Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ ‘hái quả ngọt’ khi Nga cắt nguồn cung khí đốt sang châu Âu?

(VTC News) -

Liệu Mỹ có tận dụng được cơ hội để giành thị phần ở châu Âu khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria và dọa sẽ dừng cấp cho các nước khác.

Nga đang thực hiện động thái mạnh mẽ khi cắt nguồn cung khí đốt sang 2 quốc gia châu Âu - Ba Lan và Bulgaria. Động thái này được cho sẽ khiến leo thang căng thẳng và làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga mở rộng lệnh cấm sang các quốc gia khác.

Điều này diễn ra sau khi Nga yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" sẽ phải trả tiền mua năng lượng từ Nga bằng đồng rúp. Theo đó, tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và việc thanh toán cho các khoản nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi thành đồng nội tệ của nước này.

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria từ hôm 27/4.

Căng thẳng leo thang

Chính quyền Tổng thống Joe Biden từ lâu đã cảnh báo về khả năng Nga sẽ "vũ khí hóa" hoạt động xuất khẩu năng lượng, đồng thời Washington cũng có những bước đi để chuẩn bị cho các tình huống này, trong đó tìm cách hợp tác chặt chẽ với các đồng minh châu Âu để tìm cách giải bài toán phụ thuộc vào khí đốt và dầu của Nga. 

"Người châu Âu có kế hoạch thực sự đầy tham vọng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga", Ngoại trưởng Antony Blinken nói với các nhà lập pháp Mỹ hôm 26/4.

Theo Ngoại trưởng Antony Blinken, khó khăn trước mắt là hiện thực hóa các kế hoạch này từng bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào "vàng đen" của Nga. Ông cho biết, điều này không dễ dàng, nhấn mạnh đây là một quá trình và Washington đang hợp tác chặt chẽ với đối tác châu Âu để hóa giải.

Quyết định cắt khí đốt của Nga đến Ba Lan và Bulgaria đánh dấu một canh bạc rủi ro đối với điện Kremlin. Moskva đang tìm cách buộc châu Âu phải trả tiền nhập khẩu năng lượng bằng đồng rúp thay vì USD hoặc euro để nâng cao sức mạnh đồng nội tệ của Nga, vốn đang chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt toàn cầu. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, các nước láng giềng đang cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria trong bối cảnh Nga khóa van. Lãnh đạo EU đề nghị các công ty năng lượng không tuân theo yêu cầu của Nga về việc thanh toán bằng đồng rúp.

"Thanh toán bằng đồng rúp - nếu điều này không được báo trước trong hợp đồng, là hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của chúng tôi. Các công ty có hợp đồng như vậy không nên tuân theo các yêu cầu của Nga", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo hôm 27/4.

“Hướng dẫn của chúng tôi ở đây rất rõ ràng: Thanh toán bằng đồng rúp, nếu điều này không được báo trước trong hợp đồng, sẽ vi phạm lệnh trừng phạt”, bà Ursula von der Leyen nói.

“Các công ty có hợp đồng không nên tuân theo yêu cầu của Nga. Điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt, dẫn đến rủi ro cao đối với các công ty,", bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.

Thông báo của Nga cắt nguồn cung khí đốt đối với Ba Lan và Bulgaria đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây. Chủ tịch EC Von der Leyen cáo buộc Nga "tống tiền". Trong khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng đây là một ví dụ về việc Nga "gần như vũ khí hóa" nguồn cung cấp năng lượng của mình. 

Daniel Yergin, chuyên gia năng lượng và là tác giả của cuốn “Bản đồ mới: Năng lượng, khí hậu và xung đột giữa các quốc gia” cho biết: “Đó là một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy sự leo thang của cuộc chiến trên mặt trận năng lượng".

Theo chuyên gia Daniel Yergin, dù Ba Lan có kết nối với thị trường Đức và có thể nhập khẩu khí đốt của Nga từ Berlin, song sự phụ thuộc của Bulgaria và Ba Lan vào khí đốt của Nga là điều không thể phủ nhận.

Ba Lan cũng đã thực hiện các bước đi trước để tích trữ nguồn cung cấp khí đốt của mình, đảm bảo khoảng 76% nguồn cung dự trữ khí đốt vào mùa cao điêm. Công ty khí đốt của Ba Lan - PGNiG, nhấn mạnh rằng nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng tới đây sẽ đến từ kho dự trữ và từ các nhà cung cấp khác.  

Các chuyên gia cho biết tình hình này có thể thúc đẩy các nỗ lực của châu Âu trong việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga nghiêm ngặt hơn, điều mà các quan chức trong khối đang thảo luận tích cực.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết, gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga có thể bao gồm một số hình thức cấm vận dầu mỏ. Ông cho rằng, biện pháp trừng phạt phải đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với các quốc gia thành viên EU.

EU gặp khó khi trừng phạt năng lượng Nga.

Nếu điều đó xảy ra, biện pháp trừng phạt đối với năng lượng sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế Nga vốn đã phải gồng mình chóng chọi với "bão trừng phạt" từ phương Tây.

Rachel Ziemba, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết: “Tôi nghĩ rằng một khi EU áp đặt lệnh sẽ làm tăng quyết tâm của nhiều thành viên trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thách thức hiện nay là điều đó có nguy cơ gây chia rẽ các quốc gia trong khối".

Cơ hội của Mỹ?

Theo Rachel Ziemba, sự phát triển này có thể sẽ thúc đẩy sự gia tăng giá khí đốt tự nhiên, trong đó cả ở Mỹ, quốc gia đang tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu để giúp các quốc gia châu Âu ngừng sử dụng khí đốt của Nga. “Trên phạm vi toàn cầu, tôi nghĩ rằng giá cả khí đốt sẽ tăng lên", Rachel Ziemba nói.

Hôm 27/4, vài giờ sau quyết định cắt nguồn cung khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria của Nga, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố cho phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới từ hai dự án có trụ sở tại Texas và Louisiana.

Mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ không đề cập cụ thể đến Ba Lan hay Bulgaria trong thông báo, nhưng cơ quan này lưu ý rằng Mỹ là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lỏng lớn nhất và cho biết xuất khẩu sẽ “tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng toàn cầu, đặc biệt là sau chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Washington đã giữ liên lạc với các quan chức Bulgaria và Ba Lan kể từ khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho hai quốc gia này.

Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trước khi Nga tuyên bố cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đã chuyển hướng "một lượng đáng kể" khí LNG sang châu Âu để giúp các nước trong khu vực thoát dần sự lệ thuộc vào Nga.

“Quá trình này đang diễn ra và chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi Nga cắt nguồn cung, sẽ có lượng khí đốt đáng kể từ Mỹ san lấp chỗ thiếu hụt", ông Blinken cho hay.

Mỹ đang tận dụng leo thang căng thẳng giữa Nga và EU về năng lượng để tăng thị phần ở khu vực.

Điều này bao gồm việc cung cấp 15 tỷ m3 (bcm) LNG cho châu Âu, mà Tổng thống Joe Biden đã công bố vào tháng 3. Cả Washington và Brussels nhất trí thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để phối hợp trong việc tìm các giải pháp giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga. 

Mỹ hiện là nhà cung cấp LNG lớn nhất của EU. Khối này đã nhập khẩu hơn 12 tỷ m3 LNG từ Mỹ trong ba tháng đầu năm, tăng so với 4 tỷ m3 cùng kỳ năm 2021.

Mỹ được cho đang tìm cách tăng lượng cung cấp LNG lên 50 tỉ m3 cho châu Âu mỗi năm cho đến ít nhất năm 2030. Ông Blinken khẳng định, chính quyền Tông thống Joe Biden cam kết tăng xuất khẩu khí LNG của Mỹ sang châu Âu thời gian tới.

“Tổng thống Joe Biden đã thúc giục các nhà sản xuất trong nước tăng tốc sản xuất. Hàng nghìn giấy phép chưa được sử dụng và hy vọng chúng sẽ được sử dụng để tăng sản lượng", ông Blinken nói.

Cả Mỹ và châu Âu cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển LNG. Washington đang xây dựng một số cảng xuất khẩu, có thể giúp tăng lượng xuất khẩu LNG của nước này thêm khoảng 1/3 vào năm 2026. Còn tại châu Âu, khoảng 10 cảng nhập khẩu LNG đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch ở Italia, Bỉ, Ba Lan, Đức, Síp và Hy Lạp. 

Tại Mỹ, khoảng 9.000 hợp đồng dầu khí trong nước hiện chưa được sử dụng, và chính quyền Tổng thống Joe Biden thường xuyên viện dẫn các nguyên nhân đó là do lỗi của ngành năng lượng vì chi phí, cũng như giá khí đốt tăng cao.

Theo chuyên gia Daniel Yergin, sẽ là khôn ngoan khi chính quyền Biden tăng cường đối thoại với các công ty năng lượng Mỹ. Ông chỉ ra các cuộc khủng hoảng trong quá khứ như "khủng hoảng Suez", chính phủ Mỹ phối hợp chặt chẽ hơn với ngành công nghiệp trong cách giải quyết các vấn đề về nguồn cung. 

Trên thực tế, có những giới hạn đối với những gì Mỹ có thể làm để hỗ trợ các đối tác châu Âu. Thế mạnh cua Washington là khí LNG, song cơ sở hạ tầng hiện chưa đủ để châu Âu tiếp nhận loại khí đốt này của Mỹ. Để xây dựng được một cảng phục vụ xuất nhập khẩu LNG có trữ lượng lớn rất tốn kém, ước tính hơn một tỷ USD. Hơn nữa, quy trình từ việc lên kế hoạch, xin giấy phép cho đến khi hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành mất nhiều năm.

Khác với khí đốt nhập từ Nga, LNG không vận chuyển qua đường ống. Thay vào đó, nó được làm lạnh để hóa lỏng bằng một quy trình tốn kém tại các cảng, chủ yếu ở các vịnh, bờ biển. Sau đó, LNG được đưa vào các tàu chở dầu chuyên dụng. Tại cảng tiếp nhận, phải đảo ngược quy trình chuyển LNG thành khí để đưa vào sử dụng. Điều này rõ ràng là vấn đề không dễ để châu Âu giải quyết trong "một sớm, một chiều".

Kông Anh

Tin mới