Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hãng bay oằn mình gánh phí, ACV ‘ngồi mát ăn bát vàng’ ra sao?

(VTC News) -

Không có doanh nghiệp nào ở Việt Nam đạt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu 45,6% như ACV.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) được gọi là “doanh nghiệp siêu lợi nhuận” trên sàn chứng khoán vì khả năng sinh lời kỳ lạ: thu 2 đồng lãi 1 đồng.

Tỷ suất lợi nhuận gấp 18,2 lần Vietnam Airlines

Báo cáo tài chính quý IV/2019 hợp nhất của ACV cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế 18.292,9 tỷ đồng và 8.342,9 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) đạt 45,6%. Điều này cho thấy, cứ 100 đồng doanh thu ACV mang về làm tăng thêm 45,6 đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, trong năm tài chính 2019, ACV hoạt động cực kỳ hiệu quả, chi phí thấp, tạo ra “siêu” lợi nhuận.

Tỷ suất sinh lời trên doanh thu của ACV "vô đối" trên sàn chứng khoán Việt. 

Tính riêng quý IV, tỷ suất lợi nhuận ACV còn cao hơn nữa. Trong quý cuối năm, ACV đạt doanh thu và lợi nhuận 4.813 tỷ đồng và 2.435 tỷ đồng. Nghĩa là 2 đồng doanh thu đã mang về cho ACV 1 đồng lợi nhuận. Không có doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán đạt ROS cao như ACV.

Điều này dễ thấy hơn nếu so sánh với hai hãng bay là Vietnam Airlines và Vietjet. Năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines là 98.177 tỷ đồng và 2.516 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của Vietnam Airlines là 2,5%. Nghĩa là Vietnam Airlines kiếm được 100 đồng doanh thu thì chỉ mang về 2,5 đồng lợi nhuận – một con số khá khiêm tốn.

Tương tự, ROS của Vietjet trong năm 2019 là 8,1%. Tức 100 đồng doanh thu Vietjet làm ra, hãng thu về 8,1 đồng lợi nhuận.

Như vậy có thể hiểu đơn giản, tỷ lệ thu lời của ACV cao gấp 5,6 lần Vietjet và cao gấp 18,2 lần Vietnam Airlines.

Đáng chú ý, tỷ suất sinh lợi trên doanh thu của ACV càng ngày càng lớn. Nếu như năm 2016 mới đạt 25,53% thì năm 2018 là 38,2% và đến 2019 là 45,6%.

Nhờ khả năng sinh lời cực lớn, ACV hiện đang tích trữ được lượng tiền khổng lồ. Theo báo cáo, tại thời điểm 31/12/2019, ACV có tới 350 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Trong đó, ACV sở hữu 30.922 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, đa số gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 12 tháng.

XEM THÊM:

>> Giảm phí ‘nhỏ giọt’ hãng bay: ACV ‘hỗ trợ’ hay nhận phần lợi nhất?

>> Hỗ trợ hãng bay 'cho có', ACV bị phản ứng gay gắt

>> Hãng bay ‘è cổ’ gánh thuế phí, ACV lãi khủng, có 31 nghìn tỷ gửi ngân hàng

Doanh nghiệp kỳ lạ

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không, từng gọi ACV là “doanh nghiệp kỳ lạ”.

Tại Phiên chuyên đề IV, Diễn đàn cao cấp du lịch Việt Nam lần 2 tổ chức 12/2019 tại Hà Nội, TS. Nam cho biết các tập đoàn, doanh nghiệp làm sân bay trên thế giới họ làm cả đường băng, khu bay.

Tuy nhiên, thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp, Việt Nam lại có một doanh nghiệp đầu tư phát triển sân bay mà lại không làm khu bay. Việc chỉ khai thác mà không cần đầu tư khiến ACV đạt siêu lợi nhuận.

“Họ đang khai thác hạ tầng mà nhà nước đầu tư mà không phải trả tiền. Tôi nghĩ rằng cấu trúc về đầu tư, quản lý và vận hành sân bay cần phải xem xét lại một cách tổng thể”, ông Nam nói.

Video: Vietnam Airlines khử trùng máy bay thế nào sau mỗi chuyến đi?

Theo chuyên gia này, hạ tầng khu bay hiện nay nhà nước là chủ sở hữu. Nhà nước đầu tư và nhà nước quản lý. ACV cũng chỉ đầu tư khai thác từ khu bay trở ra và cũng là các khu sinh lời với tỷ suất lợi nhuận cao. Trong khi ACV trong cấu trúc hiện nay cũng không khác gì các doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng ta cần tạo ra hành lang pháp lý để tư nhân được vào một cách bình đằng, còn nếu như một dự án đầu tư mà có cả hạ tầng khu bay, nhà ga thì tôi tin rằng, tư nhân còn có đủ điều kiện và đủ sự quan tâm để thực hiện", TS. Nam nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả (Bộ Tài chính), ACV là công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy là công ty cổ phần nhưng ACV lại đang được độc quyền quản lý và khai thác 22 sân bay, gồm 9 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ.

“Đây là điều kỳ lạ. Bởi kinh tế thị trường là cạnh tranh. Tránh tập trung quá mức vào một doanh nghiệp sinh ra độc quyền. Xung quanh cảng hàng không hiện có nhiều sự độc quyền làm cho phí đội lên rất cao. Ví dụ như các đường dẫn ra vào sân bay hay mọi dịch vụ sân bay đều thu phí…”, ông Long nhấn mạnh.

ACV được “bật đèn xanh”, nhiều phản ứng trái chiều

Trong thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến đề xuất về “Định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng hàng không” để trình Thủ tướng xem xét.

Bộ GTVT đề xuất giao ACV độc quyền 22 Cảng hàng không, chỉ xã hội hoá 3 cảng tại Sa Pa, Lai Châu và Quảng Trị. Đây là các cảng hàng không nhỏ nằm địa bàn khó khăn, sản lượng khách tiềm năng không cao. Tuy nhiên đề xuất này của Bộ GTVT đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành liên quan cũng như từ phía dư luận.

Nêu lý do ACV là một công ty cổ phần, không phải cơ quan nhà nước, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT làm rõ cơ sở pháp lý việc lựa chọn đơn vị này làm nhà đầu tư tại nhiều cảng hàng không.

Bộ Tư pháp phân tích, trong báo cáo định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không, Bộ GTVT đã trình bày kinh nghiệm quốc tế liên quan đến vấn đề này và đề xuất định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không. Tuy nhiên, chỉ thực hiện kêu gọi xã hội hoá đầu tư cảng đối với 3 cảng hàng không là Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị.

Trong khi đó, 22 cảng hàng không hiện do ACV quản lý, khai thác và cảng hàng không quốc tế Long Thành thì không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng, có thể thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không không thiết yếu và công trình cung cấp dịch vụ phi hàng không...

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT cần đánh giá tổng thể về năng lực và hiệu quả quản lý của ACV đối với 22 cảng hàng không nêu trên (trừ cảng hàng không Long Thành đang trình Quốc hội cho ý kiến) để làm cơ sở xem xét, quyết định việc thực hiện xã hội đầu tư toàn bộ cảng hàng không này hay tiếp tục giao ACV quản lý và chỉ thực hiện xã hội hoá đầu tư một số hạng mục công trình.

“Việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cảng hàng không phải thực hiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch và hiệu quả. Ngoài ra, báo cáo của Bộ GTVT không có nhiều nội dung mang tính kỹ thuật chuyên ngành, đề nghị Bộ GTVT phải xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện”, văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Hoàng Hưng

Tin mới