Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lăng Ông Bà Chiểu: Ngôi đền cổ nhất Sài Gòn nhưng rất được lòng giới trẻ

Sài Gòn có nhiều lăng miếu vừa đẹp vừa thiêng, nhưng Lăng Ông Bà Chiểu vẫn giữ được cho mình một vị trí đặc biệt trong lòng giới trẻ.

Ngoài những khu ăn chơi sầm uất, đắt đỏ, Sài Gòn cũng có những góc trầm mặc, tĩnh lặng cho những ai thích tìm về sự hoài cổ. Lăng Ông Bà Chiểu là một địa điểm như thế. Nơi đây được mệnh danh là một trong những ngôi lăng miếu cổ xưa bậc nhất tại Sài Gòn.

Tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, phường 3, quận Bình Thạnh, thế nhưng Lăng Ông Bà Chiểu lại được bao quanh bởi tận 4 con đường đó là: Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức, ngay sát chợ Bà Chiểu.

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Vì khu lăng mộ tọa lạc ngay bên cạnh chợ Bà Chiểu nên ai cũng gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Thế nhưng tên gọi chính xác của khu lăng mộ này là Thượng Công miếu, cũng là ba chữ Hán khắc trên cổng tam quan ở lăng.

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Đây là khu đền và ngôi mộ đôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt – Tổng trấn thành Gia Định lúc xưa và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Ngoài lăng mộ của ông bà, còn có 2 ngôi mộ của hai cô hầu nằm bên ngoài khuôn viên lăng. Một mộ ở đường Trịnh Hoài Đức, mộ kia ở đường Lê Văn Duyệt (trong khuôn viên Trường Cán bộ TP.HCM).

Tuy nhiên, nhiều người từ nơi khác thường nhầm lẫn rằng đây là lăng thờ ông và bà tên Chiểu. Thật ra, như có nói ở trên, lăng nằm cạnh chợ Bà Chiểu nên thường được gọi như vậy. Do tục lệ kiêng cữ tên nên không biết từ lúc nào, người dân đã ghép hai từ “Lăng Ông” với hai từ “Bà Chiểu” để gọi địa điểm này.

Ảnh: Internet

Khu lăng mộ được xây dựng vào năm 1948 và được xem là một trong những chốn linh thiêng và cổ xưa bậc nhất tại Sài Gòn. Ngày trước, đây được coi như biểu tượng của vùng Sài Gòn – Gia Định xưa vì hình ảnh cổng tam quan của lăng được in trên các tấm thiệp bưu chính trước năm 1975, đặc biệt là ở mặt sau tờ tiền 100đ.

Ngày 06/12/1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Xung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500 m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng tương ứng với bốn con đường. Du khách tới đây thường chụp ảnh tại dãy bức tường vàng rực rỡ đậm chất cổ điển nơi đây.

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Vào sâu bên trong Lăng Ông mới thấy được hết nét cổ kính của nơi đây. Khu lăng được xây dựng trên một trục đường chính, từ phía cổng Tam quan đi qua một khu vườn cảnh sẽ thấy kiến trúc gồm 3 phần: nhà bia, lăng mộ và miếu thờ.

Ảnh: Internet

Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, với tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bia bằng đá xanh đen được khắc chữ Hán, nội dung bia ca tụng công đức của ông Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân. Phần cuối bia có nhắc đến phu nhân Đỗ Thị Phận và Phan Công Lương Khê (Phan Thanh Giản) cũng được thờ trong miếu.

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Toàn thể khu mộ đều được xây bằng một loại vữa hợp chất. Phần mộ gồm hai ngôi mộ của ông Lê Văn Duyệt và vợ, được đặt song song và có cấu tạo giống nhau, mang hình dạng như một con rùa đang nằm. Trước mộ có một khoảng sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ ông Lê Văn Duyệt nằm phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.

Ảnh: Internet

Phần đặc biệt nhất ở Lăng Ông chính là khu miếu thờ. Đây cũng là nơi mọi người thường check-in nhiều nhất. Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện, được cách nhau bằng một khoảng sân lộ thiên gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời).

Ảnh: Internet

Công trình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho đến tận ngày nay. Màu sắc chủ đạo ở khu miếu thờ là vàng và đỏ, trông khá rực rỡ và cực kỳ bắt mắt. 

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Ảnh: Nguyen Hoang Ky Anh

Ảnh: Internet

Hàng năm, tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ ông Lê Văn Duyệt long trọng vào các ngày 29 hoặc 30 tháng 7, mồng 1 và 2 tháng 8 âm lịch, thu hút nhiều người đến tham quan. Đặc biệt là dịp Lễ Tết, ngoài việc chụp ảnh, du khách còn có thể ghé vào miếu thờ để tham quan, cầu bình an và sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như xin xăm để xem vận mạng trong tương lai.

Rachel Phạm (Tổng hợp)

Tin mới