nhiều khó khăn, nhưng khi đặt chân đến TP.HCM, Tuấn Anh thoáng chút buồn bởi đường vắng bóng xe cộ, không khí ảm đạm khác hẳn với vẻ hoa lệ, nhộn nhịp mà em biết trước đây.

 Tuấn Anh kể lại kỷ niệm khó quên những ngày làm nhiệm vụ tại tâm dịch.

Mỗi ngày đi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, Tuấn Anh được xe của phường 12, quận Bình Thạnh chở tới trung tâm y tế phường. Em sẽ tự chuẩn bị trước đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chắn riêng cho bản thân trước rồi nhận đủ số kit test nhanh, kiểm tra và ký nhận. Sau đó, người phụ trách tổ từ phường và các chú công an địa phương sẽ đưa em đến tổ dân phố được giao nhiệm vụ.

Nhiều hôm nhận nhiệm vụ tại vùng cam, đỏ, Tuấn Anh phải test hết từng thành viên của mỗi hộ gia đình. Nếu hộ dân nào tự test được, em sẽ phát kit test rồi hướng dẫn và kiểm tra kết quả tại chỗ. Còn với vùng xanh, nhóm của Tuấn Anh sẽ test đại diện hộ gia đình, sau hai hôm sẽ lấy mẫu lại.

Thấy ai đó nhận kết quả dương tính, Tuấn Anh sẽ báo với công an địa phương hướng dẫn cách ly toàn hộ gia đình đó, dán biển đỏ "cách ly tại nhà từ ngày...đến ngày...".

Do ở giữa tâm dịch nên nhiều người phải lấy mẫu test 10 đến 15 lần trong hơn 4 tháng qua, nên họ có tâm lý sợ mỗi khi lấy dịch xét nghiệm. Để công việc diễn ra thuận lợi, Tuấn Anh luôn trấn an, chia sẻ cho họ những việc đang làm là giúp thành phố trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất có thể. Như vậy họ sẽ yên tâm và tự giác hợp tác với y bác sĩ hơn.

“Đặc biệt với người già, trẻ em, những ai bị viêm xoang thì người lấy mẫu càng luôn phải nhẹ nhàng từ lời nói đến động tác lấy mẫu phải chuẩn, không gây đau. Hơn hết, em luôn xem nỗi sợ của mọi người như của mình, mệt thế nào cũng phải cố gắng”, Tuấn Anh nói.

Trong lần đi lấy mẫu xét nghiệm, Tuấn Anh gặp gia đình 3 người già nương tựa vào nhau để sống, trong đó 2 người phải ngồi xe lăn. Em không kìm được nước mắt khi 3 cụ với câu nói: "Các y bác sĩ đã bỏ công đến tận nhà rồi thì mệt mấy cũng phải ra test chứ!". Dù chỉ là một hình ảnh, khoảnh khắc thoáng qua khi làm nhiệm vụ nhưng cậu sẽ nhớ mãi và thấy thương hơn những hoàn cảnh khó khăn sống “lay lắt” trong đại dịch.

Hoạt động với tần suất cao, mồ hôi nhiều, Tuấn Anh cùng các đồng nghiệp khát khô, miệng bị đắng nhưng lại không thể cởi bỏ đồ bảo hộ. Em nhanh chóng thích nghi và điều tiết được cơ thể nên vẫn có sức khỏe đảm bảo trong quá trình làm nhiệm vụ.

Tuấn Anh cùng các bạn trong đợt tình nguyện tại TP.HCM.

Rời TP.HCM sau gần một tháng góp sức chống dịch, chàng sinh viên Quân y thấy bản thân trưởng thành và trách nhiệm hơn với ngành nghề lựa chọn.

Chia sẻ thêm về cơ duyên đến với Học viện Quân y, Tuấn Anh nói: "Lúc nhỏ, em hay bị ốm vặt mỗi khi thời tiết thay đổi, khi đó bố mẹ phải đưa đến bác sĩ truyền nước, khám bệnh. Bố em cũng hay mắc các bệnh về xương khớp, hô hấp. Mỗi lần nhà có người ốm như vậy, em tự nhủ bản thân sau này phải trở thành một bác sĩ để chữa bệnh giúp đỡ gia đình họ hàng và mọi người.

Phan Linh

Tin mới