Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ly kỳ ngôi mộ cổ khổng lồ chìm dưới đáy sông ở Thanh Hóa

Tương truyền, bà là vợ của vị vua lỗi lạc Lê Lợi, đã tự hiến thân mình cho Hà Bá, để chồng đánh giặc xưng đế.

Kỳ 1: Người vợ ba xinh đẹp của vua Lê

Trong chuyến công tác ở Thọ Xuân – Thanh Hóa, vùng đất dày đặc dấu ấn văn hóa lịch sử, trong ngày mưa gió, ngồi uống trà với Phó Bí thư thường trực huyện ủy Phạm Mai Anh, ông kể về một nhân vật khá kỳ lạ, vừa thực vừa hư, được dân trong vùng tôn là bà chúa, là Mẫu. Tương truyền, bà là vợ của vị vua lỗi lạc Lê Lợi, đã tự hiến thân mình cho Hà Bá, để chồng đánh giặc xưng đế.

Câu chuyện về cuộc đời bà, hầu hết là huyền thoại, nhưng tên tuổi lại có thật, và điều đặc biệt, là những công trình thờ tự bà ở Thọ Xuân vẫn còn. Ly kỳ nhất là ngôi mộ, với lời đồn của bà, vẫn chìm dưới dòng sông Chu.

Ông Phạm Mai Anh từng là giáo viên, rồi lãnh đạo Phòng văn hóa huyện, có nhiều thời gian tìm hiểu về nhân vật đầy huyền bí này, tuy nhiên, người hiểu rõ hơn cả, cũng được ông Mai Anh coi là bậc thầy, là “kho báu” trí tuệ của vùng Thọ Xuân, là nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng.

 Nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng là người nắm rất rõ những chuyện liên quan đến vợ ba của vua Lê Lợi - bà Trần Thị Ngọc Trần.

Trời Thọ Xuân sầm sì, rồi mưa như trút nước. Con đường ngoằn ngoèo dọc đê sông Chu dẫn đến ngôi làng bình dị, những nếp nhà ngói nhỏ xinh cổ kính, nép mình dưới những rặng tre pheo, những lùm cây xanh mát. Nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng dáng người dong dỏng, mái tóc hoa râm mềm mượt, đeo cặp kính lão, khuôn mặt toát lên vẻ thi sĩ. Tuổi ngoài 70, ông vẫn mạnh khỏe nhanh nhẹn, cực kỳ sáng suốt minh mẫn.

Trong ngôi nhà bình dị, cạnh ngôi nhà cổ 150 năm tổ tiên để lại, sách vở tài liệu cổ cũ nát chồng đống ngổn ngang. “Về hưu lâu lắm rồi, nhưng tôi chẳng có một ngày rong chơi, vẫn cứ miệt mài viết lách cho các thôn xã, in sách in vở. Cứ làng xã nào trả tiền công bằng phu hồ bốc vác là tôi viết. Tuổi này rồi, tiền thì chẳng cần nữa, nhưng làm việc chữ nghĩa lại ra chút tiền cũng vui lắm. Có tiền lại phục vụ đi đây đi đó sưu tầm tài liệu” – nhà nghiên cứu sử làng Hoàng Hùng lau cặp kính lão, pha trà, rồi tràng giang đại hải những câu chuyện đậm đặc văn hóa, lịch sử, liêu trai ở vùng đất phát tích đế vương này.

Tôi hỏi về bà chúa bí ẩn, với ngôi mộ chìm dưới lòng sông Chu, nhà sử làng Hoàng Hùng trở nên say sưa đến lạ. Ông bảo: “Xét về góc độ nghiên cứu sử, thì tôi cho đây là ngôi mộ thật, của một người phụ nữ có thật, là vợ vua Lê Lợi, nhưng, xét ở góc độ khảo cổ, thì còn phải nghiên cứu. Tôi thì nghiên cứu nhiều năm rồi, giờ rất mong có các nhà khảo cổ vào cuộc, để làm sáng tỏ câu chuyện này, vừa phát huy giá trị di tích, vừa bảo tồn được tốt hơn”.

 Đoạn sông Chu - nơi có ngôi mộ cổ dưới đáy sông.

Không chỉ làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, tổng hợp thông tin, bản thân ông Hùng cũng đã thử làm “khảo cổ”. Ông đã nhờ người lặn xuống đáy sông Chu, đục lấy một miếng “hợp chất” của ngôi mộ, ông nghiền thứ đó ra thành bột, đổ vào bát nước và thấy nổi váng của hợp chất lên. “Nếu là đá tự nhiên, thì không thể có thứ váng màu vàng nổi trên mặt bát nước được” – ông Hùng bảo vậy. Về thực địa và khảo cổ, ông mới chỉ dừng lại ở “chuyên môn tay ngang” vậy thôi.

