Tại cuộc họp sáng 18/7, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và các chuyên gia nhấn mạnh, nguy cơ hiện hữu dịch từ TP.HCM có khả năng lây lan rộng hơn ra các tỉnh khác.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp sáng 18/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.
Cần cách chống dịch mới cho TP.HCM, Bình Dương...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh rằng, đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần phân loại thành 2 nhóm. Thứ nhất, nhóm những địa phương tương đối an toàn (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) cần tiếp tục thực hiện chiến lược “ngăn chặn-phát hiện-truy vết-khoanh vùng-dập dịch và điều trị” như các địa phương đang kiểm soát được dịch.
Nhóm thứ hai gồm các địa phương có lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng như TP.HCM, Bình Dương… cần có giải pháp và cách làm mới phù hợp hơn.
“Do đó, 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải chia “2 mũi giáp công” linh hoạt trong phòng, chống dịch. Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập và làm sạch những “vùng vàng” để trở thành “vùng xanh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, tùy tình hình dịch bệnh tại các vùng, ổ dịch, các địa phương sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm Realtime RT-PCR để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Với các địa phương khác, phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh, tập trung sàng lọc tại bệnh viện nhằm bảo vệ tối đa hệ thống y tế. Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng, các lực lượng tăng cường sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR mẫu gộp tại những điểm có nguy cơ cao như chợ, bến xe, quán nước…; đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ xét nghiệm.
Liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch như công cụ quản lý người từ nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà; hệ thống cấp mã QR cho người dân để khai báo y tế, quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát cũng như phục vụ công tác truy vết; quản lý thông tin xét nghiệm, tiêm chủng…
Thống nhất mua sắm số lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận, giải quyết các thủ tục để khẩn trương mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch, đặc biệt sinh phẩm xét nghiệm, máy móc điều trị. Những trang thiết bị, vật tư mà ngân sách Nhà nước có thể bảo đảm được, sẽ thực hiện mua ngay. Những bất cập trong quy định hiện hành sẽ trình Chính phủ để có Nghị quyết phù hợp.
Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo, mua đầy đủ trang thiết bị bảo hộ, phục vụ cho đội ngũ y bác sĩ. Ban Chỉ đạo sẽ có Bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của Bộ Y tế và một số bộ, ngành, 19 tỉnh, thành phố phía Nam để giải quyết ngay những vướng mắc nảy sinh hàng ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các tỉnh, thành phố để chuẩn bị sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”. Tất cả các bệnh viện hạng 2, hạng 3 (tuyến huyện và tương đương) buộc phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm, chuẩn bị các giường hồi sức. Các bệnh viện tuyến tỉnh thiết lập tối thiểu 50 giường cấp cứu hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị. Ngoài ra Bộ Y tế thành lập các trung tâm hồi sức tích cực Trung ương tại các khu vực.
“Đợt dịch này, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đang chuẩn bị cho kịch bản xấu và xấu hơn. Liên quan đến vấn đề trang thiết bị phòng, chống dịch, các địa phương mua sắm theo phương châm “4 tại chỗ” còn chậm; thủ tục, tuy trình mua sắm nhiều bước; khả năng đáp ứng của các đơn vị cung ứng hạn chế; việc sử dụng sinh phẩm chẩn đoán ở mức độ cao hơn…”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay. Đáng chú ý, Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn Realtime RT-PCR/ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HFNC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc thận chậm… Ngoài nguồn ngân sách, Bộ Y tế đang tích cực huy động, kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… Lãnh đạo Bộ Y tế cam kết không để đội ngũ y, bác sĩ thiếu các đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đồng tình với phương án Bộ Y tế mua sắm tập trung số lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm, máy móc, trang thiết bị y tế… theo Điều 22 về việc chỉ định thầu, Điều 26 về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt của Luật Đấu thầu 2013. Bộ Tài chính sẽ cân đối nguồn kinh phí bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.