Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lo thiếu hụt dòng tiền, EVN kiến nghị sớm tăng tiếp giá điện

(VTC News) -

Tập đoàn Điện lực (EVN) kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào để đảm bảo cân đối tài chính.

Đề xuất này được EVN nêu ra tại hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 28/7.

Tại tham luận của mình, EVN nhấn mạnh, để đảm bảo cân đối tài chính cũng như đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội - đất nước giai đoạn tới, EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.

Cụ thể, EVN kiến nghị tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới, theo biến động các thông số đầu vào.

Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép EVN tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm 2023 không giật cục, có lộ trình, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đàm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.

Kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép EVN thực hiện tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí.

Ngoài ra, EVN mong muốn Chính phủ và các Bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là “do thực hiện chính sách”.

EVN kiến nghị sớm tăng giá điện để đảm bảo cân đối tài chính. (Ảnh minh họa: VTV)

Trước đó, từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022.

EVN nhận định, năm 2023, EVN sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh do giá nhiên liệu (than, dầu khi) trên thế giới và tỷ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao, FED đã tăng lãi suất làm cho chi phí vay tăng, các nhà cung cấp than trong nước dự kiến chỉ cấp nguồn than pha trộn có giá bán cao, hạn chế cấp than sản xuất trong nước; các nguồn điện có giá thành thấp như thủy điện có tỷ trọng giảm dần so với các năm trước đây; hiện tượng El Nino kéo theo tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện rất thấp, nắng nóng dự kiến kéo dài trên diện rộng.  

Nếu hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị lỗ, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong năm và các năm tiếp theo. "Nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì dự kiến bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Hiện EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện.Thời gian tới, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy phát điện, do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện", tham luận của EVN nêu.

Giai đoạn 2020-2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10-50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, do không cân đối được tài chính, EVN tiếp tục cắt giảm. Việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.

EVN cũng thừa nhận gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện để đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.

Năm 2023, kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Nếu với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.

Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất EVN sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần.

Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm.

Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

PHẠM DUY

Tin mới