Gừng tươi có hương vị mạnh mẽ, cay nồng và thơm đặc trưng, giúp món ăn trở nên ngon hơn. Tuy nhiên, gừng tươi dễ bị khô và mất đi hương vị nếu không được bảo quản đúng cách. Khi gừng mất nước, vỏ sẽ trở nên nhăn nheo và củ gừng sẽ trở nên cứng, khó chế biến. Còn gừng bị mốc không chỉ giảm chất lượng mà còn có thể gây hại cho sức khỏe.
Bảo quản gừng trong tủ lạnh là một lựa chọn hợp lý khi bạn mua quá nhiều và muốn giữ chúng lâu dài. Tuy nhiên, để đảm bảo gừng giữ được hương vị và chất lượng, bạn cần thực hiện đúng cách.
Việc bảo quản gừng trong tủ lạnh có thể giúp kéo dài tuổi thọ của củ gừng, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nóng bức hoặc ẩm ướt. Tủ lạnh giúp làm chậm quá trình mất nước và giữ cho gừng tươi lâu hơn so với khi để ở nhiệt độ phòng. Ngoài ra, môi trường lạnh cũng có thể ngăn cản sự phát triển của nấm mốc, giúp gừng không bị hư hỏng.
Bảo quản gừng trong tủ lạnh là một lựa chọn hợp lý khi bạn mua quá nhiều. (Ảnh: The Spruce Eats)
Thế nhưng việc để gừng trong tủ lạnh có thể làm thay đổi kết cấu và hương vị của nó. Nhiệt độ lạnh có thể làm gừng trở nên cứng hơn, khó bào hoặc cắt lát. Đồng thời, gừng có thể hút ẩm từ môi trường trong tủ lạnh, dẫn đến tình trạng bị mềm và mất đi độ giòn tự nhiên. Ngoài ra, nếu không được bọc kín, gừng có thể hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh, làm ảnh hưởng đến hương vị khi sử dụng.
Nếu bạn quyết định bảo quản gừng trong tủ lạnh, dưới đây là một số mẹo để đảm bảo gừng luôn tươi ngon:
Để bảo quản gừng trong tủ lạnh, bạn nên bọc kín củ gừng trong túi nhựa hoặc đặt trong hộp. Điều này giúp ngăn chặn gừng tiếp xúc với không khí lạnh và ẩm trong tủ, từ đó giảm nguy cơ bị mềm và mất hương vị. Túi nhựa hoặc hộp kín cũng giúp ngăn chặn mùi từ các thực phẩm khác ảnh hưởng đến gừng.
Nếu bạn có ý định bảo quản gừng lâu dài trong tủ lạnh, tốt nhất không nên gọt vỏ. Vỏ là lớp bảo vệ tự nhiên giúp gừng giữ được độ ẩm và hương vị, đồng thời bảo vệ gừng khỏi nấm mốc và vi khuẩn. Khi cần sử dụng, bạn mới nên gọt vỏ.
Nếu bạn mua quá nhiều gừng và không thể sử dụng hết trong một thời gian ngắn, hãy cân nhắc việc cắt nhỏ (cắt lát hay cắt mẩu tùy nhu cầu của bạn) hoặc bào mỏng, sau đó cho gừng vào túi nhựa và cấp đông. Khi cần sử dụng, chỉ cần lấy một lượng nhỏ gừng đông lạnh và cho vào món ăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng gừng đông lạnh có thể mất một chút hương vị so với gừng tươi.
Ngoài việc bảo quản gừng trong tủ lạnh, có một số phương pháp khác giúp bạn giữ được hương vị và chất lượng gừng khá lâu.
Nếu chỉ mua một lượng nhỏ gừng và dự định sử dụng trong vòng vài tuần, bạn có thể bảo quản gừng ở nhiệt độ phòng. Để gừng ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp, cho vào túi giấy hoặc vải để giữ cho nó khô ráo và không bị ẩm mốc.
Một phương pháp bảo quản truyền thống là ngâm gừng trong rượu hoặc dấm. Cách này không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản mà còn tạo thêm hương vị đặc biệt cho gừng. Gừng ngâm rượu hoặc dấm có thể được sử dụng trực tiếp trong nấu ăn, hoặc pha chế làm đồ uống.
Bảo quản gừng trong cát rất một cách khá đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất tốt. Bạn chỉ cần sử dụng một chiếc đĩa hay rổ rộng, cho đầy cát sạch và thật khô vào, vùi gừng xuống phía dưới và để nơi thoáng mát.
Cách làm này giúp bảo quản gừng tươi lâu và tránh bị khô.
Phơi hoặc sấy khô gừng là một phương pháp bảo quản lâu dài khác. Sau khi phơi hoặc sấy khô, bạn có thể nghiền gừng thành bột hoặc cắt lát để dùng dần. Gừng khô có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong nhiều tháng mà không lo bị hư hỏng.