Tết Trung Thu, còn được gọi là Tết Thiếu nhi hay Tết Trông trăng, là một trong những lễ hội truyền thống quan trọng và lâu đời của người Việt Nam. Đây là dịp để gia đình sum vầy, trẻ em vui chơi dưới ánh trăng rằm, mọi người hưởng niềm hạnh phúc đoàn viên bên những chiếc đèn ông sao, những chiếc bánh trung thu vừa ngon vừa đẹp, những chú chó bưởi được tạo hình khéo léo, đẹp mắt...
Tết Trung thu được tổ chức vào rằm Trung thu, tức ngày 15 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Theo lịch dương năm 2024, ngày 15 tháng 8 Âm lịch sẽ rơi vào thứ Ba, 17/9.
Tết Trung thu 2024 là ngày nào Dương lịch?
Từ đầu tháng 8 cho đến đêm rằm, các hoạt động truyền thống như múa lân, rước đèn, lễ hội trông trăng diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo với tạo hình và công thức đa dạng - món quà ý nghĩa và không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu - không chỉ hấp dẫn người thưởng thức mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người mê làm bánh trổ tài sáng tạo.
Tết Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em thoả sức vui chơi mà còn là cơ hội để người lớn thể hiện tình yêu thương, gắn kết gia đình, để cả nhà quây quần bên nhau, cảm nhận sự ấm áp của tình thân, để mọi người trong xã hội tăng cường sự kết nối qua các hoạt động cộng đồng. Trẻ em không chỉ được vui chơi, học hỏi mà còn nhận thức sâu sắc về tinh thần đoàn kết, yêu thương.
Để có một Tết Trung thu trọn vẹn và ý nghĩa, nhiều gia đình đã lên kế hoạch từ sớm. Dưới đây là một số gợi ý cho ngày đặc biệt này.
Một trong những hoạt động nổi bật nhất của Tết Trung thu là làm và trang trí các loại đèn, như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng, đèn hình thú... Những chiếc đèn đủ màu sắc, hình dáng được làm từ giấy, tre hoặc nhựa... là món đồ chơi quyến rũ cả trẻ em lẫn người lớn trong dịp này. Các em nhỏ có thể tự tay làm đèn trung thu với sự hướng dẫn của người lớn, vừa để giải trí vừa gắn kết tình cảm và rèn sự khéo léo, khơi dậy khả năng sáng tạo.
Bánh trung thu là biểu tượng không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu. Các mẫu bánh nướng, bánh dẻo với nhiều loại nhân khác nhau như đậu xanh, cốm, khoai môn, trứng muối... được làm tỉ mỉ và công phu, công thức mỗi ngày một đa dạng, mới mẻ. Nhiều bà nội trợ thậm chí còn chuẩn bị sẵn nước đường phết vỏ bánh nướng cả tháng trời trước rằm tháng 8. Nhiều lớp học làm bánh trung thu cũng được mở ra trong dịp này.
Việc tự tay làm những chiếc bánh trung thu không chỉ làm phong phú thêm mâm cỗ mà còn gia tăng niềm vui cho cả gia đình. Nếu không có thời gian, việc đến các quầy bánh được dựng rất trang trọng dọc các phố, trung tâm thương mại để ngắm và lựa chọn cũng đủ khiến người ta náo nức.
Việc trang trí nhà cửa, bày biện mâm ngũ quả, mâm cỗ trông trăng cũng là hoạt động quen thuộc trong dịp này, giúp không gian gia đình trở nên ấm cúng và đầy màu sắc. Hình ảnh không gian sống được trang trí bằng đèn ông sao, đèn llồng và các hình ảnh liên quan đến Trung Thu được nhiều người khoe lên mạng với niềm tự hào.
Phá cỗ vào đêm Trung thu là hoạt động được trẻ em mong chờ nhất. Mâm cỗ Trung thu thường bao gồm bánh trung thu, cốm, bưởi, dưa hấu, na, lựu, hồng... Mâm cỗ này không chỉ để ăn mà còn để trang trí và là phần quan trọng của nghi thức trông trăng tại nhà hoặc các địa điểm công cộng.
Hoạt động rước đèn thường diễn ra vào buổi tối Trung thu. Mọi người cùng trẻ em cầm các loại đèn và đi khắp các ngõ, phố trong tiếng trống vui vẻ, tiếng hò reo vang dội. Các bài hát truyền thống như "Chiếc đèn ông sao," "Rước đèn tháng Tám" được hát vang trong không gian rực rỡ sắc màu.
Rước đèn trung thu khổng lồ tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Khổng Chí)
Múa lân là một hoạt động không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu. Những đoàn múa lân thường đi khắp nơi biểu diễn, mang lại niềm vui và không khí tưng bừng cho mọi người. Từng động tác mạnh mẽ, uyển chuyển kết hợp với tiếng trống rộn ràng càng làm cho không khí trở nên sôi động và hào hứng.
Nhiều địa phương, trường học tổ chức các chương trình thiện nguyện, văn nghệ, múa lân và phát quà cho trẻ em. Việc tham gia những sự kiện này sẽ giúp kết nối cộng đồng và lan tỏa niềm vui.