Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mâm cúng rằm tháng 8 đầy đủ gồm những gì?

(VTC News) -

Mâm cúng rằm tháng 8 không cần chuẩn bị quá cầu kỳ, long trọng như mâm cúng các ngày lễ khác nhưng vẫn nên tươm tất, đầy đủ.

Tết Trung thu, hay còn gọi là Tết thiếu nhi hoặc Tết đoàn viên, là một dịp đặc biệt không chỉ dành cho trẻ em mà còn là thời gian để các gia đình sum họp, đoàn tụ. Một trong những phần quan trọng và không thể thiếu của Tết Trung thu chính là mâm cúng rằm tháng 8. 

Mâm cúng rằm tháng 8 đầy đủ gồm những gì?

Các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm đầy đủ để dâng lên tổ tiên, thần linh với mục đích cầu bình an, gia đạo hòa thuận. Bên cạnh đó, gia chủ cũng sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng để vào lúc trăng lên cao, cả gia đình sẽ quây quần dưới ánh trăng cùng phá cỗ Trung thu. 

Mâm cỗ cúng tổ tiên thần linh

Tùy theo phong tục của từng địa phương hoặc lối sống của từng nhà mà mâm cúng rằm tháng 8 được chuẩn bị khác nhau,  có thể gồm các món ăn chay hay mặn. 

Mâm cỗ mặn thường có gà, xôi, các món ăn truyền thống hoặc theo khẩu vị gia đình. Nếu gia đình theo đạo Phật, có thể làm mâm cỗ chay gồm xôi, cháo chay, nộm chay, các món rau củ xào, đậu hũ…

Nếu không có điều kiện và thời gian, các gia đình có thể chuẩn bị trái cây, bánh kẹo đơn giản để thắp hương vào sáng ngày rằm.

Mâm cỗ trông trăng

Mâm cỗ trông trăng đêm Trung thu không thể thiếu các loại trái cây, thường là những loại quả có hương vị ngọt ngào hoặc mang màu sắc bắt mắt như chuối, bưởi, lựu, hồng xiêm, dưa hấu, cam, quýt. Đặc biệt, bưởi là loại quả không thể thiếu, không chỉ bởi hương vị mà còn vì hình ảnh tròn đầy, viên mãn, trông như trăng tròn rằm tháng 8.

Nhiều chị em khéo tay có thể cắt tỉa bưởi, dưa hấu thành hình các con vật với mục đích tạo niềm vui, niềm thích thú cho trẻ nhỏ. 

Mâm cúng rằm tháng 8 theo phong cách miền Bắc. (Ảnh: Vân Hà Hoàng)

Bánh nướng, bánh dẻo cũng là linh hồn của mâm cỗ Trung thu. Ngoài các loại nhân truyền thống như đậu xanh, thập cẩm, trứng muối, người làm bánh ngày càng sáng tạo nhiều loại nhân hiện đại như trà xanh, custard, chocolate...

Những chiếc đèn ông sao truyền thống làm từ giấy kính đủ sắc màu, đèn hình con cá, con thỏ được treo lên, mang đến ánh sáng lung linh, kỳ diệu cho đêm rằm. Ngoài ra, những món đồ chơi truyền thống như đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ em mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng, gắn liền với ký ức tuổi thơ của người lớn.

Hoa dùng để bày trong mâm cỗ trông trăng cũng luôn được chọn lựa kỹ lưỡng, thường là hoa cúc, hoa sen hay hoa nhài, mang lại sự tươi mới và may mắn. 

Trà cũng là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu, sau đó sẽ được thưởng thức cùng với bánh trung thu.

Ngoài ra, tùy vào vùng miền, mâm cỗ trông trăng có thể có thêm một số món ăn đặc sản, ví dụ ở miền Bắc là cốm, miền Trung có các loại bánh bột lọc, miền Nam có chè trôi nước…

Mâm bánh mứt kẹo được trang trí đẹp mắt dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Cao Phương Thảo)

Ý nghĩa mâm cúng rằm tháng 8

Khi bày biện mâm cúng, mọi người cần chú ý sao cho hài hòa, đẹp mắt. Bánh trung thu và trái cây nên được đặt ở vị trí trung tâm. Các loại đồ chơi, đèn ông sao nên được sắp xếp xung quanh tạo điểm nhấn để mâm cúng trọn vẹn và tinh tế.

Thông thường, mâm cỗ trông trăng không cần bày lên bàn thờ mà chỉ cần đặt lên một chiếc bàn rộng, có thể để trong nhà hoặc ngoài sân.

Trong dịp Tết Trung thu, không khí gia đình ấm áp cùng những mâm cỗ đẹp mắt sẽ giúp mỗi người cảm nhận rõ hơn về giá trị của sự đoàn viên, tình thân ái và niềm vui sống giản dị mà đầy đủ.

Mâm cúng rằm tháng 8 không chỉ là là cầu nối tâm linh để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình, mà còn là dịp để thể hiện sự quan tâm, đoàn kết trong nhà. Mâm cúng với đầy đủ các món truyền thống sẽ mang đến không khí ấm áp, giúp mọi người nhớ về cội nguồn, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Nhật Thùy

Tin mới