Theo Phó Thủ tướng, trước đây, chúng ta đã chiến thắng từng “trận đánh”, từng “chiến dịch” với “giặc COVID-19” vì huy động được cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân đồng lòng thực hiện rất nghiêm các giải pháp chống dịch riêng có của Việt Nam; khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, người dân thương yêu, giúp đỡ nhau.
Ba điều ước của các y, bác sĩ
Phó Thủ tướng cho biết khi thị sát, kiểm tra nhiều khu cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, một số bệnh viện, ông được các y, bác sĩ chia sẻ về ba điều ước.
Thứ nhất, các y, bác sĩ mong muốn có đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế để điều trị cho bệnh nhân, vì nhiều nơi có giường bệnh, có người nhưng không có trang thiết bị nên buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong khi nơi nhận cũng không có đủ giường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tất cả bệnh viện công hay tư, quân y hay dân y, mọi y bác sĩ, thầy thuốc đều là lực lượng nòng cốt chống dịch cùng với nhân dân. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Thứ hai là công tác hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn để chăm lo đầy đủ cho những người nhiễm COVID-19 (F0 không triệu chứng) và bệnh nhân COVID-19.
Thứ ba là làm sao giảm người nhiễm, giảm bệnh nhân phải điều trị. “Mọi người hãy ở nhà để chúng tôi sớm được trở về nhà, gặp lại người thân sau bao ngày ròng rã không ngơi nghỉ”, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng cho rằng từng tuyến điều trị phải có mục tiêu rõ ràng. Người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, có triệu chứng nhẹ thì cơ bản chính quyền phải bảo đảm chăm lo tốt nhất cho bà con để hạn chế chuyển sang có triệu chứng hoặc nặng hơn.
“Có những quận, huyện có tới 30% F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng nhưng nếu quản lý tốt như ở Củ Chi thì tỷ lệ này dưới 10%. Tương tự, nếu làm tốt thì chúng ta sẽ giảm bớt số bệnh nhân triệu chứng nhẹ chuyển sang nặng đến mức phải hỗ trợ máy thở, oxy. Các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175 cũng phải đặt ra những mục tiêu cụ thể của mình”, Phó Thủ tướng trao đổi và lưu ý phải bảo đảm an toàn tối đa cho đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu điều trị.
Dễ dãi, nơi lỏng thì không thể khống chế được dịch
Hiện nay, dịch bệnh ở TP.HCM, một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các bác sĩ BV Chợ Rẫy về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. (Ảnh: VGP/Đình Nam).
Những ngày qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát, kiểm tra hoạt động nhiều khu cách ly, thu dung, phong tỏa ở các quận, huyện, “hỏi từng thứ cụ thể”, sau đó bàn, thống nhất với lãnh đạo TPHCM về những giải pháp điều chỉnh, ứng phó riêng, rất đặc biệt từ xét nghiệm, cách ly, thu dung F0, phân lớp điều trị.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Các địa phương trên cả nước vẫn phải thực hiện chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị để hạn chế số ca nhiễm, bởi một nền y tế như Việt Nam nếu có nhiều ca F0 thì rất khó đáp ứng được công tác điều trị không chỉ bệnh nhân COVID-19 mà còn các bệnh khác.
Riêng TP.HCM và một phần của các tỉnh lân cận thì mục tiêu cao nhất là giảm tỷ lệ tử vong bằng cách phải giảm tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng nhẹ, từ triệu chứng nhẹ chuyển thành nặng, từ nặng thành nặng hơn và nguy kịch.
Vì vậy, các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện rất nghiêm, động viên toàn dân cách ly triệt để nhà với nhà, người với người. Nhất là những nơi như TP.HCM, nhân dân và các lực lượng chống dịch đã qua hai tháng giãn cách vô cùng mệt mỏi, phải chịu đựng nhiều bất tiện, tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế nhưng “dứt khoát phải đứng lên mạnh mẽ hơn”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 do Bệnh viện Quân y 175 đảm nhận. (Ảnh: VGP/Đình Nam).
“Chúng ta chịu khắc khổ trong một thời gian để chiến thắng được dịch bệnh còn nếu dễ dãi, nơi lỏng thì không thể khống chế được tình hình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, Phó Thủ tướng đề nghị cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, từ tiếp nhận nhu cầu cứu trợ, điều phối, tổ chức vận chuyển an toàn đến tận nơi. “Người dân sẵn sàng đóng góp, sẵn sàng giúp, sẵn sàng bỏ công đóng gói, nấu đồ nhưng vì quy định giãn cách nên khó nhất là vận chuyển tận tay đến người cần được hỗ trợ”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Ưu tiên cho cơ sở điều trị hiệu quả
Nêu rõ tinh thần “chống dịch như chống giặc, lúc này “giặc COVID” đã vào nhà”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, không phân biệt bệnh viện công hay tư, quân y hay dân y. Tất cả các bệnh viện là của người dân Việt Nam, mọi y, bác sĩ, thầy thuốc đều là lực lượng nòng cốt chống dịch cùng với nhân dân. Nơi nào điều trị hiệu quả nhất thì ưu tiên nguồn lực trang thiết bị, máy móc, vật tư. Đây là những việc phải chạy đua với thời gian, tính bằng giờ chứ không phải bằng ngày, bằng tuần.
Phó Thủ tướng lưu ý trang thiết bị, lực lượng là rất quan trọng nhưng phải có sự điều phối nhịp nhàng, thông suốt giữa các tuyến điều trị, các bệnh viện, phải có ngay công cụ cập nhật số giường, số bệnh nhân ở cơ sở điều trị các tuyến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 tại BV Quân y 175 với 200 giường. (Ảnh: VGP/Đình Nam).
“Nhiều bác sĩ chia sẻ với tôi về những trường hợp nặng cần chuyển tuyến lên trên nhưng điện thoại khắp nơi không được. Những bệnh viện như Chợ Rẫy, 175 khi bệnh nhân đã nhẹ hơn thì chuyển ngay xuống tuyến dưới để dành giường cho những bệnh nhân nặng hơn. Việc chuyển tuyến bệnh nhân nặng phải tính bằng phút. Đây là những thứ phải rất chi tiết, cụ thể, thiết thực, trên hết là phải hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Hoan nghênh Bệnh viện Quân y 175 đã phát động toàn bộ cán bộ, y bác sĩ hiến máu tình nguyện để bảo đảm nguồn máu điều trị cho các bệnh nhân, Phó Thủ tướng đề nghị cần phát động phong trào trước hết trong lực lượng vũ trang và những nơi còn an toàn, tổ chức bảo đảm an toàn dịch bệnh, giãn cách, không tập trung đông người.
Nhắc lại yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, chăm lo thật tốt cho người dân, tập trung điều trị để giảm tỷ lệ người tử vong, Phó Thủ tướng nêu rõ, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp thì hệ thống y tế không còn đủ khả năng đáp ứng, khi đó tổn thất về tính mạng, sức khỏe của người dân sẽ rất lớn. Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, nhất định phải chiến thắng dịch bệnh.