Vậy là chúng ta đã cùng nhau hướng ra khơi, cùng nhau giương cánh buồm đi tìm niềm cảm hứng. Sẽ là cả một hải trình dài với đầy ắp những trải nghiệm, những niềm vui, những câu chuyện và những chuyến phiêu lưu đáng nhớ. Điều chúng tôi muốn mang đến cho các bạn, khi cùng tham gia chuyến hành trình này, đó không chỉ là việc các bạn có thể tìm thấy cho mình những câu chuyện đẹp trong đời sống hàng ngày.
Chúng tôi muốn, các bạn có thể nhìn vào những con người với những niềm cảm hứng rất riêng trong danh sách đề cử của WeChoice Awards 2016 – để nhận ra rằng: Bạn không cần phải là một siêu nhân mới có thể dang tay giúp đỡ hàng nghìn người, bạn không phải có một đôi mắt tốt mới có thể trở thành thiện xạ, hay có thể trở thành hoạ sĩ nếu bạn muốn thế - chứ không phải là bạn có đủ đôi tay để cầm cọ vẽ hay không.
Chúng tôi, muốn tất cả các bạn – mỗi khi nhìn vào danh sách 20 đề cử của WeChoice Awards 2016 - có thể tìm được niềm cảm hứng để trở thành bất cứ ai mình muốn, làm bất cứ điều gì mình muốn, và không để nỗi sợ hãi hay bất cứ sự khó khăn nào có thể làm chùn bước chân.
Và chúng ta hãy cùng ra khơi…
Cố nghệ sĩ Trần Lập
Cuộc chiến của Trần Lập với ung thư chỉ vỏn vẹn trong 4 tháng. Nhưng 4 tháng đó, Trần Lập đã một lần nữa cho người ta thấy tinh thần mạnh mẽ như đá của anh, và sự lạc quan hiếm thấy ở một người bệnh đã ngấp nghé những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Anh – dù đến những ngày cuối – vẫn là một biểu tượng của một thế hệ trẻ Việt Nam.
Gần như tất cả người trẻ bây giờ - đều đã từng có thời gian lớn lên với âm nhạc của Trần Lập, của Bức Tường. Hơn cả một ca sĩ nhạc rock, hơn cả một người tiên phong của dòng nhạc này ở Việt Nam, Trần Lập đã trở thành người bạn thân, người anh lớn của biết bao nhiêu thế hệ.
Vậy nên, cái tin anh bị ung thư và nhanh chóng sau đó là những hình ảnh Trần Lập suy kiệt, để rồi cuối cùng là sự ra đi của anh vào một ngày mùa xuân – đã trở thành nỗi đau và sự mất mát không chỉ của những fan hâm mộ, mà còn là của những người đã coi anh là anh trai, là người dẫn dắt mình qua thứ âm nhạc hào sảng, tràn đầy sự lạc quan.
Nhưng vì đó là Trần Lập, nên ngay cả trong cuộc chia ly đột ngột và nhiều đau đớn ấy, anh vẫn truyền cho chúng ta niềm cảm hứng về sự lạc quan, về tình yêu sống. Chẳng cần phải nói gì, Trần Lập vẫn khiến người ta hiểu rằng, anh vẫn sở hữu tinh thần cứng rắn của đá, và ngay cả bệnh tật cũng sẽ không làm tắt đi trong anh ngọn lửa của sự dũng cảm và tinh thần tươi sáng.
Và chính tinh thần ấy, là niềm cảm hứng mà anh đã truyền đến hàng triệu người trẻ chúng ta trong suốt chuyến hành trình của mình.
Thầy giáo "gieo chữ" nơi đảo xa Trần Bình Phục
Phát hiện mình mắc ung thư máu do làm việc trong môi trường nhiễm xạ là một trong những bước ngoặt lớn của thầy Trần Bình Phục. Đó không chỉ là một trải nghiệm đối mặt với cái chết và bệnh tật hiểm nghèo, mà nó còn thay đổi thế giới quan của người lính này.
