Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nếu các công ty liên quan đến hoạt động thương mại, vận chuyển và bảo hiểm dầu mỏ của Nga không tuân theo mức áp trần giá dầu do Washington đưa ra, họ sẽ đối với lệnh trừng phạt dựa theo quy định mới.
Theo hướng dẫn về áp trần giá dầu mỏ của Nga được Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 22/11, các công ty cung cấp dịch vụ dầu mỏ của Mỹ chỉ được phép tiếp tục kinh doanh dầu từ Nga nếu giá trên hợp đồng bằng hoặc thấp hơn so với mức giá trần. Còn con số cụ thể của mức áp trần vẫn chưa được công bố.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với mọi công ty, tổ chức không tham gia áp trần giá dầu Nga. (Ảnh: AP)
Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, mức áp trần giá dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 với mục tiêu ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời hạn chế nguồn thu tài chính từ hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.
Các công ty phải tuân theo quy định mới của Bộ Tài chính Mỹ khi làm ăn với các doanh nghiệp Nga gồm vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, tài chính, bảo hiểm, môi giới và môi giới hải quan. Những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bị phát hiện vi phạm quy định có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Bộ Tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, phía Mỹ cũng đặt ra một mốc thời gian để các đơn hàng trước 5/12 được thực hiện (hoàn tất việc giao hàng trước ngày 19/1) mà không vi phạm lệnh cấm.
Các công ty dầu khí của Mỹ cũng bị cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào nước này dựa theo dự luật được đưa ra sau khi Moskva thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022).
Lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển cũng có hiệu lực từ ngày 5/12.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với các phóng viên rằng Washington hy vọng các đối tác tham gia áp trần giá dầu Nga (các nước G7 và EU) sẽ ban hành các quy tắc tương tự trong thời gian tới. Trước Mỹ, Anh cũng đưa ra các quy định tương tự đối với kế hoạch áp trần giá dầu Nga.
Đáp lại kế hoạch áp trần giá dầu của Mỹ và đồng minh, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak trong tháng 10 từng cảnh báo: “Giá phải do thị trường hình thành dựa trên sự cân bằng cung cầu… Đây là tiền lệ xấu có thể lan sang các nhà cung cấp khác bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu”.
Một số khách hàng mua dầu mỏ lớn của Nga, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc, đã từ chối tuân thủ kế hoạch này và tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Moskva bất chấp áp lực từ Mỹ.
Theo RT, tác động tổng thể của kế hoạch áp trần giá dầu đối với thị trường cần có thời gian để đánh giá vì các khách hàng có thể sẽ lựa chọn các công ty vận chuyển hoặc bảo hiểm mới không chịu sự ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận.