Chùa Chantarangsay nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Quận 3, TP.HCM) được xây dựng hơn 70 năm trước. Chùa còn được gọi là Candaransi (có nghĩa là Ánh Trăng) và là ngôi chùa Khmer đầu tiên trên đất Sài Gòn. Chùa có diện tích 4.500m2, từ khi hoạt động đã trải qua bảy lần trùng tu.
Lối vào chánh điện có những bức phù điêu Đức Phật Thích Ca với các kiểu dáng khác nhau được chạm trổ tinh xảo.
Mang đặc điểm của Phật giáo Nam tông nên trong chánh điện chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca, không thờ Bồ tát và các vị thần linh.
Quanh bốn góc tường, trên trần mái là những bức tranh lớn kể lại cuộc đời và câu chuyện về quá trình tu đạo của Đức Phật Thích Ca.
Ngôi chánh điện gồm hai tầng, có bốn cửa ở hai mặt trước và sau, mặt hướng Đông. Trong năm, chùa tiến hành các ngày lễ lớn theo truyền thống Phật giáo của người Khmer như: Tết Chol Chnam Thmay, Phật Đản, lễ Ok Om Bok... Chùa Chantarangsay còn là điểm cư trú cho nhiều tu sĩ Khmer khi đến TP.HCM làm việc hay học tập.
Ngày 15/5 Âm lịch hàng năm, tại chùa Candaransi diễn ra lễ dâng y tắm mưa, dâng đèn hạ và cúng dường đến chư Tăng an cư tại chùa. Theo thông lệ của Phật giáo Nam tông Khmer, để giúp chư Tăng an tâm tu học, phụng sự đạo pháp, trong khoảng thời gian từ 16/5 đến 15/9 Âm lịch, Phật tử các giới phát tâm cúng dường Y áo và những vật dụng cần thiết lên chư Tăng. Chứng minh buổi lễ là Trụ trì chùa - Hòa thượng Danh Lung.
Mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Khmer, quanh chùa, trên tường, cột,... đều có những bức tượng, phù điêu như: tượng Kâyno, hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Phật Thích Ca...
Ngoài chức năng phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo, chùa là nơi bảo tồn văn hóa của người Khmer. Chùa Candaransi còn được nhiều người biết đến bởi nét kiến trúc độc đáo, mang đậm nét đặt trưng Khmer với những tháp nhỏ chạm trổ chi tiết, tinh xảo.
Theo Hòa thượng trụ trì Danh Lung, người Khmer quan niệm chùa không chỉ là nơi để tu, để thờ mà còn là trung tâm giáo dục của đồng bào mình, nên các gia đình Khmer thường gửi con trai vào chùa để vừa rèn luyện đạo đức, vừa học hành (nhờ sự đóng góp của phật tử).
Trong kho tàng di sản kiến trúc Khmer, chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng, bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư Khmer ở TP.HCM.