Quyết tâm ra đảo xa sinh sống và công tác, anh Phục nhận thấy trẻ con ở nơi đảo xa xôi này không những đói ăn, đói mặc, mà còn… đói tri thức. Từng chút một, anh thực hiện “kế hoạch” to lớn của mình, đấy là đưa trẻ em ở nơi này đến trường. Ban đầu, anh chỉ xin ban chỉ huy cho mở một lớp học tình thương, rồi đến từng nhà vận động. Lớp học những ngày đầu tiên chỉ có 5 người, học sinh phải ngồi học trên những chiếc bàn nhựa cũ, còn thầy thì phải chia bảng ra làm 5 phần để dạy cho 5 lớp.
Dần dà, lớp học có thêm bạn mới, từ 5 trò thì nay đã có 22 em. Lớp học dựng trên núi đá, mỗi ngày cả lớp phải leo 303 bậc thang để đi học. Thế là sáng nào, thầy Phục cũng dậy sớm, xuống tận nơi đón từng học sinh, rồi dắt các em leo lên đúng 303 bậc thang ấy để đến lớp. Có em yếu quá, thầy sẽ cõng lên tận nơi.
Mỗi lần về đất liền thăm nhà, thầy lại chịu khó đi xin từng quyển vở cũ, từng quyển sách cũ cho “tụi nhỏ” ngoài đảo. Sau một thời gian chịu khó, thầy Phục được TW Đoàn hỗ trợ kinh phí xây trường. Và thế là lại một hành trình người dân và các chiến sĩ biên phòng cùng nhau phá đá, chặt cây, thay nhau vác gần 500 tấn nguyên liệu để dựng trường – một ngôi trường thật sự, một ngôi trường tươm tất nuôi ước mơ cho các em học sinh nghèo ở một hòn đảo nào đó xa xôi lắm ngoài khơi kia.
VĐV đạt huy chương vàng Olympic Hoàng Xuân Vinh
Có lẽ, giây phút mà Hoàng Xuân Vinh bắn viên đạn cuối cùng của mình trong trận chung kết với Felippe Almeida tại Olympic Rio – sẽ là giây phút mà không người Việt Nam nào có thể cho phép mình quên lãng. Đó là một quả bóng cảm xúc căng phồng, lẫn lộn giữa nỗi sợ hãi, sự lo âu, nghẹt thở và để rồi khi điểm số hiện lên trên tấm bảng điện tử, thì quả bóng đấy nhanh chóng vỡ vụn và để chảy tràn ra niềm hạnh phúc và sự tự hào tột đỉnh.
Không chỉ trong khoảnh khắc vinh quang ấy mà sẽ là mãi đến sau này, người ta sẽ nhắc đến Hoàng Xuân Vinh không chỉ là người vận động viên đã lần đầu tiên mang tấm huy chương vàng Olympic về cho Việt Nam, mà còn là những câu chuyện của anh về sự vươn lên, lòng dũng cảm, kiên trì khi theo đuổi bắn súng và những đỉnh cao của nó.
Một Hoàng Xuân Vinh bị cận, phải tập bắn với đạn giả, bia giấy. Một Hoàng Xuân Vinh từng đứng hàng nghìn giờ đồng hồ bất động chỉ để tập sự tập trung. Và một Hoàng Xuân Vinh đã trải qua những nỗi đau mất mát cũng như sự vất vả của cuộc sống, để tiếp tục chặng đường chinh phục của mình mà không lùi bước.
Rapper Suboi
Ngoài bún chả, thì trong chuyến công du của Obama tới Việt Nam, người ta nhắc nhiều nữa đến…Suboi.
Dĩ nhiên là bún chả và Suboi chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng Obama thì ăn bún chả một cách ngon lành, và đã beatbox cũng như trả lời câu hỏi của Suboi bằng một sự thích thú đặc biệt. Thật kỳ lạ là sau đó, Suboi – bằng sự tự tin pha chút ngang tàng của mình – đã xuất hiện trên một loạt kênh truyền hình nổi tiếng của nước ngoài, để nói về cuộc trò chuyện thú vị giữa cô nàng và Obama.
Kể từ thời điểm đó, Suboi đã thay đổi hình ảnh của giới trẻ Việt Nam tới rất nhiều người nước ngoài trên khắp thế giới.
