"Tuần này, Ba Lan từ chối thanh toán khí đốt của Nga theo thủ tục mới bằng đồng rúp. Phía Ba Lan thông báo khí đốt của Nga không còn cần thiết và sẽ không mua nữa. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Ba Lan vẫn mua khí đốt của Nga nhưng bây giờ là từ Đức. Tại đó khí đốt được chuyển ngược lại Ba Lan qua đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu", người phát ngôn của Gazprom Sergey Kuprianov cho hay.
Theo ông Kuprianov, với phương án này của Warsaw, lượng khí đốt Ba Lan nhập về mỗi ngày vào khoảng 30 triệu m3, gần bằng lượng khí đốt trong hợp đồng giữa Ba Lan và Gazprom trước đó.
Hôm 27/4, Gazprom thông báo ngưng cung cấp khí đốt cho Ba Lan sau khi Warsaw từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Theo Gazprom, nguồn cung sẽ không được nối lại cho tới khi Warsaw tuân thủ tuân thủ cơ chế mới.
Nga khóa van khí đốt tới Ba Lan vì nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp như yêu cầu. (Ảnh: Reuters)
Công ty khí đốt của Ba Lan - PGNiG, có hợp đồng khí đốt với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Công ty này cho biết sẽ không tuân thủ kế hoạch thanh toán mới và sẽ không gia hạn hợp đồng.
Hợp đồng cung cấp khí đốt của Ba Lan với Gazprom là 10,2 tỷ m3 mỗi năm - chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ của nước này.
Bộ khí hậu Ba Lan cho biết, nguồn cung năng lượng của nước này vẫn được đảm bảo, lượng khí đốt đến tay người tiêu dùng sẽ không bị cắt giảm. PGNiG cũng nhấn mạnh nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng tới đây sẽ đến từ kho dự trữ và từ các nhà cung cấp khác.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn số liệu từ nhà điều hành mạng lưới truyền tải khí Gascade của Đức cho biết nguồn cung khí đốt từ Đức tới Ba Lan thông qua đường ống Yamal-châu Âu tăng thêm 3,5% vào đầu ngày 28/4 sau khi tăng hơn 5 lần so với một ngày trước đó.
Lượng khí đốt bơm qua đường ống này từ Đức tới Ba Lan tăng lên mức 1,28 triệu m khối/giờ.
Hôm 27/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Ba Lan và Bulgaria đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngừng cung cấp.
"Chúng tôi sẽ đảm bảo quyết định của Gazprom có tác động ít nhất có thể đến người tiêu dùng châu Âu. Hôm nay, điện Kremlin một lần nữa thất bại trong nỗ lực chia rẽ các quốc gia thành viên. Kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga ở châu Âu sắp kết thúc", bà von der Leyen nói.