Khi các phi hành gia đang chuẩn bị cho sứ mệnh chinh phục sao Hỏa, các chuyên gia cảnh báo việc tuân thủ các giao thức là hết sức cần thiết để giữ cho các chất ô nhiễm ngoài Trái đất không "quá giang" trên các tàu không gian hoặc chính các phi hành khi họ trở về từ Hành tinh Đỏ.
Cụ thể, các hệ thống cơ học sẽ phải trải qua các khâu làm sạch hóa học và khử trùng nhiệt trong khi các ống nghiệm chứa các mẫu từ sao Hỏa phải được xử lý như thể chúng bị nhiễm virus Ebola cho tới khi được chứng minh là an toàn.
Các chuyên gia lo ngại các mẫu vật từ sao Hỏa có thể mang virus về Trái đất. (Ảnh: CCO)
Scott Hubbard, giáo sư tại Đại học Stanford đề xuất cách ly các phi hành gia một khi họ trở lại Trái đất, tương tự như trường hợp của phi hành đoàn đầu tiên chinh phục Mặt Trăng.
"Khi người ta thấy Mặt trăng không gây ra rủi ro, việc cách ly bị loại bỏ. Một thủ tục như vậy cần được thực hiện với những người trở về từ sao Hỏa", ông này cho hay.
Cũng theo ông Hubbard, khả năng những tảng đá từ Sao Hỏa hàng triệu năm tuổi chứa một dạng virus có thể lây nhiễm Trái đất là cực kỳ thấp. Nhưng vẫn cần các biện pháp an toàn để loại bỏ những rủi ro nhỏ nhất.
Không chỉ lo ngại về việc virus từ sao Hỏa lây nhiễm trên Trái đất, các chuyên gia lo lắng về việc con người sẽ lây lan vi trùng trên sao Hỏa. Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Nova Đông Nam ở Florida cùng các đồng nghiệpo tới từ Đại học Liên bang Rio de Janeiro cho rằng các vi khuẩn của con người sẽ giúp tạo ra một môi trường có thể duy trì sự sống .
Hồi năm 2019, NASA tuyên bố rằng cơ quan này đang nhắm tới mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa vào khoảng những năm 2030 và sớm nhất là vào năm 2035.