Nhưng điều hay ho hơn việc đặt câu hỏi cho Obama, đó là Suboi bắt đầu trở thành một cái tên được các thương hiệu nước ngoài để mắt tới. Cú bắt tay với H&MxKenzo và trở thành một trong những gương mặt tham gia quảng bá cho chiến dịch này đã đưa tên tuổi Suboi lên một tầm cao mới.
Suboi không chỉ còn là một nữ rapper trẻ với nhiều tiềm năng và cơ hội, mà đã tự đưa mình lên hàng sao với bản hợp đồng mà nhiều ngôi sao hạng A ở showbiz Việt phải thèm thuồng. Nhưng điều thú vị không chỉ nằm ở đó. Bởi bước tiến lớn của Suboi không phải tự nhiên đến, nó không phải một vận may.
Nó là kết quả của cả một quá trình dài mà Suboi đã kiên trì sống theo đúng con người mình, theo đuổi đúng ước mơ của mình và chỉ làm những điều đúng với tính cách của mình. Cô nàng đã dũng cảm, đã tự tin tìm tòi, can đảm dấn thân và chọn là chính mình chứ không phải một phiên bản của ai khác.
Câu chuyện của Suboi cũng nói lên một tinh thần như vậy, một niềm cảm hứng rằng bạn hãy cứ sống thật với chính mình đi, hãy cứ can đảm bước ra ngoài kia và không để mình bị hoà lẫn đi, bạn sẽ có những cuộc phiêu lưu nằm ngoài sức tưởng tượng của chính mình.
Người mẹ đơn thân mắc bệnh ung thư vú Bùi Thu Thuỷ
Chúng ta đã có những niềm cảm hứng tuyệt vời về theo đuổi ước mơ, về sự kiên trì, về lòng dũng cảm. Ở câu chuyện của Thuỷ Bốp, cảm hứng đến từ những điều đơn giản hơn, nó đến từ tình mẹ con ngọt ngào và cách hai mẹ con cùng nhau dắt tay bước qua những thử thách mà nhiều người chọn vấp ngã.
Sẽ không có nhiều lựa chọn cho một người khi phát hiện mình bị ung thư vú. Đó sẽ luôn là những ngày dài chìm trong nước mắt, rồi những cuộc phẫu thuật, xạ trị và hoá trị vắt cùng kiệt tình yêu sống và sự tự tin của một con người. Nhưng với chị Thuỷ Bốp, đó lại là một câu chuyện rất khác.
Là một bà mẹ đơn thân, Thuỷ Bốp không cho phép mình được yếu đuối, bởi cô nhận ra rằng sự mạnh mẽ của mình trong giờ phút ấy sẽ không chỉ giúp cô bước qua bệnh tật, mà còn truyền đi sự dũng cảm cho con trai của cô khi thấy mẹ mình chiến đấu với căn bệnh quái ác. Cô leo Phan Xi Păng, lên kế hoạch cho hai mẹ con cùng leo núi. Dạy con trai mình cách sống tự lập, tạo nên những kỷ niệm mới, những ước mơ và niềm đam mê mới.
Đó là một cuộc chuẩn bị - đúng, một cuộc chuẩn bị cho con trai của Thuỷ Bốp có thể sống một cuộc sống mạnh mẽ nếu chẳng may cô có thất bại trong cuộc chiến này. Nhưng nó cũng là cách mà cô dạy con trai của mình, là cách mà cô vun vén trong trái tim của cậu nhóc ấy sự can đảm và mạnh mẽ, để trong suốt cả cuộc sống sau này, con trai cô sẽ trở thành một thanh niên dũng cảm và tử tế.
MC, Diễn viên Phan Anh
Phan Anh đã cho ta thấy những góc cạnh rất khác mà anh chưa bao giờ để “lộ” ra trước công chúng. Đó là một Phan Anh thẳng thắn, một Phan Anh rất quan tâm đến những vấn đề xã hội như môi trường hay bảo vệ động vật hoang dã. Và đặc biệt nhất, đó là một Phan Anh dám nói và dám làm, một Phan Anh đã sẵn sàng đứng lên ủng hộ 500 triệu cho đồng bào miền Trung đang oằn mình vì lũ lụt.
Để rồi từ tinh thần đó, Phan Anh đã kêu gọi được số tiền hơn 24 tỷ, khiến dự định giản dị ban đầu là “1000 phần quà cho bà con” đã trở thành một dự án thiện nguyện dài hơi, với sự tính toán và kế hoạch tỉ mỉ, sao cho số tiền khổng lồ này được sử dụng một cách hiệu quả nhất trong việc cải thiện cuộc sống của người dân vùng lũ.
Nhưng câu chuyện của Phan Anh không chỉ gói gọn trong số tiền 500 triệu hay 24 tỉ, mà đó là câu chuyện về việc chúng ta sống với lòng tin vào sự tử tế như thế nào, và sẵn sàng lan truyền sự tử tế ấy một cách vô tư ra hàng trăm nghìn, hàng triệu trái tim khác ra sao.
Đạo diễn nhạc kịch Nguyễn Phi Phi Anh
Phi Anh là đại diện cho lớp nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam, lớp người trẻ tìm thấy mình trong nghệ thuật, dấn thân vào con đường chông gai đó và vật lộn tìm cách để thành công.
Ở Phi Anh vừa có một sự quái nhất định của một người trẻ làm nghệ thuật., vừa có một sự ngây thơ và tình yêu trong sáng với những thứ mà mình đang theo đuổi. Bắt đầu làm nhạc kịch từ rất sớm, Phi Anh đã làm cái không thể thành có thể, cái khó thành… không còn khó lắm nữa.
Từ một tay ngang, Phi Anh có thể tự dựng nhạc kịch, tự làm đạo diễn sân khấu, tự trang trải cho những đêm diễn của mình. Nhưng đó là một câu chuyện mang tính cá nhân hơn. Điều Phi Anh làm được, đó là đã đưa nhạc kịch gần hơn một chút tới người trẻ Việt Nam, đặt lên trên bàn tiệc “Thưởng thức nghệ thuật” thêm một món mới, và là một món thú vị.
Sau những Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng… sẽ lại là đầy ắp những dự định mới, những vở diễn mới của câu bạn này, và đó sẽ là tín hiệu lạc quan cho một lớp người trẻ yêu nghệ thuật, khi càng ngày càng có thêm những người chịu khó tìm tòi và du nhập những món ăn tinh thần mới mẻ cho đời sống của giới trẻ Việt Nam.
Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu
Lê Minh Châu sinh năm 1991, là một chàng trai sống và lớn lên tại làng Hòa Bình (BV Từ Dũ) - nơi chăm sóc những đứa trẻ bị chất độc da cam. Ngay từ khi chào đời, Châu đã là một đứa trẻ bị khuyết tật ở cánh tay và chân, khiến việc đi lại trở nên khó khăn.
Ở tuổi 17, vượt qua những tự ti của một nạn nhân chất độc da cam, với niềm khao khát thực hiện ước mơ cháy bỏng, Châu đã rời khỏi làng Hòa Bình và tự mở một phòng tranh cho mình, nuôi sống bản thân qua những bức tranh do chính cậu vẽ - bằng miệng.
Hành trình vượt lên số phận của Lê Minh Châu đã được thể hiện suốt 34 phút trong phim "Chau, beyond the Lines". Đây là bộ phim tài liệu do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm, phim đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 Phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016 vào sáng ngày 14/1/2016.
Vận động viên đạt HCV Paralympic 2016 Lê Văn Công
Lê Văn Công sinh năm 1984 tại Hà Tĩnh. Công bị chứng teo chân từ nhỏ do mẹ anh trong thời gian đang mang thai anh bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Năm 2005, anh vào Sài Gòn lập nghiệp và tham gia hoạt động tại câu lạc bộ hướng nghiệp dành cho người khuyết tật, sau đó đã dần gắn bó với các môn thể thao dành cho người khuyết tật.
Anh là vận động viên Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Paralympic, đồng thời lập kỷ lục thế giới trong môn cử tạ dành cho vận động viên người khuyết tật tại Rio de Janeiro vào năm 2016.
