Hãng bay châu Á đầu tiên phá sản vì COVID-19
Ngày 21/4, Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do COVID-19, khi quyền kiểm soát được trao cho công ty kiểm toán Deloitte. Virgin Australia cũng là hãng hàng không đầu tiên tại khu vực châu Á sụp đổ trước ảnh hưởng của dịch bệnh này.
Virgin Australia là hãng hàng không đầu tiên tại khu vực châu Á sụp đổ vì COVID-19. (Ảnh: Traveller)
Virgin Australia là hãng hàng không giá rẻ của Australia, cũng là hãng hàng không lớn thứ 2 tại nước này. Virgin Australia được thành lập bởi doanh nhân người Anh Richard Branson, người sáng lập Tập đoàn Virgin.
Thời điểm cuối năm 2019, Virgin Australia gánh khoản nợ hơn 5 tỷ AUD (3,2 tỷ USD). Tập đoàn đã yêu cầu Chính phủ Australia hỗ trợ khoản vay trị giá 1,4 tỷ AUD để có thể vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên không được đáp ứng.
Do tác động của dịch COVID-19, hãng hàng không của tỷ phú Richard Branson phải tạm dừng hầu hết các hoạt động với 95% chuyến bay bị cắt giảm và 80% lực lượng lao động trong số 16.000 nhân viên tạm thời nghỉ việc. Suốt 2 tháng đến khi phá sản, hãng hàng không Virgin Australia mất sạch doanh thu.
Hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh phá sản
(Ảnh: Getty Image)
Ngày 10/5, Hãng hàng không lớn thứ hai thế giới tại Mỹ Latinh, Avianca Holdings, nộp đơn xin phá sản sau khi không đáp ứng được thời hạn thanh toán trái phiếu, trong khi đề nghị trợ cấp gửi đến chính phủ Colombia không được hồi đáp.
Avianca Holdings cho biết, dịch COVID-19 khiến hãng phải ngừng bay kể từ tháng 3, doanh thu sụt giảm 80%, hơn 100 máy bay của buộc phải "đắp chiếu", hầu hết 20.000 nhân viên của hãng nghỉ không lương.
Avianca Holdings (trụ sở tại Bogota, Colombia) sở hữu đội bay gồm 173 máy bay. Avianca phục vụ hơn 100 điểm đến ở Mỹ và châu Âu, kết nối tới hơn 750 điểm đến trên toàn thế giới thông qua thỏa thuận liên danh với các hãng hàng không đối tác.
Nếu công ty không thể phục hồi sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, Avianca sẽ là hãng hàng không lớn đầu tiên ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
AirAsia Nhật Bản
(Máy bay của AirAsia Nhật Bản. Ảnh: Reuters)
Tháng 11/2020, hãng hàng không đầu tiên ở Nhật Bản là AirAsia Japan đã nộp đơn xin phá sản kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1/2020.
Có trụ sở ở tỉnh Aichi, AirAsia Japan là một công ty liên doanh giữa tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia Group của Malaysia và các đối tác Nhật Bản. AirAsia Japan phải nộp đơn xin phá sản do dịch COVID-19 khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh. Tổng số tiền nợ của hãng này hiện tại lên tới 21,7 tỷ yen (208 triệu USD).
Hồi tháng 4/2020, AirAsia Japan tạm ngừng tất cả các chuyến bay vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sau đó, hãng nối lại các chuyến bay nội địa vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, số lượng hành khách đi lại bằng đường không khá thấp nên hãng phải một lần nữa ngừng tất cả dịch vụ vào tháng 10/2020.
Hãng bay giá rẻ của Na Uy
Một máy bay của Norwegian Air. (Ảnh: Guardian)
Ngày 18/11, hãng bay Na Uy Norwegian Air quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Ireland – nơi họ đặt phần lớn máy bay. Quyết định phá sản được đưa ra khi hãng hàng không giá rẻ có trụ sở ở Na Uy không thể tiếp tục cầm cự trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ cho ngành hàng không toàn cầu.
Theo Norwegian Air, mục đích của quy trình này là giảm nợ, đưa số máy bay của hãng về mức phù hợp và tìm kiếm nguồn vốn mới. Toàn bộ quá trình này dự kiến kéo dài 5 tháng.
Hãng hàng không quốc gia đầu tiên nguy cơ phá sản
Thai Airways trước nguy cơ phá sản. (Ảnh: Bangkokpost)
Chiều tối 26/5, Thai Airways International Pcl đã đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan. Như vậy, Thai Airways đứng trước khả năng trở thành hãng hàng không quốc gia đầu tiên phá sản sau khi chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.
Việc nộp đơn được đưa ra sau nghị quyết của nội các Thái Lan vào ngày 19/5 rằng Thai Airways phải trải qua quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của tòa án để có thể tiếp tục kinh doanh.
“Chính phủ đã xem xét tất cả các khía cạnh… Chúng tôi đã quyết định kiến nghị tái cơ cấu và không để Thai Airways phá sản. Hãng hàng không sẽ tiếp tục hoạt động” - Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 19/5.
Thủ tướng Prayuth bổ sung thêm, hãng hàng không Thái Lan sẽ được các tòa án bảo vệ và một chuyên gia sẽ được chỉ định để giám sát việc tái cấu trúc, nhân viên của hãng hàng sẽ tiếp tục có việc làm.
Phát biểu với báo La Tribune của Pháp, Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac cho rằng trong những tháng tới, ngành hàng không có thể sẽ cần thêm các khoản viện trợ từ 70-80 tỷ USD để có thể vượt qua cụ khủng hoảng COVID-19.
Ông nêu rõ hiện có gần 40 hãng hàng không đang trong giai đoạn "rất khó khăn" hoặc đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 càng kéo dài, nguy cơ các hãng hàng không phá sản càng cao.
Hàng không là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19. Các quốc gia trên thế giới đã hỗ trợ tổng cộng 160 tỷ USD cho các hãng hàng không.
IATA dự báo ngành hàng không chỉ có thể phục hồi như trước khủng hoảng từ năm 2023.