Được sự ưu đãi của thiên nhiên, xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn có bãi bồi rộng khoảng 20ha để người dân hàng ngày đi khai thác sá sùng tự nhiên, chất lượng cao. Người dân xã đảo chủ yếu khai thác sá sùng tại bãi Đầu Dộc và Đầu Nhòng.
Hàng ngày, khi thuỷ triều xuống lộ ra bãi bồi cũng là lúc hàng trăm người dân vác thuổng (dụng cụ đào sá sùng) bắt đầu công việc đào lộc biển.
Để di chuyển thuận lợi trên bùn, chân mỗi người đều chỉ đeo tất mỏng. Có những lúc không để ý, người đào lộc biển bị vỏ ốc, hà cứa chảy máu chân.
Người dân đảo Quan Lạn thường đi đào sá sùng ở bãi Đầu Dộc và Đầu Nhòng.
Là người theo nghề đào sá sùng hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Lan (người dân xã đảo Quan Lạn) cho biết, sá sùng là loài ưa mát, nên thuỷ triều vừa xuống là phải đi đào ngay, để lâu trời nắng khiến mặt đất nóng, sá sùng sẽ chui sâu xuống bùn.
Nhiều năm làm nghề, người dân trên đảo có đủ kinh nghiệm để biết đâu là tổ của sá sùng.
"Khi thấy tổ thì phải dùng thuổng đào dứt khoát để sá sùng không chui sâu. Mỗi buổi tôi có thể đào được hơn 1kg, lên bờ là có người mua tại chỗ hoặc mang về chế biến khô", chị Lan chia sẻ kinh nghiệm.
Chị Lan sau động tác nhanh thoăn thoắt đã đào được con sá sùng loại to.
Trước đây, 4 người trong gia đình chị Hoàng Thị Tuyết (xã Quan Lạn) sống trong căn nhà nhỏ xây từ những năm 2000. Thời điểm đó, việc có được ngôi nhà rộng rãi, kiên cố là niềm mơ ước của gia đình chị Tuyết và tất cả các hộ trên đảo Quan Lạn. Nay, cũng tại nền móng đó, một ngôi nhà khang trang đã mọc lên sau quãng thời gian vợ chồng chị chăm chỉ làm lụng, tích cóp.
Động tác đào phải dứt khoát không để sá sùng chui sâu xuống bùn.
Chị Tuyết kể, trước đây sá sùng chỉ là loài người dân ở đây đào về để ăn chứ du khách không biết đó là con gì.
Hàng ngày vợ chồng chị Tuyết đi biển đánh bắt cá bán kiếm tiền sống qua ngày. Nhiều năm trở lại đây, sá sùng được du khách biết đến. Nhận thấy đây là nguồn lợi kinh tế cao, vợ chồng chị Tuyết nghỉ việc đi tàu đánh cá để đào sá sùng.
Thành quả bắt được sau khi đào tổ sá sùng sâu khoảng nửa mét.
"Hàng ngày tôi đi đào sá sùng, chồng giúp bán hải sản, mỗi ngày chúng tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng. Những ngày thuỷ triều cao không đi đào được, tôi phụ chồng bán hải sản cho du khách. Cuộc sống cũng cải thiện hơn, không thiếu thốn như ngày trước nữa", chị Tuyết phấn khởi cho biết.
Từ việc kiếm thức ăn hàng ngày, nay việc đào sá sùng đã trở thành kế sinh nhai giúp người dân đảo Quan Lạn thoát nghèo vì đem lại lợi ích kinh tế cao.
Để di chuyển thuận lợi trên bãi bồi, mọi người chỉ đeo đôi tất mỏng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn - ông Hoàng Huy Sầm, hiện tại ở xã có khoảng 400 lao động nữ làm nghề đào sá sùng. Mỗi tháng người dân có thể khai thác sá sùng 20 ngày liên tục, những ngày thuỷ triều cao là thời gian họ nghỉ ngơi.
Thành quả sau hơn 2 tiếng đào sá sùng của một người dân trên đảo Quan Lạn.
"Đặc thù là loài không nuôi được, sá sùng tự nhiên ở Quan Lạn có giá trị kinh tế cao khi thương lái mua tươi từ hơn 500 nghìn đồng/kg và khoảng hơn 5 triệu đồng/kg sá sùng khô", ông Sầm cho biết.
Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu cũng là lúc người dân hò nhau về sau một buổi đào sá sùng mệt nhoài.
Với số lượng sá sùng như thế này, người dân có thể bán để kiếm tiền triệu mang về.