Tổng thư ký mô phỏng LHQ Việt Nam Khuất Minh Thu Giang
Điều đặc biệt ở cô gái trẻ có nước da rám nắng, nụ cười tươi sáng và gương mặt rất xinh này là gì? Ngoài việc Thu Giang học rất giỏi và nắm trong tay cả đống học bổng từ các trường Đại học trên thế giới, cũng như một bảng thành tích dài dằng dặc những hoạt động ngoại khoá – thì Thu Giang còn là, nữ sáng lập trẻ tuổi của mô hình Mô phỏng LHQ dành cho các bạn trẻ tại Việt Nam.
Bằng một sự quan tâm và chuyên nghiệp đáng ngạc nhiên, Thu Giang đã một mình tạo nên một chương trình tuyệt vời cho các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến xã hội và ưa thích hùng biện được tham gia. Điều hay ho hơn cả, đó là từ trước đến nay, mô hình Mô phỏng LHQ chỉ thường được tổ chức ở các trường quốc tế, lại còn vô cùng đắt đỏ.
Thế nhưng với Thu Giang, việc đứng lên tự tổ chức một hội thảo Mô phỏng LHQ của riêng mình đồng nghĩa với việc phổ biến mô hình ấy ra rộng khắp, và giúp nhiều bạn trẻ ở tất cả các trường đại học, cũng như bất cứ ai có thể tham gia hay đến nghe bằng một chi phí rất thấp.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào
Giữa núi đồi trập trùng, trường tiểu học Lũng Luông với những gian nhà gạch, mái vòm gỗ thoáng mát phủ tôn lạnh đủ mọi sắc màu hiện lên sống động. "Bông hoa của đất" ấy chắc chắn chính là niềm mơ ước của nhiều em nhỏ vùng cao.
Để rồi từ đây mỗi ngày đến trường không chỉ đơn giản là đi học lấy cái chữ mà còn để tranh thủ được sống trong kiến trúc mang hơi thở thời gian, không gian, văn hóa miền núi và ẩn hiện cả chính con người các em trong đó. Nhìn thấy nó, người ta lập tức hiểu rằng ấy là thiết kế của một kiến trúc sư "có tâm" và chắc chắn, tâm huyết đổ ra không chỉ tính theo thời gian ngày một, ngày hai.
Hao tổn nhiều tâm sức nhưng vị kiến trúc sư ấy chẳng hề nhận lấy đồng xu nào. 10 năm qua, anh cũng đã thiết kế tới 30 công trình cộng đồng đẹp lung linh như thế.
Người ấy là Kiến trúc sư - Giảng viên cao cấp ĐH Xây dựng Hà Nội - Hoàng Thúc Hào. Anh cũng là nhân vật được giới truyền thông nhắc đến nhiều khi vừa vinh dự nhận giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật ở châu Á năm 2016, vốn được ví như "Nobel kiến trúc châu Á".
Du học sinh Harvard Trần Thị Diệu Liên Trần Thị Diệu Liên
Câu chuyện của Diệu Liên không phải là một câu chuyện cổ tích, dù thoáng nghe nó có thể khiến bạn phải ngạc nhiên không kém. Con gái của một cô lao công đã nhận học bổng 7 tỉ vào Harvard. Thoạt nghe, bạn có thể cảm thấy nó như một giấc mơ giữa ban ngày, nhưng chỉ khi gặp Liên và lắng nghe câu chuyện của cô bạn nhỏ, bạn mới hiểu rằng thành công ấy với Liên là xứng đáng.
Diệu Liên là một cô gái lạc quan và vui vẻ. Với Liên, việc gia đình mình không giàu có và thậm chí là có một cuộc sống vất vả hơn các bạn cùng trang lứa cũng không phải là một điều khiến Liên phải bận tâm. Thậm chí, điều đó không ngăn Liên trong việc đến thăm và dạy học cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Tự mày mò học, tự mày mò trải nghiệm và không quên giúp đỡ người khác, tấm vé vào Harvard đến với Liên như một lẽ dĩ nhiên sau những điều tuyệt vời mà cô nàng đã tự mình làm được.
