Từ thời điểm giao thừa và xuyên suốt những ngày Tết, nơi thờ phụng Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định xưa luôn tấp nập khách thập phương cùng người dân địa phương đến viếng và xin lộc đầu năm.
Khu đền và mộ Tổng trấn tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM. Do vị trí Lăng Ông nằm cạnh Chợ Bà Chiểu nên người dân quen gọi chung Lăng Ông - Bà Chiểu.
Theo ghi nhận của PV VTC News, sáng mùng 3 Tết Giáp Thìn, rất đông người đến thăm viếng Tả quân Lê Văn Duyệt.
Hòa cùng dòng người đến viếng Tả quân, bà Ngọc Liên (74 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chia sẻ, từ nhỏ bà đã được mẹ dẫn đến viếng Ông vì nơi này rất linh thiêng. Bà cho biết, đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp năm mới cả gia đình bà đều mặc áo dài đến viếng Ông và cầu xin được che chở. Trong những dịp Giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt hay ngày lễ lớn của Lăng, bà Liên cũng tham dự. Với bà, nơi đây là điểm tựa tâm linh vững chắc của gia đình trong suốt những năm tháng sống tại TP.HCM.
Nơi thờ phụng Tổng trấn thành Gia Định có không gian rộng rãi, thoáng đãng với nhiều cây lâu năm bao quanh điện thờ và lăng mộ giúp du khách thoát khỏi những ồn ào, khói bụi.
Cả khu lăng mộ này được xây dựng trên một gò đất cao nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Xung quanh khu lăng có bức tường bao bọc được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây.
Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có tấm bia đá khắc văn bia chữ Hán đề "Lê công miếu bia" (Bia dựng tại miếu thờ Lê công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894). Nội dung văn bia ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và Nhân dân.
Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) là nhà chính trị, quân sự Việt Nam thời Nguyễn. Ông là một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc, nhà Nguyễn (vua Gia Long) được thành lập, Lê Văn Duyệt trở thành vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình, nhiều lần công cán ở cả phía Bắc thành và hai lần được cử làm tổng trấn Gia Định.
Việc cai trị của ông góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam Bộ, khiến cho vùng này từ nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành khu vực bình yên và giàu có. Ông được xem là vị đệ nhất khai quốc công thần giúp cho vùng đất Sài Gòn xưa phồn thịnh.
Làm Tổng trấn thành Gia Định Thành hai lần (1812-1816 và 1820-1832), ông đã thực hiện chính sách trị an tốt, và có công lớn trong việc giữ gìn an ninh cho xứ sở. Ông cho đắp đường, điều động đào kênh Vĩnh Tế - một công trình rất có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng, mang lại hiệu quả rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.
Nơi chính điện có bức tượng bằng đồng của Tả quân Lê Văn Duyệt. Dịp Tết Nguyên đán, trước chính điện là hình ảnh long phụng được thực hiện bằng trái cây và hoa quả.
Nhiều bạn trẻ diện áo dài truyền thống đến viếng Lăng Ông tạo nên nét văn hoá đẹp của người dân TP.HCM trong dịp Xuân Giáp Thìn 2024.
Người dân hạnh phúc và vui vẻ khi đến nhận lộc tại Lăng Tổng Trấn trong dịp năm mới. Để việc nhận lộc của người dân được xuyên suốt, ban quản lý đã huy động hàng chục người hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhiều người háo hức đến xin xăm và gieo quẻ đầu năm.
Người dân đến viếng và thắp nhang thành kính tại khu mộ song táng của Tả quân và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn. Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.
Hàng năm, tại lăng đều long trọng tổ chức lễ giỗ Lê Văn Duyệt vào các ngày 29 hoặc 30 tháng 7, mùng 1 và mùng 2 tháng 8 âm lịch. Lễ giỗ được cử hành theo nghi thức cấp tiểu cung đình triều Nguyễn.
Khi ông mất, dân gian xem ông như một vị thần, vì vậy việc thờ cúng và tế lễ ông tại lăng mang nghi thức thờ thần và tế thần. Không chỉ trong dịp Tết, hàng ngày tại Lăng Ông vẫn có du khách đến tham quan và thắp nhang viếng.