Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Podcast đang là xu hướng của sản xuất chương trình phát thanh giải trí

(VTC News) -

Podcast đang là xu hướng, các đài nên đầu tư sản xuất, hầu hết chương trình phát thanh phát sóng có thể chuyển sang Podcast.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam), tại Hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến", diễn ra tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM sáng 5/8. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV.

Ông Tuyến thông tin, đầu những năm 2000, khoảng 22% người trưởng thành tại Mỹ biết đến Podcast. Đến năm 2021, con số này tăng lên 78% (222 triệu người) và tăng 3% so với năm 2020. Hiện nay, khoảng 1/3 dân số Mỹ thường xuyên nghe Podcast. 

Ông Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông.

Ông Tuyến cho rằng, giống radio, Podcast sử dụng âm thanh là phương tiện chính thức tiếp cận người nghe. Podcast ngày càng được công chúng đón nhận nhiệt tình do có phương thức tiếp cận tiện dụng, hợp thời hơn nhờ khả năng lan truyền rộng rãi và nhanh chóng của Internet...

"Podcast gần như đầy đủ các tính năng như thích, theo dõi, nhận xét, thông báo khi có phần mới, đặc biệt có thể chọn tự tải về khi có phần mới, tự xóa khi nghe xong, cũng có thể nghe trực tiếp, nghe sau, online hoặc offline. Vì thế, người nghe có thể tận dụng những khoảng thời gian chạy bộ, nấu ăn, đi xe hoặc trước khi đi ngủ...", ông Tuyến nói.

Với Podcast, nội dung được tiếp cận sẽ đa dạng, thú vị và gần gũi với người nghe, người dùng có thể tìm được nhiều chương trình độc lạ. Hơn nữa, người làm Podcast có thể tùy chọn định dạng, thời lượng, chủ đề của chương trình mà không bị ảnh hưởng khuôn khổ thời lượng hay format của chương trình.

Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông cho rằng, tại Việt Nam, Podcast được biết đến từ khá sớm. Năm 2012, VOV Giao thông đã nghiên cứu phương thức sản xuất chương trình phát thanh này. Tuy nhiên, động lực thực sự chưa đủ lớn, bởi phát thanh truyền thống vẫn còn thu hút quảng cáo tốt và thị trường chưa đủ độ chín để sẵn sàng tiếp nhận cách nghe mới. Podcast thực sự khiến các nhà sản xuất nội dung ở Việt Nam quan tâm khi dịch COVID-19 bùng nổ và giãn cách xã hội được thực hiện.

Hội thảo "Sản xuất chương trình phát thanh giải trí trong bối cảnh bùng nổ giải trí trực tuyến" diễn ra sáng 5/8 tại TP.HCM.

Một số toà soạn đã có sự đầu tư vào sản xuất Podcast như một sản phẩm cơ hữu, đặc biệt là nhiều nhà sản xuất nội dung độc lập trẻ tuổi nhận thấy cơ hội về một phương thức sản xuất ít tốn kém, hạ tầng có sẵn, để tạo ra các chương trình phát thanh không cần tần số, không cần trạm thu phát sóng...

"Trong khi đó, các cơ quan sản xuất chương trình phát thanh chuyên nghiệp, các Đài phát thanh lại đang tỏ ra khá chậm chân trong việc tiến vào thị trường Podcast, dù có nhiều lợi thế hơn", ông Tuyến nêu quan điểm.

Một trong những lợi thế quan trọng để các Đài phát thanh có thể cạnh tranh tốt trên thị trường Podcast được ông Tuyến đưa ra là nguồn nhân lực.

Các Đài phát thanh có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành phát thanh, có kinh nghiệm thực chiến trong môi trường sản xuất nội dung dưới định dạng âm thanh. Họ sẽ không gặp quá nhiều bỡ ngỡ khi xây dựng, tổ chức sản xuất sản phẩm âm thanh. 

Lợi thế quan trọng thứ hai được ông Tuyến đưa ra là nguồn công chúng sẵn có. Khi tăng lựa chọn phương thức đầu cuối cho nhóm công chúng sẵn có này, các Đài sẽ nhanh chóng có lượng người nghe quen thuộc ban đầu để phát triển người dùng.

Ông Tuyến nhìn nhận, điều cản trở các Đài Phát thanh chuyên nghiệp do dự vào thị trường Podcast là sự e ngại khi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, phải thuyết phục đối tác quảng cáo truyền thống về thói quen mới của khách hàng, hay thay đổi quy trình sản xuất, phải học hỏi các kỹ năng mới....

"Tất cả sự thay đổi này đều đòi hỏi cơ quan phát thanh phải phân tán, thậm chí là đầu tư mới cho nguồn lực của mình và không phải người đứng đầu cơ quan đều sẵn sàng", ông Tuyến nói.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Theo ông Tuyến, tỷ lệ người nghe quảng cáo trong chương trình Podcast cao hơn 12% so với các chương trình phát thanh truyền thống. The Daily (Podcast của The New York Times) - là chương trình bình luận tin tức có nhiều người theo dõi nhất thế giới với 4 triệu lượt tải về máy mỗi số. 

Ông Tuyến đánh giá, người trẻ không còn sử dụng các thiết bị đầu cuối để bắt sóng radio nữa. Xu hướng sử dụng phương tiện giao thông công cộng đang dần phổ biến ở đô thị, các nền tảng phân phối Podcast đang mỗi ngày một hoàn thiện và quen thuộc với người dùng. 

Hoàng Thọ - Hữu Hướng

Tin mới