Cậu bé Google Phan Đăng Nhật Minh
Khi Phan Đăng Nhật Minh lạnh lùng trả lời gần hết những câu hỏi trong Đường lên đỉnh Olympia một cách chính xác, đó cũng là lúc tên tuổi của cậu bé này không chỉ còn nằm trong những gameshow về thử thách trí tuệ, hay không còn là một cậu bé theo học trong một ngôi trường nhỏ ở Quảng Trị nữa.
Phan Đăng Nhật Minh đã trở thành một hiện tượng tới giới trẻ, một thần đồng nhỏ tuổi với kho kiến thức mà ngay cả đến người lớn cũng phải kiêng dè.
Những thành công rất sớm và sự tung hô từ mạng xã hội – may mắn thay – đã không khiến một thiếu niên trẻ như Nhật Minh lung lay. Minh vẫn là mình, cần mẫn học tập để theo đuổi ước mơ vô địch Olympia. Vẫn chọn một cuộc sống hết sức trầm lặng và đơn giản, cũng như từ chối những lời mời trường chuyên lớp chọn, để theo học ở một ngôi trường hết sức bình dị tại quê nhà.
Câu chuyện đằng sau chiếc áo "Xin đừng đánh": Cha con Minh "hấp"
Chỉ vỏn vẹn một dòng chữ nhỏ được viết sau lưng một chiếc áo, thế nhưng nó nói lên cả một câu chuyện về tình cha con, về lòng yêu thương và những nỗi buồn.
Dù đã 26 tuổi, thế nhưng tâm lý và nhận thức của Minh vẫn chỉ như một đứa trẻ lên 3. Cậu bị gọi là Minh “hấp” cũng vì thế. Minh thích trêu chọc người khác, hay đánh nhẹ vào người ta hoặc bấm chuông nhà hàng xóm. Những hành động không mấy gây hại, nhưng lại khiến người khác cảm thấy khó chịu. Người thì không chấp, người lại sẵn sàng đuổi đánh, lăng mạ.
Thế nên, năm nay Minh 26 tuổi, nhưng đã có hơn 20 năm là trở về nhà với những vết bầm tím vì bị người ta đánh đập. Không thể mãi đi theo con, cũng không thể cứ lao đi tìm sau mỗi lần Minh bỏ ra khỏi nhà, nỗi tuyệt vọng của ông Bình – cha của Minh – đã hiện hình thành dòng chữ “Xin đừng đánh” đằng sau mỗi chiếc áo của Minh.
Và có lẽ, lần này cuộc sống đã mỉm cười với hai cha con Minh. Minh không bị đánh nữa, và cũng được mọi người đưa về tận nơi mỗi khi đi lạc. Một chiếc áo nói lên nỗi đau của cha, thế nhưng đã nhận lại quá nhiều lòng yêu thương và sự tử tế.
Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc
Nhắc đến những gương mặt nữ diễn viên nổi bật của năm 2016, chắc chắn Ninh Dương Lan Ngọc sẽ là cái tên người ta nghĩ đến đầu tiên. Cùng 1 thời điểm ra mắt Tấm Cám, Lan Ngọc cũng đồng loạt tấn công rạp chiếu phim với… 4 phim điện ảnh khác. Thoát khỏi vẻ hiền lành và có gì đó cam chịu thường thấy trong những vai diễn, Ninh Dương Lan Ngọc hoá thân thành những nhân vật hoàn toàn khác, với những nét cá tính gai góc hơn. Sự thay đổi – có lẽ là từ chính xác nhất để nói về Ninh Dương Lan Ngọc và niềm cảm hứng cô đã mang đến cho chúng ta.
Dám thay đổi, dám bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm những điều mới, những thử thách mới – Đó không phải là điều mà bất cứ nghệ sĩ trẻ nào vốn đã có tiếng tăm, lại dám đánh đổi. Thế nhưng Lan Ngọc đã làm, và cô đã làm được, bằng một lòng tin vào khả năng của bản thân và khát khao chân chính vươn đến một đỉnh cao mới trong sự nghiệp của chính mình.
