Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một tuần lịch sử, dòng tiền chục nghìn tỷ vượt qua lo sợ

Dòng tiền tiếp tục đổ vào, kéo chứng khoán lên đỉnh cao lịch sử. Nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường thắng đậm.

Kết thúc phiên giao dịch 1/4/2021, chỉ số VN-Index bất ngờ tăng mạnh, tăng 24,66 điểm (2,07%) lên 1.216,1 điểm, qua đó xác lập mức đỉnh mới trong lịch sử hơn 20 năm hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt đỉnh cũ 1.204,33 điểm ghi nhận trong năm 2018. Thanh khoản trong phiên này đạt hơn 22 nghìn tỷ (gần 1 tỷ USD) và tương đương với nhiều phiên trước đó.

Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán.

Chứng khoán lên đỉnh mọi thời đại

Với mức tăng dồn dập, VN-Index được ghi nhận là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất châu Á.

Dòng tiền vẫn chưa ngừng đổ vào giúp chỉ số VN-Index hôm 2/4 tiếp tục tăng khá mạnh lên đỉnh cao mới: 1.224,45 điểm.

Nhiều chuyên gia tài chính bắt đầu lo ngại, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu thận trọng và hò nhau bán ra, tâm lý khá bấp bênh. Tuy nhiên, không phải tất cả đều như vậy, một số nhà đầu tư lâu năm vẫn đánh cược vào khả năng thị trường lên tiếp. Giá cổ phiếu lên cao kỷ lục nhưng thanh khoản không tăng cao đột biến, giá trị giao dịch vẫn xấp xỉ tỷ USD như trước đó. Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường.

Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, điều quan trọng là dòng tiền của các nhà đầu tư F0 vẫn đổ vào thị trường và niềm tin của họ còn rất lớn. Hàng trăm nghìn tài khoản mở mới vẫn hừng hực hàng ngày. Và đây là động lực chính giúp thị trường chứng khoán hưng phấn.

Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 2, cơ quan này đã cấp mới 58 nghìn tài khoản cho các nhà đầu tư. Trong năm 2020, mỗi tháng các công ty chứng khoán ghi nhận khoảng 50 nghìn người mới tham gia thị trường. Tổng cả năm khoảng 600 nghìn tài khoản mới.

Thống kê cho thấy, vào năm 2010, các CTCK có khoảng 1,5 triệu tài khoản. Tới đầu 2020, số tài khoản là 2,2 triệu, tức 10 năm tăng 700 nghìn tài khoản.

Trong năm 2020, thị trường chứng khoán tụt giảm sâu do Covid nhưng chung cuộc đã tăng 14,7% và gần 70% so với đáy hồi tháng 3, chốt năm ở mức 1.103,87 điểm. Đầu 2021, chứng khoán lập kỷ lục mới.

Ba điểm nghẽn lịch sử

Sức mạnh của các nhà đầu tư mới là rất lớn. Ước tính có tới 90% số lượng tài khoản là tài khoản cá nhân. Và đây có lẽ là nhóm nhà đầu tư chi phối thị trường chứng khoán, kéo thị trường vượt lên khỏi những ách tắc.

Chứng khoán mang lại lợi nhuận cao cho nhiều người trong năm vừa qua.

Trên thực tế, trong những phiên giao dịch của tháng 3, thị trường chứng khoán chịu áp lực lớn vì tắc nghẽn bởi 3 biến số trọng yếu. Đó là sự tắc nghẽn theo nghĩa đen của Sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ cuối tháng 12, nhiều người không mua bán được trong phiên chiều vì lệnh vào quá nhiều, trong khi năng lực hệ thống thấp. Bên cạnh đó là áp lực bán mạnh của khối ngoại và sự lên ngôi của nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, 2 trong 3 biến số này được giải quyết gồm đà bán ròng ngoại khối suy giảm và dòng tiền thoát ra khỏi cổ phiếu nhóm đầu cơ tập trung vào trụ đã tạo ra một phiên tăng điểm thuyết phục tất cả các bên vào ngày đầu quý II.

Trong phiên giao dịch 1/4, khối ngoại đã quay đầu mua ròng hơn 45 tỷ đồng trên HOSE sau khi bán ròng hàng tỷ USD trong hơn một năm qua (tính tới cuối tháng 3). Tính riêng trong quý I, khối ngoại bán ròng 14 nghìn tỷ đồng. Dòng vốn ngoại được cho là đánh cược vào các thị trường chứng khoán có khả năng hồi phục nhanh nhờ các gói kích thích khổng lồ của chính phủ các nước như Mỹ, Nhật…

Dù lực mua trong phiên đầu tháng 4 không lớn nhưng cũng góp phần quan trọng củng cố tâm lý giới đầu tư sau chuỗi bán ròng không ngừng nghỉ từ đầu. Điểm đáng chú ý là lực mua của khối ngoại tập trung vào các bluechips.

Trong phiên 2/4, khối ngoại tiếp tục mua ròng 700 tỷ đồng.

Kỳ vọng và hào hứng

Việc chỉ số VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử 1.200 điểm đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn với kỳ vọng về những đỉnh cao mới. Hầu hết các nhận định mới đều lạc quan cho rằng, VN-Index sẽ hướng tới vùng 1.230-1.300 điểm trong ngắn hạn.

Nhiều dự báo cho rằng, thị trường sẽ tích cực hơn nhờ những thông tin hỗ trợ từ mùa đại hội cổ đông, từ kết quả kinh doanh quý I cũng như kế hoạch 2021. Một số khảo sát cho thấy, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng tích cực trong năm nay, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) có thể tăng khoảng trên 20%.

Xét về chỉ số P/E, cổ phiếu Việt Nam vẫn có định giá tương đối hấp dẫn so với các quốc gia khu vực. Một số quỹ ngoại thậm chí còn dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.500 điểm ngay trong năm nay.

Triển vọng chứng khoán Việt Nam khá tươi sáng khi mà thế giới được cho là tích cực. Chứng khoán Mỹ vừa cán mốc cao lịch sử mới sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch chi tiêu mạnh vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 4.000 điểm.

Theo CTCK MBS, các mã vốn hóa lớn tích lũy dài thời gian qua đang nhập cuộc mạnh mẽ sẽ là yếu tố để thị trường trông đợi cho lần vượt đỉnh lần này. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng… được kỳ vọng nhiều.

Bên cạnh đó, những giải pháp giải quyết vấn đề tắc nghẽn lệnh trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) dường như đã có những tác dụng nhất định. Trong thời gian tới, nút thắt này nếu được giải quyết sẽ là một động lực mới cho thị trường.

Ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn khá thận trọng. Kinh tế Việt Nam được cho là khó bứt phá khi không có nhiều các gói kích thích. Dù vậy, sự thận trọng sẽ giúp nền kinh tế phát triển ổn định. Tại Trung Quốc, xu hướng hướng hạ đòn bẩy, cung tiền sụt giảm nhanh… đã khiến chứng khoán giảm rất mạnh.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới