Tại thời điểm quý I/2022, nhờ ghi nhận khoản lãi thuần từ hoạt động khác lên tới hơn 7.000 tỷ đồng (chủ yếu đến từ phí upfront của hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền năm đầu tiên), VPBank đã trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất khối tư nhân với 11.146 tỷ đồng trước thuế.
Mức lợi nhuận này thậm chí còn giúp VPBank vượt mặt “ông kẹ” Vietcombank để trở thành ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống quý I/2022. Tuy nhiên, sau tròn một năm, kết quả kinh doanh của VPBank đã có những thay đổi trái chiều.
MBBank, Techcombank, ACB, SHB và HDBank là top 5 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận trước thuế cao nhất quý I. Ảnh: Chí Hùng.
Theo báo cáo tài chính quý I, ngân hàng này phải đối mặt với một loạt hoạt động kinh doanh suy giảm trong kỳ. Cùng với việc không còn ghi nhận khoản thu nhập bất thường hàng nghìn tỷ đồng kể trên, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã giảm 77%.
Cụ thể, trong quý gần nhất, VPBank ghi nhận 12.359 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ hụt thu từ phần phí upfront kể trên, hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng - tín dụng - cũng ghi nhận tăng trưởng âm (-4%) trong quý vừa qua, đạt 9.534 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Trong khi một số hoạt động như dịch vụ, mua bán chứng khoán kinh doanh giữ được mức tăng trưởng dương, các hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác lại chịu suy giảm. Thậm chí, hoạt động ngoại hối còn khiến nhà băng này chịu khoản lỗ 347 tỷ đồng.
Trong bối cảnh doanh thu giảm, chi phí hoạt động của ngân hàng vẫn tăng 14%, cùng với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn gấp rưỡi. Kết quả là lợi nhuận trước thuế của VPBank đã giảm về mức 2.550 tỷ đồng, chỉ tương đương gần 1/4 lợi nhuận cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý I thấp nhất của nhà băng này kể từ năm 2020.
Với việc VPBank giảm mạnh lợi nhuận, vị trí số một lợi nhuận trong nhóm ngân hàng tư nhân quý I đã thuộc về MBBank - ngân hàng có mức lãi trước thuế 6.512 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Cũng không giữ được đà tăng trưởng ở hầu hết hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, MBBank vẫn ghi nhận tăng trưởng dương ở hoạt động tín dụng với thu nhập lãi thuần đạt hơn 10.227 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Bất chấp phần lớn nguồn thu ngoài tín dụng đều sụt giảm trong quý I, chính khoản tăng thu từ cho vay cùng với việc tiết giảm 13% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giúp MBBank thu về khoản lãi trước thuế 6.512 tỷ đồng, tăng tương ứng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà băng có lợi nhuận cao thứ 2 và 3 trong nhóm tư nhân lần lượt là Techcombank và ACB.
Trong đó, dù lợi nhuận trước thuế đã giảm 17% so với cùng kỳ, Techcombank vẫn thu về 5.623 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.
Với ACB, nhà băng này ghi nhận khoản lãi trước thuế 5.156 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 25% và là một trong những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất nhóm.
Mức lợi nhuận này của ACB được hỗ trợ bởi thu nhập lãi thuần 14%, đạt hơn 6.215 tỷ đồng; lãi kinh doanh ngoại hối tăng 44%, đạt 438 tỷ đồng; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 11 tỷ…
Tương tự với HDBank, dù cũng ghi nhận những khó khăn chung như nhiều ngân hàng, hầu hết hoạt động kinh doanh của nhà băng này vẫn ghi nhận tăng trưởng dương quý đầu năm nay.
Trong đó, thu nhập lãi thuần của HDBank đã tăng 20% quý I, mang về 4.841 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 11%, đạt 677 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 33%, đạt 132 tỷ; thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng gấp đôi, đạt 5 tỷ đồng.
Dù một số mảng kinh doanh như ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư sụt giảm trong kỳ, nhờ tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động (chỉ tăng 1,7%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 16%), HDBank đã thu về khoản lãi trước thuế 2.743 tỷ đồng, tăng 9%. Kết quả này cũng giúp HDBank nằm trong top 5 ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất quý I.
Ngoài những nhà băng kể trên, quý I cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng tư nhân có mức lãi trên nghìn tỷ đồng như SHB lãi 3.620 tỷ (+12%); VIB lãi 2.694 tỷ (+18%); Sacombank lãi 2.383 tỷ (+50%); TPBank lãi 1.765 tỷ (+9%) hay LienVietPostBank lãi 1.566 tỷ đồng (-13%)…
Dù đa số ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận quý I tăng trưởng so với cùng kỳ, mức tăng này đã giảm đáng kể so với quý I/2022.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng thấp hơn đến từ việc biên lãi thuần (NIM) suy giảm. Trong đó, báo cáo tài chính quý I cho thấy hầu hết ngân hàng vẫn ghi nhận thu nhập lãi (lãi cho vay) tăng trưởng dương so với cùng kỳ, tuy nhiên, chi phí lãi (lãi đi vay) lại tăng cao hơn nhiều lần, khiến biên lãi thuần hoạt động này suy giảm mạnh.
Như trường hợp của Techcombank, thu nhập từ lãi cho vay của ngân hàng này vẫn tăng 28% trong quý I, nhưng chi phí vay lại tăng gần gấp 3 lần, khiến thu nhập lãi thuần quý I chỉ đạt 6.527 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, VPBank quý vừa qua có khoản thu nhập lãi tăng 27%, mang về 18.029 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi lại tăng tới 95%, qua đó khiến thu nhập lãi thuần giảm 4%.
Ngay như với MBBank, dù ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 22% trong quý I, thực tế NIM tại nhà băng này đã sụt giảm đáng kể khi thu nhập lãi tăng 49%, còn chi phí lãi tăng tới 118%.
Việc lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng chậm lại trong quý I cũng là điều được nhiều chuyên gia và hãng phân tích dự báo từ trước.
Theo đó, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng với việc lãi suất huy động tăng vọt trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm nay, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên, qua đó ảnh hưởng tới chỉ số NIM và lợi nhuận trước thuế.
Bên cạnh đó, kết quả lợi nhuận của nhiều ngân hàng cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng nợ xấu gia tăng và kéo theo tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.