Ả Rập Xê-út đang cố gắng giữ nhiên liệu hóa thạch là trung tâm của nền kinh tế thế giới bằng cách vận động hành lang, tài trợ cho nghiên cứu và sử dụng sức mạnh ngoại giao nhằm cản trở các động thái bảo vệ môi trường.
Ả Rập Xê-út đầu tư, mở Trung tâm Nghiên cứu Dầu khí King Abdullah. Mục tiêu của trung tâm này là tìm ra những biện pháp giúp giảm thiểu lượng dầu sử dụng trong nội địa và tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ ra nước ngoài. Đây chỉ là một phần trong chiến lược dài hạn của vương quốc này nhằm giữ vững vị thế độc tôn của dầu mỏ trong nền kinh tế toàn cầu, bảo vệ vai trò nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới của họ.
Một trại năng lượng mặt trời của Trung tâm Nghiên cứu Dầu khí King Abdullah. (Ảnh: NYT)
Trong Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu COP27, đại điện của vương quốc Ả Rập Xê-út đã cố gắng ngăn cản các thỏa thuận giảm thiểu khí thải. Được biết, họ phát biểu rằng thoả thuận của Hội nghị "không nên đề cập tới nhiên liệu hóa thạch". Sáng 20/11, tuyên bố chung thỏa thuận khí hậu COP27 được thông qua mà không đề cập tới việc giảm thiểu tiêu thụ dầu mỏ.
Chiến lược dầu mỏ của vương quốc này được tiến hành trên mọi mặt kinh tế, ngoại giao, nghiên cứu, công nghệ và giáo dục. Tuy nhiên, chiến lược này đi ngược lại với tiến trình chung của toàn thế giới: các nhà khoa học vẫn liên tục kêu gọi ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, trong đó có Ả Rập Xê-út. Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu cho biết, với tốc độ nóng lên toàn cầu hiện tại, người dân tại Ả Rập Xê-út không thể sống sót trong môi trường ngoài trời và buộc phải dựa vào các thiết bị điều hòa không khí.
Tài trợ cho nhiều nghiên cứu
Trung bình 1 trong 10 thùng dầu được tiêu thụ trên thế giới là sản phẩm của tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco do Ả Rập Xê-út kiểm soát.
Saudi Aramco là nhà tài trợ lâu năm cho nhiều nghiên cứu các vấn đề năng lượng quan trọng. Họ vung tiền tài trợ cho gần 500 nghiên cứu trong vòng 5 năm qua. Theo cơ sở dữ liệu học Crossref chuyên theo dõi các tài liệu học thuật, tập đoàn này tài trợ cho những nghiên cứu bảo vệ vị thế độc tôn của xe chạy bằng xăng và gây bất lợi cho thị trường ô tô điện.
Aramco hợp tác với Bộ Năng lượng Mỹ trong các dự án nghiên cứu nổi tiếng, bao gồm chương trình 6 năm nghiên cứu, chế tạo nhiên liệu sạch và động cơ hiệu quả hơn, cũng như nghiên cứu về tăng cường thu hồi dầu và các phương pháp khác để thúc đẩy sản xuất dầu.
Aramco cũng điều hành một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu toàn cầu, với mục tiêu chế tạo thiết bị thu giữ khí tải ô tô di động. Thiết bị này chỉ lọc được một phần khí thải, nhưng giúp tăng tính cạnh tranh của xe chạy xăng so với xe điện. 2/3 lượng dầu mỏ được khai thác mỗi năm trên thế giới dùng để phục vụ việc đi lại, vì vậy bất cứ dấu hiệu nào của thị trường xe cộ đều ảnh hưởng rất lớn đến lượng cầu dầu mỏ.
Ngoài ra, Ả Rập Xê-út đầu tư tổng cộng 2,5 tỷ USD vào các trường đại học Mỹ trong thập kỷ qua, đưa vương quốc này nằm trong top những nhà đầu tư cho giáo dục bậc đại học tại Mỹ.
Một trung tâm nghiên cứu của Aramco. (Ảnh: NYT)
Con đường ngoại giao
Kể từ năm 2016, Ả Rập Xê-út đã rót gần 140 triệu USD cho những nhiều chiến dịch vận động hành lang nhằm tác động đến chính sách và dư luận của Mỹ. Số tiền này cũng khiến Ả Rập Xê-út trở thành một trong những nước chi mạnh tay nhất cho hoạt động vận động hành lang của Mỹ.
