TS Đinh Thị Thu Hằng đang công tác tại phòng Vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự đồng thời là giảng viên bộ môn Vi sinh y học, Học viện Quân y. Chị là một trong những thành viên chủ chốt tham gia thực hiện đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới”.
“Ăn, ngủ” cùng SARS-CoV-2
Hàng ngày nữ tiến sĩ chạy đi chạy lại giữa Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự và Học viện Quân y. Người phụ nữ quê Hà Tĩnh 37 tuổi ấn tượng với chất giọng nhỏ nhẹ, ấm áp và gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười. Ngoài thời gian dành cho gia đình, chị luôn khoác trên mình chiếc áo blouse trắng bên ngoài quân phục xanh.
Thời điểm này năm ngoái, chị Hằng cùng đồng nghiệp Học viện Quân y ngày đêm nghiên cứu, gấp rút hoàn thành bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2. Đây là sản phẩm phát hiện SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cho kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác.
Thời gian được giao nhiệm vụ chế tạo bộ kit đến khi thành công chỉ vỏn vẹn một tháng. Đó cũng là quãng thời gian nhóm nghiên cứu “ăn, ngủ cùng virus”. Tiến độ làm việc căng thẳng đến nỗi hầu như ngày nào chị cũng thức trắng đêm. Chị nói ngay khi Việt Nam chưa ghi nhận ca COVID-19 thì đơn vị đã trong tâm thế sẵn sàng chế tạo bộ kit thử.
Nhờ kinh nghiệm nghiên cứu, chế tạo bộ kit thử dịch Ebola (thời điểm năm 2013-2015) nên lần này, chị và đồng nghiệp hoàn thành công việc được giao khá nhanh.
“Chúng tôi phải chạy đua với thời gian váp lực không biết kể sao cho hết. Đơn vị tôi công tác là một viện lớn thuộc quân đội nên việc sai sót trong nghiên cứu không thể chấp nhận được. Chúng tôi làm việc với tinh thần của người lính, không cho phép mình thất bại. Tinh thần đó khiến tất cả anh em tìm mọi con đường nghiên cứu. Cuối cùng cả nhóm thành công”, TS Đinh Thị Thu Hằng chia sẻ.
TS Đinh Thị Thu Hằng có nhiều đóng góp trên mặt trận chống COVID-19.
Duyên nợ với ngành vi sinh vật
Sinh ra tại xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ những năm học trung học phổ thông, chị Hằng nuôi ước mơ trở thành nhà khoa học chuyên nghiên cứu vi sinh vật.
Năm 2002, chị thi đỗ khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với thành tích xuất sắc trong học tập, sau khi tốt nghiệp đại học, chị được chuyển tiếp đào tạo cao học chuyên ngành vi sinh vật học, trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tháng 4/2009, niềm vui nhân đôi khi chị vừa nhận bằng thạc sĩ vừa nhận quyết định công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Y dược học Quân sự (nay là Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự), Học viện Quân y.
Đồng nghiệp gọi chị là nhà khoa học “ba trong một” vì vừa nghiên cứu, giảng dạy, vừa là nữ quân nhân. Chị cũng được biết đến là thành viên nghiên cứu chủ chốt của 4 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài quỹ Nafosted, 2 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 1 đề tài cấp Học viện Quân y.
Chị cũng gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học khi được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho sáng chế Kit real-time RT-PCR đa mồi để chẩn đoán nhanh virus Ebola Zaire”, “Kit PCR đa mồi dùng để chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis” của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Khiêm tốn và giản dị, chị nói thành công của mình còn quá nhỏ bé và là người có duyên nợ với ngành vi sinh vật học. Từ khi tốt nghiệp cao học, như duyên tiền định, bất cứ khi nào Việt Nam xuất hiện mầm bệnh mới, chị lại được giao làm thư ký hoặc chủ nhiệm đề tài. Thành công trong công tác phòng chống dịch Ebola hoặc COVID-19 có đóng góp rất lớn của chị.
Không chỉ hoàn thành tốt công việc nghiên cứu, chị còn nhiều đóng góp cho cộng đồng khoa học khi là tác giả của 29 bài báo nổi bật gồm 4 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế và 25 bài báo công bố ở tạp chí khoa học có uy tín trong nước.
Với những đóng góp của mình, tiến sĩ, Đại úy Đinh Thị Thu Hằng liên tục nhận giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo các cấp học viện, cấp toàn quân, bộ ngành và toàn quốc. Chị được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho nhóm tác giả đạt giải thưởng Bảo Sơn đặc biệt năm 2020.
Nhà khoa học có nhiều duyên nợ với ngành vi sinh vật.
Bí quyết thành công
Khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Học viện Quân y nhận nhiệm vụ chế tạo kit xét nghiệm SARS-CoV-2 trước Tết Nguyên đán 1 tuần. Chị cùng đồng nghiệp phải gạt bỏ chuyện cá nhân, gia đình để dành toàn thời gian cho nghiên cứu.
Những ngày tháng xa nhà, chị làm việc quên ăn, quên ngủ và vò võ nỗi nhớ con. Ngay khi nhận được thông tin bộ kit thử nghiệm lâm sàng thành công, điều đầu tiên mà chị nghĩ đến là về quê để thăm con và người thân.
Do đặc thù công việc nên chị Hằng thường xuyên phải xa gia đình hoặc về muộn. Nhiều lần chị nhắc đến người chồng luôn thấu hiểu, san sẻ việc gia đình với sự tự hào.
Chị tâm sự: “Phụ nữ làm khoa học có nhiều nỗi vất vả nhưng tôi may mắn vì có gia đình luôn ủng hộ. Những ngày làm việc căng thẳng chỉ một câu í ới của con là bao nhiêu âu lo, mệt mỏi đều tan biến hết. Hai cháu mặc dù còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, hay tranh luận với nhau và không quên dặn dò mẹ chú ý giữ gìn sức khỏe”.
Chị cũng cho biết, trong nhóm nghiên cứu tại đơn vị có nhiều học viên còn rất trẻ. Mọi người đều coi nhau như gia đình vì tre già thì măng mọc. Thế hệ đi trước dìu dắt người đi sau cùng cống hiến cho xã hội.