Ca sĩ Noo Phước Thịnh
Năm 2016 là một năm thành công của Noo Phước Thịnh. Vô địch The Remix mùa 2 ngay từ những ngày đầu năm như một màn “mở hàng” cho cả năm đầy những thắng lợi. Sau chiến thắng đầy thuyết phục ở The Remix, Noo Phước Thịnh tiếp tục xuất hiện trên sân khấu The Voice Kids với vị trí Giám khảo và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của khán giả.
Gần cuối năm 2016, Noo Phước Thịnh tiếp tục khiến người hâm mộ phải đứng ngồi không yên khi tham gia Asia Song Festival 2016 tại Hàn Quốc với hình ảnh chuyên nghiệp và toả sáng không thua bất cứ ngôi sao quốc tế nào.
Đặc biệt, tháng 11 vừa rồi, Noo Phước Thịnh đã tổ chức liveshow riêng sau 8 năm ca hát và đây đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật nhất những tháng cuối năm của showbiz Việt. Chưa dừng lại ở đó, Noo Phước Thịnh “chốt hạ” một năm rực rỡ bằng giải thưởng Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất tại MAMA 2016.
U19 Việt Nam
Từ vị thế của một đội bóng bị đánh giá yếu kém nhất, từ những đôi giày đi mua vẫn còn thiếu nợ... nhưng U19 Việt Nam vẫn lập nên kỳ tích trở thành 1 trong 4 đội mạnh nhất Châu Á giành vé tham dự đấu trường World Cup, điều tưởng chừng chỉ có trong giấc mơ.
Kể từ thời điểm vị HLV "cấy" vào trong tư duy và suy nghĩ của các cầu thủ biết niềm tin rằng mình không phải kẻ yếu cũng là chìa khóa bắt đầu cuộc "lột xác" thần kỳ của U19 Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, đội bóng rệu rã ngày nào, không có điểm nhấn và chẳng luồng sinh khí nào cả đã thay đổi chóng mặt đến ngay cả báo chí quốc tế cũng phải dùng từ "không tưởng".
Chiến tích của U19 Việt Nam vì thế không chỉ truyền cảm hứng lớn lao đến cộng đồng những người yêu bóng đá Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung mà còn là minh chứng khẳng định, mọi giấc mơ dù tưởng như xa vời nhưng đều có thể trở thành hiện thực khi chúng ta dám ước mơ, dám tin vào ước mơ và theo đuổi đến cùng ước mơ ấy.
Đạo diễn/Diễn viên/Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân
Trong nhiều năm, người ta quen với hình ảnh một Ngô Thanh Vân là một diễn viên, một người mẫu. Bẵng đi một thời gian, người ta quen với hình ảnh Ngô Thanh Vân là một “bà bầu” của band nhạc 365, một celeb quyền lực của showbiz Việt. Và để đến thời điểm này, người ta bắt đầu nhắc đến Ngô Thanh Vân với một sự trân trọng, về một người phụ nữ tuyệt vời với những dự án thiện nguyện cho trẻ em nghèo được mổ tim, và một nữ đạo diễn dám làm những điều không tưởng cho điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Tấm Cám: Chuyện chưa kể là một cú nổ phòng vé ở các rạp phim Việt Nam. Thu về 70 tỉ so với 20 tỉ tiền đầu tư là con số trong mơ với bất cứ đạo diễn tên tuổi nào ở đất nước chúng ta. Thế mà Ngô Thanh Vân đã làm được, mà còn làm được ngay trong lần đầu tiên cô “cầm trịch”.
Sự táo bạo, sự mạnh mẽ, quyết đoán được thể hiện rất rõ trong những tham vọng mà Ngô Thanh Vân đưa vào bộ phim của mình. Việt Nam chưa có phim kỳ ảo? Ok, làm phim kỳ ảo. Phim cổ trang Việt Nam chưa có cảnh đẹp, chưa được đầu tư trang phục? Ok, sẽ có. Ngô Thanh Vân đương đầu với từng khó khăn của việc làm phim, mà rất nhiều trong đó là những khó khăn tưởng như không thể vượt qua.
Và dù rằng bộ phim có nhận được những phản hồi trái chiều, thì sự tiên phong này của Ngô Thanh Vân vẫn là một dấu ấn đáng ghi nhận, và mang đến một cái nhìn hoàn toàn mới về điện ảnh Việt Nam, đưa chúng ta gần với thế giới hơn một chút.
Cặp đôi nghệ sĩ Đông Nhi - Ông Cao Thắng
Tiếp tục lại là một năm đầy ấn tượng của Đông Nhi – Ông Cao Thắng. Cặp đôi này đã cùng nhau “phá đảo” The Voice Kids ngay trong lần đầu tiên cùng ngồi ghế nóng, với chiến thắng cuối cùng thuộc về bé Nhật Minh.
Trong suốt năm 2016, chúng ta có dịp nhìn thấy sự kết hợp tuyệt vời của cặp đôi Đông Nhi – Ông Cao Thắng trên mọi phương diện. Không chỉ cùng nhau gây dựng công ty giải trí 6sense và đồng loạt cho ra mắt 2 band nhạc mới đầy tiềm năng là LipB và Uni5, cả hai đã cùng xuất hiện trong nhiều chiến dịch quảng cáo cho các thương hiệu lớn.
Đồng thời đó, 2016 cũng là năm đánh dấu cho việc Đông Nhi – Ông Cao Thắng cho ra mắt bài hát I wanna be your love – sản phẩm kết hợp của cả hai, thầm khẳng định tình yêu khăng khít sau suốt một chặng đường dài.
Với riêng Đông Nhi, năm 2016 là năm “đại thắng” không chỉ các danh hiệu mà còn là cả những thành tựu cá nhân. Cô đã tổ chức thành công liveshow đầu tiên trong sự nghiệp, khẳng định vị thế của mình trong showbiz Việt. Những ngày cuối năm 2016, Đông Nhi lại tiếp tục đón nhận tin vui khi nhận giải Nghệ sĩ Đông Nam Á xuất sắc nhất tại MTV EMA 2016.
Thế hệ trẻ phòng cháy chữa cháy
Có lẽ nhiều người chúng ta, trong những ước mơ của mình, không mấy người ước mơ sẽ một ngày trở thành lính cứu hoả. Thậm chí, ngay cả nhiều lính cứu hoả bây giờ, nhiều người đến với nghề cũng bởi cái duyên. Thế nhưng, điều đó chẳng khiến những người lính cứu hoả bớt đi sự say mê với nghề.
Có gặp thế hệ những người lính cứu hoả trẻ, bạn mới thấy lòng đam mê, nhiệt huyết và sự dũng cảm của họ là thật. Cũng là những thanh niên, năm nay mới 20-22 tuổi, nụ cười rất tươi và lời nói có gì đó thật thà, trong sáng. Thế nhưng, khi nghe họ chia sẻ rằng đã vào sinh ra tử thế nào, đã đánh đổi tính mạng để đứng giáp mặt với những ngọn lửa hung tợn, và sẵn sàng hy sinh mạng sống để cứu người ra sao.
Bạn sẽ dành cho họ một sự trân trọng đặc biệt, vì họ là những người trẻ đã sống hết mình vì công việc của mình, không hối hận khi bước chân trên con đường nguy hiểm nhiều hơn này, và vì lý tưởng mình đã luôn tin là đúng.
WeChoice Awards 2016 gửi lời cảm ơn tới các đối tác truyền thông VTV6, VTV Cab, Yeah1 Network, CGV, Galaxy, Thegioitre, Tuoitre, VTC News, VTV24 và nhiều đơn vị báo chí khác đã cùng chúng tôi giương cánh buồm đi tìm niềm cảm hứng của giải thưởng năm nay!
Cổng bình chọn cho các đề cử WeChoice Awards sẽ mở từ ngày 10/12/2016 đến 12h ngày 12/01/2017. Đêm Gala trao giải sẽ diễn ra vào tối ngày 12/01/2017. Truy cập http://wechoice.vn/ để theo dõi hành trình WeChoice Awards 2016.