Phần lớn số tiền này tập trung vào việc xây dựng hình ảnh của vương quốc, đặc biệt là sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018. Ả Rập Xê-út cũng tiến hành xây dựng liên minh ở các bang sản xuất ethanol của Mỹ tại Vành Đai Ngô.
Ả Rập Xê-út cũng cố gắng hạn chế các hoạt động nghiên cứu về khí hậu, đặc biệt là phản đối việc gấp rút loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Vào tháng 3/2022, tại cuộc họp của Liên hợp quốc với các nhà khoa học khí hậu, Ả Rập Xê-út và Nga tác động nhằm xoá một phần văn bản chính thức của cuộc họp. Đoạn văn bản này chỉ ra rằng biến đổi khí hậu là do việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra.
Amin Nasser, giám đốc điều hành Saudi Aramco, cho biết tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư vào dầu khí, và nhấn mạnh rằng việc thiếu đầu tư vào dầu mỏ là mối đe dọa đến thế giới lớn hơn biến đổi khí hậu.
Trong một bài phát biểu, Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út cho biết họ kỳ vọng các nhiên liệu như dầu mỏ, khí đốt và than đá sẽ “tiếp tục là một phần thiết yếu của hỗn hợp năng lượng toàn cầu trong nhiều thập kỷ”, nhưng đồng thời vương quốc này đã “đầu tư đáng kể vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu”. Bài phát biểu cũng đề cập rằng vương quốc này không gây ra cản trở với tiến trình đàm phán về biến đổi khí hậu và Ả Rập Xê-út từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu khí thải.
Ả Rập Xê-út cho biết họ ủng hộ thỏa thuận khí hậu Paris và dự định sản xuất một nửa lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. Vương quốc này cũng có kế hoạch trồng 10 tỷ cây xanh trong thời gian tới. Đồng thời, Ả Rập Xê-Út đang tiến hành xây dựng Neom, một thành phố tân tiến không carbon và hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Ả Rập Xê-út đã đầu tư vào Lucid, một công ty xe điện của Mỹ, và gần đây phát biểu rằng họ sẽ thành lập hãng xe điện mang tên Ceer của riêng mình. Kèm theo đó, vương quốc này đang đầu tư vào hydrogen, một nguyên liệu thay thế xanh cho dầu và khí đốt.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh trong nội địa lại liên tục bị đình trệ. Chưa đến 1% điện năng của Ả Rập Xê-út tới từ năng lượng tái tạo. Hiện thời vương quốc chưa công bố kế hoạch trồng hàng tỷ cây xanh trên vùng đất khô cằn nhất thế giới.
Neom - thành phố không carbon. (Ảnh: Neom)
Nỗ lực vận động hành lang tại Vành Đai Ngô
Vùng Vành Đai Ngô là vùng chuyên sản xuất nông nghiệp tại Mỹ. Có tới 36% sản lượng ngô tại đây được đem đi sản xuất ethanol - nguồn năng lượng sinh học giá rẻ hay được trộn với dầu và xăng để làm nhiên liệu. Vì vậy tại vành đai này tồn tại rất nhiều nhà máy ethanol.
Mặc dù hầu hết các công ty vận động hành lang ngừng làm việc với Ả Rập Xê-út sau vụ vụ sát hại nhà báo Khashoggi vào năm 2018, tập đoàn LS2 vẫn tiếp tục là đối tác đại diện cho vương quốc này ở nhiều bang tại Vành Đai Ngô.
Được trả trước hơn 125.000 USD/tháng, tập đoàn LS2 đã liên hệ với những người dẫn chương trình phát thanh địa phương, học giả, nhà tổ chức sự kiện, quan chức ngành thể thao và nhiều người khác, theo hồ sơ gửi lên Bộ Tư pháp Mỹ. Nhiều nguồn tin cho biết, thông qua LS2, Ả Rập Xê-út đã tiếp cận với dư luận tại đây với quan điểm rằng viễn cảnh thị trường dầu mỏ phát triển sẽ có lợi cho cả đôi bên.
Nhiều nhà sản xuất ethanol cũng đồng tình với Ả Rập Xê-út và phản đối các chính sách ủng hộ sản xuất xe điện của Tổng thống Biden.
Lo ngại về thị trường xe điện
Với việc giao thông vận tải chiếm tới 2/3 thị trường dầu mỏ, Aramco rất lo ngại với những dấu hiệu tích cực của thị trường xe điện.
