Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022: Tìm bước đột phá cho phát thanh Việt Nam

(VTC News) -

Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022 mang đến cơ hội để những người làm phát thanh tìm ra hướng đi đột phá trong giai đoạn hiện nay.

Lễ bế mạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022 diễn ra vào tối nay (6/8) khép lại chuỗi 6 ngày hội ngộ của những người làm phát thanh trên khắp cả nước tại TP.HCM.

Sự kiện không chỉ mang đến cuộc tranh tài hấp dẫn giữa những sản phẩm phát thanh chất lượng đến từ nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình trên khắp cả nước, mà còn là cơ hội để những người làm phát thanh cùng ngồi lại, đánh giá những bước tiến của phát thanh trong thời gian qua, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm giúp phát thanh giữ được vị trí vững chắc trong lòng độc giả, tạo được ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Lãnh đạo VOV và VOH chụp ảnh cùng ê-kip làm chương trình của Ban Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN.

Tìm hướng đi mới cho phát thanh 

Song song với cuộc thi hấp dẫn, Liên hoan Phát thanh toàn quốc còn là cơ hội để những người làm phát thanh trải lòng về khó khăn của một trong những loại hình báo chí chủ lực, đồng thời tìm ra hướng đi mới giúp phát thanh tiếp cận gần hơn với độc giả, tạo ra nguồn thu chủ động để những người làm phát thanh có thêm nguồn lực tạo ra những sản phẩm mới, được đầu tư kỹ lưỡng và sáng tạo hơn nữa.

"Liên hoan Phát thanh lần thứ XV có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất từ trước tới nay (hơn 500 tác phẩm). Chủ đề liên hoan năm nay là "Linh hoạt chuyển đổi - thích ứng vượt lên" bao hàm nhiều ý nghĩa.

Thứ nhất là với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát thanh đã có sự chuyển đổi linh hoạt cách thức sản xuất chương trình, phương thức truyền dẫn theo xu hướng chuyển đổi số; chuyển đổi phương thức, cách tiếp cận thính giả, tăng cường sự tương tác với thính giả để trở thành người bạn tâm tình, gần gũi hơn với thính giả ở nhiều đối tượng, nhiều nơi.

Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay, những người làm phát thanh phải tự thích ứng để vượt lên chính mình, khẳng định vai trò của phát thanh trong đời sống xã hội", ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định.

Phần kỹ thuật được các đơn vị phụ trách thi chuẩn bị kỹ trước và trong khi lên sóng.

Làm thế nào để tăng nguồn thu và sức cạnh tranh cho phát thanh, đặc biệt trên nền tảng số? Đó là nỗi trăn trở, cũng là chủ đề được nhiều diễn giả đề cập trong chuỗi sự kiện của Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022.

Chia sẻ tại hội thảo "Phát triển nguồn thu cho các Đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) trong xu hướng chuyển đổi số", ông Tim Rowell, đại diện Công ty Piano, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định để khán, thính giả chấp nhận trả tiền cho các sản phẩm phát thanh, những người làm phát thanh trước tiên phải làm ra những sản phẩm với chất lượng đủ tốt, đáng để công chúng phải bỏ tiền để tiếp nhận.

"Người nghe Việt Nam có thói quen nghe miễn phí, cần có phương pháp nào tăng được nguồn thu cho phát thanh. Làm sao chuyển họ từ thói quen nghe miễn phí sang thói quen nghe có trách nhiệm trả phí. Nếu sản phẩm của chúng ta làm ra đáng để khách hàng trả tiền thì họ cũng sẵn sàng trả tiền. Chúng ta cần xây dựng nó như những sản phẩm dịch vụ đáng để trả tiền", ông Rowell đánh giá. 

Một trong những chìa khóa để phát thanh tiến lên nền tảng số, đó là sử dụng Podcast. Là một chuyên gia sản xuất Podcast, bà Siobhan McHugh, Giáo sư thuộc Trường Đại học Sydney, Australia, chia sẻ rằng Podcast có những ưu thế riêng biệt mà người làm phát thanh có thể tận dụng.