Nhà nghiên cứu sử làng Hoàng Hùng lục tìm những tập tài liệu cổ, những ghi chép bằng chữ Hán, những tài liệu ở Viện Viễn Đông Bác Cổ, rồi ông tổng hợp thông tin cho tôi, chắt lọc những chi tiết lịch sử, rồi cả những thông tin huyễn hoặc kiểu truyền thuyết, để câu chuyện về “bà chúa” này thêm phần sinh động.

Theo đó, nhân vật Trần Thị Ngọc Trần vốn là vợ thứ 3 của vua Lê Lợi. Các sách Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục, Lê Triều ngọc phả tập ký, cũng như các thần tích đều chép rằng, trước khi xưng đế, Lê Lợi đã có 3 bà vợ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng nói về bà Trần Thị Ngọc Trần

Khi tự xưng là Bình Định Vương, ông vẫn không lập người nào làm chính thất (vợ cả), mà chỉ làm phi.

Một người vợ là Thần Phi, tên Trịnh Thị Lữ, người làng Bái Đô (Xuân Bái, Thọ Xuân bây giờ); một bà là Huệ Phi, tên Phạm Thị Nghiêu, theo Lê Thái Tổ từ khi mới khởi nghĩa. Bà Nghiêu bị nội quan nhà Minh là Mã Kỳ bắt năm 1418. Sau này, giặc thả về.

Khi Lê Thái Tông lên ngôi, tôn bà làm Huệ Phi. Bà không giữ trọn khí tiết, bị gian đảng lừa dối, dụ dỗ, mưu chuyện phế lập. Vua Thái Tông thấy bà đã già, theo Thái Tổ từ thuở hàn vi, bèn cho về Lam Kinh coi giữ Vĩnh Lăng. Bà lại càng mang lòng oán hận, nói năng bất cẩn. Lúc bấy giờ, có người hầu gái trong cung tố cáo, Lê Thái Tông nổi giận ban cho tội chết.

 Đền thờ bà Trần Thị Ngọc Trần (chưa rõ vì sao đền thờ ghi bà là họ Phạm).

Người vợ thứ 3 chính là bà Trần Thị Ngọc Trần. Nguyên khi làm phụ đạo Lam Kinh, Lê Thái Tổ thường giao du với các anh hùng hào kiệt trong vùng. Thái Tổ thường đi đò qua sông Lương Giang sang phường Đa Mỹ gặp Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Văn An hoặc gặp Lê Văn Linh ở làng Hải Lịch để luận bàn thế sự, đợi thời cơ dựng cờ khởi nghĩa.

Một lần, Lê Lợi sang sông, trời đã nhập nhoạng tối, sương giăng khắp ngả mặt sông, bãi mía, bỗng thấy thấp thoáng nương dâu, một người con gái đang thoăn thoắt hái lá. Tò mò lại gần, thì thấy một thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ, đáng bậc phu nhân, hoàng hậu.

Lê Lợi hỏi ra, mới biết người con gái ấy họ Trần, húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai. Ông liền hỏi cưới làm vợ.

Khi Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian lao nguy hiểm.

Năm Ất Tỵ (1425) Lê Thái Tổ vây đánh thành Nghệ An, đánh đến Triều Khẩu ở Hưng Nguyên bây giờ, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông, trời đang nắng bỗng nổi giông tố mù mịt, sông nổi sóng ba đào, quân lính ngựa voi không tài nào qua sông được.

 Gian thờ bà Trần Thị Ngọc Trần.

Lê Lợi cho gọi thổ dân đến hỏi, thổ dân thưa: “Sông này thờ thần Giản Hộ, cứ ba năm lại phải hiến một người con gái. Mấy năm nay loạn lạc, dân tình bỏ đi nơi khác nên việc cúng tế bỏ trễ”.

Lê Lợi nói: “Ta dựng cờ khởi nghĩa vì dân, nhiều năm nay bá tính bị giặc Minh giết, cướp gây bao tai ương, tang tóc, há lại bắt thêm một người dân vô tội nữa chết sao?”. Nói rồi ông cho hạ trại đóng quân tìm kế khác.

Đêm ấy, nhà vua không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Gần sáng, thì mơ thấy vị thần đến bảo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”.

Hôm sau, vua gọi các vợ đến kể lại giấc mộng. Rồi ông bảo: “Có ai chịu hiến mình làm vợ thần Giản Hộ không? Sau này lấy được nước, ta sẽ lập con của người đó làm Thiên Tử”.

Các bà phi không ai nói gì, chỉ có bà Trần Thị Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu Minh Công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân vì nước. Sau này làm nên nghiệp lớn, chớ có phụ thiếp”.

Nhà vua khen ngợi, thương cảm, nói với các tướng, nhận theo lời hẹn đó, lại sai các quan lấy bút ghi vào vạt áo, để sau này khi đã nên nghiệp lớn có quên thì nhắc nhở.

Còn tiếp...

Phạm Dương Ngọc

Tin mới