Hôm qua, hãng bay hàng đầu châu Âu Lufthansa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, công bố lỗ 1,2 tỷ euro trong quý I (1,3 tỷ USD). Họ cũng vẽ ra triển vọng u ám cho hàng không toàn cầu, vốn đang tê liệt do đại dịch.
CEO Carsten Spohr cho biết Lufthansa đang tiêu tiền mặt dự trữ với tốc độ 1 triệu euro (1,1 triệu USD) mỗi giờ, phải xếp xó 700 máy bay và chứng kiến số hành khách giảm 99%. "Tất cả nỗ lực của chúng tôi đang bị hủy hoại bởi một sự kiện. Không ai có thể đoán trước được việc này", ông nói.
Lufthansa vì thế đang đàm phán với các chính phủ về một gói giải cứu để không bị phá sản. Tuần trước, hãng cho biết chính phủ Thụy Sĩ đã đồng ý bảo lãnh 85% khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD cho mảng kinh doanh tại nước này. Lufthansa hiện điều hành các hãng hàng không tại Đức, Thụy Sĩ, Áo và Bỉ.
Máy bay của Lufthansa đỗ tại sân bay Frankfurt (Đức). (Ảnh: Reuters)
Tuần trước, cả Bloomberg và Der Spiegel đưa tin Lufthansa đang đàm phán gói cứu trợ 10 tỷ euro với chính phủ Đức. Chính phủ sẽ nắm 25,1% cổ phần công ty này và có ghế trong ban kiểm soát. Trả lời CNN, Lufthansa từ chối bình luận về thông tin này và chỉ cho biết họ tin tưởng cuộc đàm phán "sẽ nhanh chóng kết thúc".
"Sự hỗ trợ của chính phủ Đức là bước đi quyết định với tương lai của chúng tôi. Khả năng cạnh tranh và đầu tư vẫn là điều kiện tiên quyết cho việc này", ban lãnh đạo Lufthansa cho biết.
Các nhà phân tích lo ngại sự can thiệp của chính phủ có thể ảnh hưởng đến khả năng Lufthansa thực hiện kế hoạch tái cấu trúc - giảm 13% đội bay và khoảng 10.000 nhân viên. Hiện tại, hai phần ba số nhân viên của hãng, tương đương hơn 80.000 người, đã phải giảm giờ làm.
CEO Carsten Spohr hôm qua nhấn mạnh Lufthansa vẫn muốn duy trì "sự tự do trong quyết định và hành động". "Chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng không cần họ quản lý", ông khẳng định với các cổ đông.
Dù vậy, sự tham gia của "thành phần chính trị" trong hội đồng quản trị cũng khiến giới phân tích lo ngại. Nhiều hãng bay lớn của Mỹ và châu Âu đã tìm sự trợ giúp của nhà đầu tư và chính phủ để tồn tại. Dĩ nhiên, những sự giúp đỡ này đều có điều kiện, như giảm lượng khí thải carbon và tạm thời cấm sa thải nhân viên.
Một người phát ngôn của Lufthansa tuần trước cho biết trên CNN rằng việc phải giảm công suất bay do đại dịch cũng đang tăng tốc quá trình thải loại các máy bay cũ với hiệu suất nhiên liệu thấp. Dù vậy, các biện pháp quản lý khủng hoảng cũng đồng nghĩa việc đầu tư cho tương lai, như vào nhiên liệu bền vững, sẽ khó khăn hơn.
Đến nay, các hãng bay hàng đầu châu Âu đã thông báo có thể cắt giảm tới 35.000 việc làm, do phải thu hẹp hoạt động. "Thói quen di chuyển của mọi người sẽ thay đổi, cả về công tác lẫn du lịch. Việc này sẽ khiến hàng không toàn cầu phải tái cấu trúc", Spohr cho biết.