"Quảng cáo khi được người dẫn đọc dẫn trong Podcast sẽ khiến người nghe cảm thấy tin tưởng hơn và có xu hướng lựa chọn sản phẩm. Do vậy, khi sản xuất Podcast cần khoanh vùng nhóm đối tượng để hướng quảng cáo tới người tiêu dùng", bà Siobhan McHugh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, phát thanh trực tiếp là một trong những chìa khóa để tiếp cận gần hơn đến độc giả. Ông Vũ Quang Hào, Giảng viên cao cấp Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Tiểu ban Phát thanh trực tiếp cho rằng, thính giả đang tạo ra xu hướng của phát thanh.

Thính giả cần đối thoại nhiều hơn, do đó, phương thức phát thanh trực tiếp cho đến nay vẫn là một phương thức phát thanh hiện đại nhất và chưa có phương thức phát thanh nào thay thế được. Tuy nhiên, không phải đề tài nào cũng có thể sản xuất theo phương thức phát thanh trực tiếp.

"Phương thức này không dung nạp được tất cả các loại đề tài, không phải đề tài nào cũng làm được phát thanh trực tiếp. Điểm thứ hai đáng tiếc hơn là một số Đài đã đánh mất bản sắc địa phương của mình khi lựa chọn đề tài quá lớn và phổ quát. Điểm tiếp theo rút kinh nghiệm là hầu hết các chương trình đều nỗ lực theo đuổi yêu cầu về công nghệ hiện đại.

Điều đó rất đáng khích lệ vì bên cạnh thính giả nghe phát thanh, công chúng cũng có thể theo dõi chương trình trên các nền tảng khác. Nhưng nếu không cẩn thận chúng ta đã làm phân tán tâm lý nghe của công chúng và làm giảm lượng thông tin, thông điệp chúng ta muốn truyền tải", ông Vũ Quang Hào cho biết. 

Theo ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều đài đã chủ động và nhanh chóng áp dụng tốt công nghệ thông tin, có đầu tư tìm hiểu để vừa làm các chương trình phát thanh, vừa livestream trên các nền tảng số. Chủ động kết nối nhiều đầu cầu trực tiếp; linh hoạt trong việc kết nối giữa các điểm cầu, ứng biến nhanh với sự cố kỹ thuật và tạo không khí hiện trường phát thanh sôi nổi; phóng viên vừa thực hiện chương trình vừa thao tác bàn trộn điêu luyện.

Tuy nhiên, yếu tố chủ đạo của phát thanh vẫn là ngôn ngữ, là tiếng nói. Con đường độc đạo đưa phát thanh đến với thính giả vẫn phải là sự trung thực, tin cậy và những thông điệp chạm đến trái tim.

Trong xu hướng truyền thông đa phương tiện hiện nay, nếu phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, phát thanh vẫn luôn có giá trị trong lòng công chúng.

Đột phá ở chất lượng sản phẩm

Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022 có sự tham gia của 86 đơn vị (gồm 63 Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố, các đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội Nhân dân, Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Trung tâm Truyền thông Thanh thiếu nhi). 

Ngay sau khi phát động, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19, song Ban Tổ chức Liên hoan Phát thanh đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan báo chí phát thanh trong cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 500 tác phẩm dự thi.

Các tác phẩm đi sâu phản ánh việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thành tựu kinh tế xã hội của đất nước, nhiều điển hình, nhân tố mới và cả những tác phẩm đậm chất phản biện…

Tuy nhiên, dấu ấn mạnh mẽ nhất vẫn là các tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19 từ Trung ương đến các địa phương.

"Qua công tác chuẩn bị có thể thấy các tác phẩm dự thi được chuẩn bị khá công phu và trước giờ dự thi đều được cập nhật những hình ảnh, những thông tin kịp thời, phản ánh được hiện thực cuộc sống. Trong đó có nhiều tác phẩm cập nhật được sự hồi sinh phát triển mạnh mẽ của TP.HCM, đây là điều hết sức đáng mừng.

Những tác phẩm dự thi có nhiều thông tin hết sức nóng hổi, đồng thời mang tính khích lệ, biểu dương gương người tốt việc tốt, những tập thể và cá nhân điển hình được đưa vào các tác phẩm dự thi.

Đơn cử như những hình ảnh của các chiến sĩ công an hi sinh quên mình trong những ngày vừa qua tại Thủ đô Hà Nội đến với Liên hoan Phát thanh thông qua các tác phẩm báo chí, thông qua các cuộc trao đổi đã nói lên được sự hi sinh, sự dũng cảm của các chiến sĩ công an, đằng sau đó là những thông điệp khuyến nghị người dân về ý thức phòng cháy chữa cháy. 

Có thể thấy, trước khi về đây dự thi, các tác phẩm đã được chuẩn bị công phu, những thông tin, hình ảnh, được bổ sung cập nhật phù hợp, kịp thời và thể hiện được phát thanh đa dạng, đa phương tiện nhưng gần gũi với công chúng khi nghe Đài", ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ. 

Đơn vị thi phần thi phát thanh trực tiếp.

Một trong những tác phẩm để lại nhiều cảm xúc cho khán giả, thính giả là tác phẩm "Giữa lằn ranh sinh tử” của Phát thanh Công an nhân dân. Chỉ chưa đầy 20 giờ trước phần thi phát thanh trực tiếp của đơn vị này diễn ra thì cũng là lúc 3 cán bộ, chiến sỹ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ở Hà Nội đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ trong vụ cháy quán karaoke.

Những giây phút nghẹn ngào, những giọt nước mắt đã rơi trong khán phòng khi nghe các câu chuyện về sự vất vả, hy sinh của cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy.

Một trong những phần thi phát thanh trực tiếp tạo nên sự hứng khởi cho khán, thính giả là chương trình “Giờ cao điểm” của Kênh VOV Giao thông. Đây là chương trình được ê kíp thực hiện một cách sinh động bằng sự kết hợp của âm thanh, hình ảnh, sự tương tác với các tài xế… Nội dung chương trình được truyền tải đa nền tảng vừa phát trên sóng vừa livestream trên Fanpage của Kênh.

Bên cạnh thông tin về tình hình giao thông trong khung giờ cao điểm trên địa bàn TP.HCM, chương trình còn đan xen các phóng sự như: Vấn đề rác lậu vào TP.HCM qua các cửa ngõ, bức tranh về sự đổi thay vươn lên của TP.HCM sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, các tác phẩm dự thi Liên hoan Phát thanh toàn quốc, đặc biệt ở phần phát thanh trực tiếp đều đảm bảo chất lượng tốt nhờ tác phong chuyên nghiệp cùng sự linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ làm báo.

Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng.

"Một kỳ liên hoan phát thanh toàn quốc thì có rất nhiều thể loại báo chí dự thi, nhưng tôi nghĩ, các chương trình trực tiếp vẫn là những chương trình rất đặc biệt, nó thể hiện sức mạnh của phát thanh vì tính tức thời, khả năng đưa tin nhanh nhất đến công chúng.

Chúng ta còn theo dõi mấy chục chương trình trực tiếp của các đài địa phương nữa để có đánh giá tổng quan. Qua tín hiệu ban đầu của 5 đơn vị dự thi, tôi cảm thấy rất tự tin và lạc quan về tương lai của phát thanh, về tính chuyên nghiệp của các đồng nghiệp ở các đơn vị đã dự thi. Họ đem đến màu sắc rất mới, những kinh nghiệm rất mới.

Bản thân tôi chỉ đạo nội dung của Đài nhưng tôi cũng rất ngạc nhiên, thú vị. Qua các chương trình của các đài địa phương, của các đồng nghiệp, tôi thấy sự trưởng thành của họ, khoảng cách giữa Trung ương và địa phương gần như bị xóa nhoà.

Các đồng nghiệp tận dụng rất tốt những thành tựu phát triển của khoa học công nghệ cũng như phát hiện những đề tài hấp dẫn, gần gũi để đưa đến cho công chúng những chương trình có tính chuyên nghiệp cao và thuyết phục được công chúng", ông Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh. 

Có thể thấy, trong nội dung thi phát thanh trực tiếp, ngoài lựa chọn cho mình những chủ đề bám sát vấn đề thời sự của cuộc sống, các đội còn thể hiện được sự sáng tạo trong cách thể hiện, trình bày tác phẩm, có những chiến lược riêng để mang đến liên hoan những sản phẩm tốt nhất.

Hồng Nam

Tin mới