Những năm gần đây, việc người dân hiến đất làm đường giao thông đang "nở rộ" ở nhiều tỉnh, thành. Hiến đất làm đường tưởng chừng là hành động tốt đẹp, xuất phát từ ý nguyện góp phần xây dựng quê hương. Thế nhưng, vì lợi ích riêng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã khiến việc hiến đất làm đường trở nên biến tướng, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc ngăn chặn.
Biến tướng "hiến đất làm đường"
Cụ thể, tại tỉnh Kon Tum, riêng năm 2020 đã có đến 22 cán bộ bị cách chức, kỷ luật, kiểm điểm và khiển trách vì liên quan các sai phạm trong phê duyệt hiến đất làm đường.
"Dự án" Khu dân cư Kara Garden được quảng cáo do Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thiên Niên Kỷ làm chủ đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Kon Tum, từ năm 2019 - 2020, bằng thủ đoạn xin hiến đất để làm đường giao thông, một số đối tượng ở tỉnh Kon Tum đã dễ dàng làm thủ tục phân lô bán nền, xây dựng nhà ở, biệt thự trái phép, trái với quy hoạch xây dựng. Đáng nói, thủ đoạn này được tiếp tay bởi một số cán bộ, viên chức trong cơ quan Nhà nước.
Theo đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Kon Tum làm thủ tục không đúng quy định, từ đó dẫn đến việc tham mưu cho Sở TN&MT tỉnh Kon Tum ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng mục đích. Việc tách thửa đất có đường giao thông không phù hợp với quy hoạch tạo ra khu dân cư không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đến phát triển đô thị trên tại TP Kon Tum.
Sau khi được duyệt hiến đất làm đường, các đối tượng thực hiện phân lô bán nền trái phép và hình thành thị trường mua bán nhà đất sôi động. Sai phạm về đất đai có liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị. Từ cấp xã, phường, thành phố đến cơ quan chức năng cấp tỉnh.
Sau khi có kết luận của Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT Kon Tum đã cung cấp hồ sơ, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, làm rõ các sai phạm.
Tương tự, tại tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2021, sau loạt bài phản ánh của VTC News, 4 cán bộ thuộc TP Bảo Lộc đã bị tạm đình chỉ công tác, điều chuyển công tác vì liên quan đến việc hiến đất làm đường, tách thửa trên địa bàn.
Đất nông nghiệp được hợp thức hoá để phân lô, tách thửa và giao dịch như một dự án bất động sản.
Những người này liên quan đến việc giải quyết tách thửa trái quy định, công tác quản lý chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn TP Bảo Lộc. Trong đó, điển hình là vụ phê duyệt làm đường giao thông trên quả đồi 36ha thuần đất nông nghiệp ở xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc), hợp thức hoá cho hành vi phân lô, bán nền trái quy định.
Đáng nói, thời điểm 4 cán bộ nói trên bị "trảm", các nhóm lợi ích vẫn "rục rịch" thực hiện sai phạm. Ghi nhận của PV VTC News vào tháng 10/2021, dọc các con đường lớn nhỏ ở huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc là nhan nhản những quả đồi bị cạo trọc, "rạch" lên mình những con đường bê tông.
Trong số hàng trăm công trình "làm mưa, làm gió" ở Lâm Đồng thời điểm đó, không thể không nhắc đến đại công trình Sun Valley ngự trên quả đồi 41ha tại huyện Bảo Lâm. "Dự án" này cũng được đơn vị phát triển (Khải Hưng Corp) áp dụng mô-típ "hiến đất làm đường" để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó lại "đúng quy trình" xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán.
Sau loạt bài phản ánh của VTC News, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị chức năng liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã rốt ráo vào cuộc kiểm tra, xử lý. Để chấn chỉnh tình trạng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu dừng mọi hoạt động tại các công trình mà VTC News phản ánh; đồng thời, ra quyết định dừng giải quyết thủ tục phân lô trên toàn địa bàn tỉnh.
Đồng Nai là "điểm nóng" tiếp theo?
Tưởng chừng sau khi báo chí tốn giấy mực phản ánh, lực lượng chức năng sát sao vào cuộc bằng các chế tài thì tình trạng lợi dụng việc hiến đất làm đường để trục lợi sẽ chấm dứt. Thế nhưng, thực tế, biến tướng của việc hiến đất làm đường vẫn tiếp tục lan rộng. Đồng Nai là địa phương tiếp theo "hướng" sự biến tướng này.
Không cần lập dự án, đất nông nghiệp vẫn được tách thành hàng trăm lô đất và bán với giá cao ngất ngưởng.
