Hungary tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng
Ngày 13/7, chính phủ Hungary tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Theo ông Gergely Gulyas, chánh văn phòng Thủ tướng, cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và các lệnh trừng phạt EU áp đặt lên Nga đã khiến giá năng lượng trên khắp châu Âu tăng mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này. Quyết định của Chính phủ là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của các gia đình và nguồn cung cấp năng lượng của nền kinh tế Hungary.
Chính phủ Thủ tướng Viktor Orban thường không ủng hộ các biện pháp trừng Nga, đặc biệt là liên quan đến năng lượng, khí đốt. (Ảnh: hungarytoday.hu)
Ông Gulyas cũng cho rằng, trong những tháng gần đây, châu Âu rất có thể sẽ không đủ khí đốt cho mùa sưởi ấm và mùa thu và mùa đông. Do đó, các biện pháp sẽ đảm bảo rằng đất nước có đủ năng lượng vào mùa đông và kế hoạch giới hạn hóa đơn điện nước có thể được duy trì.
Hungary là một trong những quốc gia phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga nhưng vào năm ngoái đã ký một thỏa thuận kéo dài 15 năm với tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom để mua khí đốt tự nhiên. Theo thỏa thuận này, Hungary sẽ nhận khoảng 65% dầu và 85% khí đốt từ Nga.
Chính phủ Italy nguy cơ sụp đổ
Cựu thủ tướng Italy Giuseppe Conte, lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S), ngày 13/7 đe dọa rút M5S khỏi liên minh cầm quyền, trong bối cảnh căng thẳng giữa ông và Thủ tướng Mario Draghi.
Sau tuyên bố của ông Conte, lãnh đạo đảng Dân chủ và Liên đoàn cũng đe dọa sẽ rút khỏi liên minh, khiến chính phủ của Thủ tướng Draghi đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Một nhóm nghị sĩ M5S gần đây gây sức ép với lãnh đạo đảng, tin rằng M5S có thể thu hút được nhiều cử tri ủng hộ nếu rút khỏi chính phủ và đứng về phe đối lập. Ông Conte cũng tuyên bố các thượng nghị sĩ đảng này sẽ không tham gia cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để phản đối gói ngân sách hỗ trợ người dân ứng phó lạm phát.
Tuy nhiên, ông Conte vẫn để ngỏ khả năng đối thoại thêm với ông Draghi để vượt qua các bất đồng.
Thủ tướng Draghi ngày 12/7 tuyên bố nếu M5S rút khỏi liên minh cầm quyền, mọi chuyện sau đó sẽ tùy thuộc quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella. Ông cho rằng chính phủ Italy không thể tồn tại nếu thiếu M5S, nhưng cũng nhấn mạnh không chấp nhận tối hậu thư từ đảng này.
Quyết định của M5S đẩy Italy vào tình trạng bất ổn chính trị, nguy cơ làm xói mòn nỗ lực tìm kiếm hàng tỷ euro viện trợ từ Liên minh châu Âu và có thể dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử sớm vào mùa thu.
50 quan chức Anh cùng Thủ tướng từ chức
Nước Anh hiện đang trong cuộc đua gấp rút để tìm kiếm người thay thế ông Boris Johnson, sau khi ông thông báo từ chức hôm 7/7.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: AA)
Ông Johnson giữ chức Thủ tướng Anh kể từ tháng 7/2019. Ông tuyên bố từ nhiệm khi nội các Anh rơi vào khủng hoảng với hơn 50 quan chức cấp cao, bao gồm cả thư ký và bộ trưởng, từ chức. Những người này nói rằng họ không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Thủ tướng sau một loạt vụ bê bối. Bê bối mới nhất của chính phủ Johnson liên quan đến một nghị sĩ bị cáo buộc có hành vi tình dục không đúng đắn.
Trước đó, ông Johnson vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Anh.
Thủ tướng Bulgaria đệ đơn từ chức của chính phủ
Ngày 27/6, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov trình lên Quốc hội đơn từ chức của chính phủ liên minh sau khi chính phủ của ông không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Theo hiến pháp Bulgaria, chính phủ bắt buộc phải từ chức sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Trong cuộc bỏ phiếu hôm 22/6, chính phủ của ông Petkov nhận được 123 phiếu bất tín nhiệm so với 116 phiếu ủng hộ.
Sự việc xảy ra hai tuần sau khi ITN, một trong số 5 đối tác trong liên minh cầm quyền, tuyên bố rút khỏi chính phủ.
Kết quả này đẩy quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong bối cảnh lạm phát gia tăng và xung đột tiếp diễn tại Ukraine gây nhiều quan ngại trong khu vực.
Chính phủ của Thủ tướng Petkov sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi một hội đồng bộ trưởng mới được bầu ra hay được chỉ định.