Theo EurAsian Times, Ukraine đang chuyển đổi các tên lửa không đối không (AAM) cũ và đã ngừng hoạt động do Mỹ sản xuất thành tên lửa đất đối không (SAM), để đối phó trước sự tấn công dữ dội từ máy bay không người lái và tên lửa của Nga trong mùa đông này.
AIM-9 Sidewinder là tên lửa được chọn cho dự án “FrankenSAM” này và được hy vọng sẽ là vũ khí cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, trước những cuộc không kích của Nga trong tương lai.
AIM-9 Sidewinder (viết tắt của Air Intercept Missile - tên lửa đánh chặn) là một loại tên lửa không đối không tầm ngắn, được trang bị cho hải quân và không quân Mỹ. Kể từ khi đi vào hoạt động, Sidewinder đã trở thành một loại tên lửa rất nổi tiếng, các phiên bản mới nhất vẫn còn được trang bị trong không quân của các nước phương Tây. Tên lửa K-13 của Liên Xô được xem là một phiên bản copy của AIM-9 và cũng được triển khai tại nhiều quốc gia.
Cuối năm 2022, Nga bắt đầu nhắm mục tiêu vào mạng lưới phân phối và sản xuất năng lượng trên khắp Ukraine nhằm cản trở việc cung cấp điện cho các hệ thống phòng không (AD) của nước này. Phương Tây và Ukraine cho rằng Moskva có thể lặp lại chiến thuật này trong năm nay, nhằm phá huỷ các thiết bị quân sự và trung tâm chỉ huy quân đội Ukraine.
UAV Geran-2 của Nga.
Ukraine được các đồng minh chuyển giao một loạt hệ thống phòng không như NASAMS, Patriot, Hawk của Mỹ; SAMP/T của Pháp-Ý và IRIS-T của Đức để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay mà Ukraine gặp phải đó là tên lửa để đánh chặn đã cạn kiệt. Nếu Nga tăng cường tập kích, Ukraine sẽ đối mặt với sự thiếu hụt vũ khí và dễ bị tổn thương trước đòn tấn công bằng tên lửa của Nga.
Tạp chí EurAsian Times trước đây cũng đã phân tích cách Nga vô hiệu hóa thành công các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, bằng máy bay không người lái cảm tử Geran-2 phối hợp với tên lửa đạn đạo Iskander, tên lửa hành trình Kalibr và Kh-101.
Không đối không chuyển thành đất đối không
Những bản báo cáo của Financial Times cho biết rằng, để giải quyết những khó khăn do thiếu hụt tên lửa đất đối không, Ukraine đã chuyển đổi tên lửa AIM-9 Sidewinder của Mỹ thành tên lửa đất đối không.
Một quan chức cấp cao Ukraine tiết lộ: "Những tên lửa không đối không AIM-9 do Mỹ chuyển cho Ukraine đã bị loại biên. Chúng tôi đã sửa chữa và có thể phóng chúng từ mặt đất. Đó là một loại tên lửa phòng không tự chế".
Hệ thống SAMAR SAM của Ấn Độ.
Mặc dù quan chức Ukraine không cung cấp thông tin chi tiết về quá trình chỉnh sửa, hoán cải tên lửa do Mỹ cung cấp, nhưng theo một nguồn tin của AP thì radar, các bộ phận và thành phần để sửa đổi đã được “các đồng minh và đối tác” giúp đỡ với chương trình có tên là “FrankenSAM”. Chương trình này bao gồm việc phát triển và sản xuất các hệ thống phòng không cải tiến sử dụng các linh kiện và vật liệu từ kho dự trữ của Ukraine, Mỹ và đồng minh đã bắt đầu từ nhiều tháng trước 9/2023.
Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường mạng lưới phòng không cho Ukraine, nơi đang bị tên lửa Nga tấn công. Bởi phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga là một trong những thách thức lớn đối với Ukraine hiện nay.
Tiền lệ
Việc chuyển đổi các tên lửa AAM cũ thành tên lửa SAM không phải là xa lạ. Trước đây Ấn Độ cũng từng thực hiện việc này. Tại triển lãm Quốc phòng vào tháng 10/2022 ở Gandhinagar Ấn Độ, các chuyên gia quân sự quốc tế đã chứng kiến các tên lửa phòng không R-27 và R-73 có nguồn gốc từ Nga được chuyển đổi thành hệ thống SAMAR SAM.
Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS) mà Ukraine sử dụng, cũng đã được Mỹ bổ sung bằng tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) của Mỹ trong một số gói vũ khí gần đây nhất. NASAMS cũng bắn tên lửa AIM-120 AAM, trong khi NASAMS 3 tiên tiến có thể bắn tên lửa phụ AIM-9X và tên lửa Iris-T.
Tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Quan chức này hy vọng tên lửa được tái sử dụng sẽ giúp Ukraine “vượt qua mùa đông”. Ông cũng cho biết các vũ khí lỗi thời khác trong kho vũ khí của Mỹ đã được Ukraine tinh chỉnh và nâng cấp, trong đó có hệ thống RIM-7 Sea Sparrow đã được các kỹ sư Mỹ sửa đổi và có thể triển khai trên bệ phóng tên lửa Buk - một tổ hợp phòng không có từ thời Liên Xô.
AIM-9 Sidewinder
AIM-9 Sidewinder là tên lửa không đối không tầm ngắn của Mỹ được phát triển vào giữa những năm 1950. Hầu hết các tên lửa AIM-9 đều được trang bị tính năng dẫn đường hồng ngoại.
Hơn 200.000 tên lửa AIM-9 Sidewinder đã được phóng kể từ năm 1955, khiến AIM-9 trở thành một trong những tên lửa không đối không được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử. Gói viện trợ mùa hè của Mỹ cho Ukraine chủ yếu là biến thể AIM-9M.
Hiện chưa rõ Ukraine đã mua bao nhiêu tên lửa AIM-9 Sidewinder, nhưng nó sẽ có ít tác động đến ưu thế tổng thể của Nga. Các chuyên gia của Eurasian Times cho rằng, các tên lửa cải biên này không đủ sức để đối phó với "mưa" hỏa lực của Nga, bởi vì Moskva vẫn duy trì được khả năng sản xuất UAV, cùng loạt tên lửa phóng từ trên không, trên biển và mặt đất vào các mục tiêu trên khắp lãnh thổ Ukraine.