Ghi nhận của PV VTC News tại các tuyến đường lớn nhỏ ở Đồng Nai, nhan nhản những khu đất vừa được trải nhựa đường như ô bàn cờ, đóng cột mốc từng nền, cắm bảng rao bán công khai như dự án bài bản. Những khu đất này hầu hết đều là đất nông nghiệp, số ít là đất nông nghiệp vừa được chuyển mục đích sử dụng thành đất ở.
Tại phường An Hoà (TP Biên Hoà), một khu đất gần 2ha, được "xẻ" thành 153 nền. Trên các trang mạng, khu đất này được quảng cáo với tên gọi là "dự án" Khu dân cư Kara Garden, do Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thiên Niên Kỷ (trụ sở tại 188 Đại Lộ 3, phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM) làm chủ đầu tư.
Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thiên Niên Kỷ do ông Nguyễn Văn Tài làm người đại diện pháp luật. Ông Tài cũng chính là người đứng tên chủ sở hữu khu đất nói trên.
Để thực hiện giao dịch bất động sản, ông Tài đã uỷ quyền cho Công ty CP TT Holding phân phối "dự án". Theo giấy uỷ quyền, Công ty CP TT Holding sẽ thực hiện các hoạt động tiếp thị và phân phối, nhằm tìm kiếm khách hàng nhận chuyển nhượng các lô đất của ông Tài. Thời hạn uỷ quyền từ ngày 1/3/2021 đến ngày 31/6/2022.
Điều bất ngờ, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thiên Niên Kỷ, Công ty CP TT Holding và nhà ông Tài đều ở cùng một địa chỉ tại số 188 Đại Lộ 3 (phường Phước Bình, TP Thủ Đức, TP.HCM).
Trong vai khách hàng, PV liên hệ với A., một nhân viên môi giới của Công ty CP TT Holding. Theo A., hiện công ty đang thực hiện nhận giữ chỗ với số tiền 50 triệu đồng/nền.
“Dự án này bên em đang "hot" lắm, hiện khách đặt cọc, giữ chỗ gần hết rồi, anh chị mà không nhanh là không còn lô đẹp giá tốt đâu. Bên em mỗi lô có diện tích từ 60m2 trở lên với giá dao động từ 1,4 tỷ trở lên tuỳ diện tích. Hiện bên công ty có rất nhiều chính sách ưu đãi nên giá thấp rất thích hợp để đầu tư. Chỉ cần giữ chỗ 50 triệu, đến 6/3 này bên em mở bán thì chuyển từ giữ chỗ sang cọc và sẽ có sổ ngay cho khách”, A. nói.
Khi được hỏi về pháp lý "dự án", A. tự tin khẳng định: “Bên em đầy đủ pháp lý rồi, giờ ra sổ từng nền rồi. Chỉ cần ra sổ là yên tâm rồi mấy cái khác không quan trọng nữa”.
Giấy uỷ quyền và thông báo về chương trình bán hàng của "dự án".
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Hồ Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường An Hòa cho biết, khu đất đang được rao bán nói trên vốn là đất nông nghiệp, được người dân mua, sau đó làm hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và tách ra nhiều sổ nhỏ để bán.
"Cái này không phải dự án. Hiện nay những cái sổ ở khu đó đã là đất ở hết rồi, người ta đã có trích lục từng thửa đất nhỏ rồi. Người ta làm đúng hết, đúng hết mới ra sổ", ông Phúc thông tin.
Dù khẳng định mọi quy trình thực hiện tại "dự án" đều đúng, thế nhưng khi PV hỏi về quy trình hiến đất làm đường (mục đích xin hiến, lý do phê duyệt), ông Phúc lại cho rằng không nắm được nội dung này.
"Cái thời điểm này tôi chưa về, thời điểm đó là chỗ anh Nam, mà anh Nam chuyển đi rồi. Còn thủ tục chắc chị liên hệ với UBND TP", ông Phúc nói. Tuy vậy, ông Phúc vẫn một lần nữa khẳng định: "Thời điểm này người ta buôn bán trên đó là đủ thủ tục hết rồi".
Ngày 4/3, trả lời VTC News, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai khẳng định, việc lợi dụng xin hiến đất làm đường để tách thửa trên đất nông nghiệp, sau đó phân lô, bán nền là hoàn toàn trái quy định pháp luật.
"Cái đó không cho phép đâu, nếu làm dự án nhà ở phải có dự án đầu tư, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, xem xét trường hợp đó có đúng quy hoạch hay không, có được chuyển mục đích hay không.
Dù là đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở thì vẫn phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng khu dân cư. Việc tự ý phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp chắc chắn là không được, Đồng Nai đã cấm, và đang tiếp tục siết chặt, chỉ đạo xuống tới từng huyện, thành phố để cấm việc này", ông Đức cho hay.