"Liệu rằng xe điện sẽ biến mất hay không? Câu trả lời là không", Khalid A. Al-Falih, bộ trưởng đầu tư của Ả Rập Xê-út và cựu chủ tịch của Saudi Aramco, phát biểu tại một diễn đàn năng lượng vào năm 2019.
Saudi Aramco đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô lớn, như Huyndai, để phát triển một loại nhiên liệu “đốt cháy cực kỳ ít” cho các loại xe hybrid xăng-điện. Một số nghiên cứu được tài trợ bởi Ả Rập Xê-út cũng đặt ra nhiều nghi vấn về độ thân thiện môi trường của xe điện.
Vào tháng 6/2022, Bộ Năng lượng của Ả Rập Xê-út công bố kết quả của chương trình kéo dài 6 năm nhằm chế tạo động cơ và nhiên liệu xăng thân thiện với môi trường. Bộ cho biết ô tô chạy xăng sẽ thống trị thị trường xe hơi trong nhiều thập kỷ sắp tới. Aramco và Bộ cũng hợp tác trong các nghiên cứu về phương pháp tăng lưu lượng dầu bơm từ giếng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế, được thành lập cách đây nửa thế kỷ để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, vừa đưa ra những nhận xét hết sức tiêu cực về ngành dầu mỏ. Cụ thể, cơ quan này cảnh báo thế giới cần phải ngay lập tức ngừng khai thác các mỏ dầu khí mới và nhanh chóng thay thế phương tiện chạy bằng xăng dầu để kịp thời ngăn chặn những hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Ả Rập Xê-út, đã so sánh phát biểu này với bộ phim “Những kẻ khờ mộng mơ" với ý châm biếm rằng ý tưởng này đối với ông nghe rất hoang đường.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Ả Rập Xê-út. (Ảnh: NYT)
Chiến lược “dầu bẩn, dầu sạch"
Ả Rập Xê-út vẫn tiếp tục tiến hành thăm dò các mỏ dầu khí mới. Vương quốc này bơm dầu với mức giá cực kỳ thấp, khoảng 7,5 USD một thùng, đánh bại hầu hết mọi đối thủ lớn.
Quy trình sản xuất dầu của Ả Rập Xê-út cũng tạo ra ít khí thải hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Năm 2021, Ả Rập Xê-út tham gia cùng Mỹ, Canada, Na Uy và Qatar trong chương trình giảm lượng khí thải từ khoan, khai thác mỏ. Cùng năm, Saudi Aramco dự tính đạt ngưỡng ngừng thải ra khí nhà kính vào năm 2050.
Ben Cahill, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, cho hay Ả Rập Xê-út đặt ra chiến lược “dầu bẩn, dầu sạch" với mục tiêu thuyết phục người mua rằng dầu của họ “xanh hơn” so với dầu được sản xuất ở những nơi khác.
Các quan chức Ả Rập Xê-út nói việc gấp rút chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và xe điện sẽ gây suy thoái kinh tế. Họ cho rằng quan điểm này đã được chứng minh với sự hỗn loạn gần đây trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Thái tử Ả Rập Xê-út cho rằng việc áp dụng các chính sách phi thực tế để giảm lượng khí thải và thay thế các nguồn năng lượng sẽ dẫn đến lạm phát cao trong những năm tới, giá năng lượng tăng không phanh và các vấn đề an ninh và xã hội trở nên trầm trọng hơn.
Giám đốc Trung tâm Phát triển và Biến đổi Khí hậu Quốc tế ở Bangladesh cho rằng Ả Rập Xê-út đang thực hiện một kế hoạch đối phó toàn diện, cùng với đó là tích cực cản trở các nỗ lực bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong Hội nghị COP27 mới nhất tại Ai Cập, Ả Rập Xê-út hứa hẹn một điều hoàn toàn khác. Đến năm 2027, vương quốc này dự kiến hoàn thành xây dựng một cơ sở có khả năng lưu trữ lượng khí CO2 tương đương với 2 triệu ô tô chạy xăng thải ra trong một năm.
Đây là một bước đột phá đáng kể, bởi vì trên thế giới vẫn chưa có tiền lệ thu hồi các bon ở quy mô lớn. Adel al-Jubeir, đặc phái viên khí hậu của vương quốc cho biết họ sẽ giữ vững cam kết đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường.