Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lăng mộ xa hoa của vua nhà Nguyễn có bức 'Cửu long ẩn vân' vẽ bằng chân

(VTC News) -

Ứng Lăng - nơi an nghỉ cuối cùng của vua Khải Định (hoàng đế thứ 12 nhà Nguyễn) không chỉ nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo mà còn có bức "Cửu long ẩn vân" tuyệt đẹp.

Video: Cận cảnh bức 'Cửu long ẩn vân' trong điện thờ vua Khải Định trong Ứng Lăng

Ứng Lăng là nơi an nghỉ cuối cùng của vua Khải Định - vị hoàng đế thứ 12 của nhà Nguyễn nhưng là vị hoàng đế cuối cùng của vuơng triều này tự xây lăng mộ cho mình khi còn sống (hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại sống lưu vong và mất tại Pháp. Hiện mộ của ông vẫn nằm tại Pháp). Lăng toạ lạc trên núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách trung tâm TP Huế chừng 10km. 

Ứng Lăng cũng là điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất trong hệ thống di tích đền, đài, lăng tẩm còn tồn tại ở cố đô Huế. Mặc dù không quá rộng lớn như lăng tẩm của các vị vua khác của nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức hay Thiệu Trị nhưng Ứng Lăng của vua Khải Định cuốn hút du khách bởi kiến trúc độc đáo. Đó là sự kết hợp của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... Để xây lăng, vua Khải Định phải phái người sang Trung Quốc, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh và sang Pháp để mua xi măng, sắt thép để về nước phục vụ kiến thiết, xây dựng lăng.

Điểm giống của Ứng Lăng với các lăng vua nhà Nguyễn khác là hệ thống tượng quan văn võ, lính hầu và ngựa voi đứng ở sân chầu dưới khu vực điện thờ vua. 

Điện thờ vua Khải Định đặt trong Thiên Định Cung tại Ứng Lăng được bài trí một cách xa hoa với các hoạ tiết bài trí một cách sinh động và đẹp mắt. Các đồ dùng thờ cúng cũng được làm bằng những vật liệu quý giá và được chế tác tinh xảo. 

Thiên Định Cung có lẽ là nơi hút du khách tham quan bậc nhất ở Ứng Lăng. Bởi lẽ, đây là công trình quan trọng và cũng cao nhất trong Ứng Lăng. Phía trước của Thiên Định Cung là điện Khải Thành – nơi để án thờ và bức ảnh chân dung vua Khải Định. Ở giữa là Bửu án nơi có tượng vua Khải Định. Bức tượng do chính nhà vua đặt cho một nhà điêu khắc người Pháp tên Paul Ducuing tạo hình và đúc tại xưởng Ferdinand Barbédienne ở Paris. Pho tượng làm bằng đồng vàng thể hiện nhà vua ngồi trên ngai vàng, mặc long bào, đội mão cửu long, tay cầm hốt. 

Một điểm nhấn khác tại Ứng Lăng chính là bức bích họa "Cửu long ẩn vân" được vẽ trên trần ba gian giữa của Thiên Định Cung trong Ứng Lăng.

Bức tranh "Cửu long ẩn vân" cũng được đánh giá là một trong số những bức tranh rồng lớn bậc nhất ở nước ta hiện nay. 

Theo tư liệu thì bức tranh được vẽ bởi nghệ nhân cung đình tên Nguyễn Văn Tánh. Điểm đặc biệt của bức tranh là trải qua gần một thế kỷ nhưng bức bích hoạ này chưa một lần được tô sửa và trông như mới. Một điều bí ẩn khác là bức tranh chưa bao giờ ghi nhận việc bị mạng nhện bám dù xung quanh khu vực Thiên Định Cung nhện bám khá nhiều. 

Điều thú vị là, tương truyền để vẽ bức "Cửu long ẩn vân" nghệ nhân Nguyễn Văn Tánh phải cho kê một cái giá cao sát trần điện, sau đó miệng ngậm cây cọ cùng hai tay hai chân mỗi chi giữ một cây cọ vẽ cùng một lúc. Trong lúc đang thả hồn vào tác phẩm thì gặp vua đến thăm, trong khi mọi người đều hành lễ với vua thì riêng nghệ nhân Tánh vẫn say sưa thực hiện tác phẩm. Khi ấy vua phán: “Cửu Tánh! Nếu như trên đời này có đến hai Cửu Tánh thì Trẫm lấy cái đầu ngươi rồi.”

Nghệ nhân Phan Văn Tánh cũng được đồn đoán là tác giả của bức bích hoạ "Long vân khế hội" trên trần và cột của chánh điện cũ trên trần chánh điện cũ của chùa Diệu Đế (một trong 3 Quốc tự của nhà Nguyễn còn tồn tại ở Huế). Bức tranh này được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3/2008. Tuy nhiên theo giới nghiên cứu thì hiện chưa có một tài liệu cụ thể nào để chứng minh thông tin này.

HOÀI CỔ

Tin mới