Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lượng xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc tăng mạnh

(VTC News) -

Theo Gazprom, lượng xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Trung Quốc tăng gần 60% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bài đăng của Gazprom trên Telegram: "Xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống dẫn khí đốt 'Sức mạnh Siberia' (Power of Siberia) đang tăng, theo hợp đồng dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Khối lượng cung cấp trong 4 tháng đầu năm 2022 vượt gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Lượng xuất khẩu khí đốt Nga sang Trung Quốc tăng gần 60%. (Ảnh minh họa)

Theo Sputnik, khí đốt Nga được cung cấp cho khu vực thông qua hệ thống “Sức mạnh Siberia” từ cuối năm 2019, với công suất đạt 4,1 tỷ mét khối năm 2020. Các bên dự kiến sẽ tăng lượng cung cấp cho đến khi đạt được công suất thiết kế là 38 tỷ mét khối/năm vào 2025. Nếu tính đến cả một thỏa thuận mới giữa các công ty vào tháng 2, tổng công suất cung cấp dọc tuyến đường ống khu vực Viễn Đông đến Trung Quốc có thể lên tới 48 tỷ mét khối mỗi năm.

Từ khi Moskva khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào kinh tế Nga. Trong số đó, các phương án dừng nhập khẩu sản phẩm năng lượng  gây tranh cãi khi dầu khí Nga chiếm thị phần lớn ở các nước EU.

Trong khi một số nước chấp thuận phương án của Nga về việc trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, những nước khác tuyên bố tìm nguồn năng lượng thay thế. Đức - quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt Nga tại châu Âu, cũng tuyên bố không đồng ý trả tiền bằng rúp và sẽ tìm cách để độc lập về năng lượng sớm nhất có thể. 

Theo Gazprom, dự trữ khí đốt trong các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu đã được bổ sung thêm 6,9 tỷ mét khối tính đến ngày 29/4, và các công ty sẽ phải bơm thêm khoảng 56 tỷ mét khối nữa để làm đầy 90% kho – mục tiêu dự trữ mà EU đã đặt ra.

Từ đầu khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc không tham gia loạt lệnh trừng phạt của phương Tây. Nước này tuyên bố không chấp nhận bất cứ áp lực hay ép buộc nào đối với mối quan hệ với Nga sau khi Mỹ cảnh báo Bắc Kinh không nên ủng hộ Moskva.

Trong khi đó, theo Bloomberg, các nhà nhập khẩu Trung Quốc thận trọng tìm cơ hội mua khí đốt từ Nga với giá rẻ. Dù nhu cầu trong nước chưa quá cấp bách, nguồn cung khí đốt từ Nga được đánh giá có thể giúp Trung Quốc có lượng bổ sung hợp lý trước thời điểm mặt hàng này tăng giá. 

Phương Anh

Tin mới