Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mốt nuôi sư tử làm thú cưng của đại gia Pakistan

Ở Pakistan, giới thượng lưu phô trương sự giàu có bằng cách nuôi sư tử và các loài động vật kỳ lạ khác trong nhà làm thú cưng.

Bilal Mansoor Khawaja, sở hữu một sở thú tư nhân, cười rạng rỡ khi vuốt ve một con sư tử trắng. Nó là một trong số hàng nghìn loài thú quý hiếm, kỳ lạ tại sở thú của Khawaja ở thành phố Karachi, khu vực đông dân nhất Pakistan. Thành phố này đồng thời là nơi buôn bán động vật hoang dã sầm uất, phục vụ cho giới thượng lưu đeo đầy vàng của Pakistan.

Bilal Mansoor Khawaja vuốt ve con sư tử trắng. (Ảnh: AFP)

Tại Pakistan, việc nhập khẩu loài thú quý hiếm trở nên dễ dàng. Đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một lượng lớn động vật hoang dã được nhập khẩu hoặc nhân giống trên khắp Pakistan, đặc biệt là loài sư tử. Mốt nuôi động vật hoang dã thậm chí còn được xem như biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.

Truyền thông Pakistan tràn ngập video về việc người giàu Pakistan dắt sư tử đi dạo, hay du lịch cùng chúng trên những chiếc SUV sang trọng.

Khawaja ước tính có khoảng 300 con sư tử được nuôi tại thành phố Karachi. Khawaja gọi những con sư tử và hổ của mình là “đồ trang sức vương miện” của bộ sưu tập hơn 4.000 con thú mà anh đã tích lũy trong nhiều năm. 

 Giới nhà giàu Pakistan thường dắt sư tử đi dạo. (Ảnh: AFP)

Để chăm sóc đàn thú cưng của mình, anh Khawaja thuê 30 người làm việc theo ca và 4 bác sĩ thú y. Dù không tiết lộ cụ thể số tiền, Khawaja thừa nhận chi phí cho sở thú của mình là rất lớn.

Aleem Paracha, một người buôn động vật quý hiếm, tự nhận mình là một trong 3 nguồn nhập khẩu thú hiếm hàng đầu tại Karachi. Paracha nói rằng, với khoảng 8.980 USD, anh có thể giao một con sư tử trắng cho khách hàng trong 48 giờ và điều đó hoàn toàn hợp pháp.

Theo một hiệp ước quốc tế bảo vệ các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng, bất kỳ loài vật nào nhập khẩu vào Pakistan đều được cung cấp giấy chứng nhận, giấy phép từ các quốc gia gốc và chính quyền. Theo Paracha, ở Pakistan mạng lưới các nhà lai tạo cũng có thể cung cấp sư tử cho khách hàng và có ít nhất 30 con được lai giống tại Karachi. “Ở Karachi, việc chăm nuôi sư tử đang diễn ra rất thuận lợi”, Paracha giải thích.

Cả Paracha và Khawaja đều phản đối quan điểm cho rằng việc đưa các loài thú rời xa đời sống tự nhiên và đem nuôi tại Pakistan là gây hại cho chúng. Khawaja cho rằng: "Rất nhiều loài động vật đã tuyệt chủng hoặc chúng đang ở bên bờ tuyệt chủng. Tôi không muốn các thế hệ sau không được nhìn thấy những con vật này".

Bằng Lăng

Tin mới