Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Đồi xanh bị cạo trọc phân lô, bán nền ở Lâm Đồng: Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc

(VTC News) -

Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản hoả tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị báo cáo thông tin mà báo chí phản ánh liên quan đến tình trạng xẻ đồi phân lô ở địa bàn.

Liên quan đến loạt bài Cạo trọc màu xanh, đưa "rừng" bê tông lên đồi đồi xanh ở Lâm Đồng mà VTC News phản ánh, ngày 29/11/2021, thông tin từ Bộ Xây dựng, đơn vị đã chỉ đạo Thanh tra vào cuộc.

Sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, cùng ngày, Thanh tra Bộ Xây dựng lập tức có văn bản hoả tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị báo cáo sự việc.

Văn bản ghi rõ, qua thông tin báo chí phản ánh, tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) có khoảng 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục. Những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những đại dự án có diện tích hơn 10ha, thậm chí 41ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hoà Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong trung tâm TP Bảo Lộc. Ở huyện Bảo Lâm, nhiều dự án áp sát rừng.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản trước ngày 6/12/2021.

Toàn cảnh khu nghỉ dưỡng Sun Valley "ngự" trên quả đồi 41ha của Khải Hưng Corp. (Ảnh: Thy Huệ)

Đúng quy trình?

Loạt bài Cạo trọc màu xanh, đưa "rừng" bê tông lên đồi đồi xanh ở Lâm Đồng của VTC News đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trước sự việc này, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản phản hồi tới VTC News.

Theo văn bản phản hồi của UBND huyện Bảo Lâm, những hiện trạng được VTC News phản ánh đều được các cá nhân và chính quyền địa phương thực hiện theo "đúng quy trình", quy định của pháp luật.

Cụ thể, UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, trong thời gian qua, đơn vị chỉ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng của các hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và "chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án bất động sán trên địa bàn".

Việc hiến đất của người dân chủ yếu là để mở đường giao thông, nhằm thuận tiện trong việc vận chuyển, đi lại. Sau khi hiến đất làm đường, người dân đã lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lập thủ tục tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất được cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Việc hiến đất làm đường trong thời gian qua mà UBND huyện đã giải quyết là của các hộ gia đình, cá nhân, nhằm tạo mặt bằng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng. Sau đó, các hộ thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa. Sau khi đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hộ dân đã giao, ủy quyền cho một số doanh nghiệp, công ty bán hàng.

Các đơn vị được các hộ dân ủy quyền bán hàng đã tự đặt tên cho các khu đất được tách thửa là khu “nghĩ dưỡng, khu dân cư” và đặt tên bằng tiếng nước ngoài để bán hàng.

Những đại "dự án" cạo trọc đồi xanh ở Lâm Đồng. (Ảnh: Thy Huệ)

"Đối với khu vực VTC News phản ánh tại xã Lộc Quảng với khu đất 41ha hiện đang được Công ty Khải Hưng rao bán. Qua rà soát, khu vực này được quy hoạch là đất ở nông thôn và được UBND huyện Bảo Lâm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ gia đình, cá nhân với diện tích khoảng 25ha. Các hộ gia đình đã thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo quy định.

Các khu đất được đặt tên theo tiếng nước ngoài do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên, ủy quyền cho các đơn vị bán hàng. Các đơn vị này tự đặt tên cho khu đất bằng tên nước ngoài và rao bán trên mạng xã hội. Công ty Khải Hưng là đơn vị được ủy quyền bán hàng", phản hồi của UBND huyện Bảo Lâm.

Như vậy, hay chăng theo UBND huyện Bảo Lâm, chỉ cần "đúng quy trình" thì bất kể kết quả như thế nào, kể cả việc hàng trăm quả đồi bị băm nát thì UBND vẫn khuyến khích các cá nhân thực hiện.

Một điều mà trong văn bản phản hồi của UBND huyện Bảo Lâm không biết vô tình hay cố ý, nhưng lại không được nhắc đến, đó là mục đích cụ thể của các các nhân khi hiến/trả lại đất làm đường được ghi trong đơn là gì. 

Theo hồ sơ PV nắm được, hầu hết tất cả các đơn xin hiến đất làm đường của người dân đều được ghi nhằm "phục vụ sản xuất nông nghiệp"; đơn đề nghị trả lại đất làm đường thì nhằm "đảm bảo việc lưu thông và không ảnh hưởng đến việc chăm sóc, canh tác cây trồng của gia đình". Với các mục đích rất hợp lý này, người dân nhanh chóng được chính quyền địa phương chấp thuận.

Câu hỏi được đặt ra, nếu mục đích ngay từ ban đầu của người dân là hiến/trả đất làm đường để phục vụ việc phân lô, bán nền thì liệu chính quyền địa phương có chấp thuận hay không? Và hiện tại, kết quả cuối cùng của việc hiến/trả đất làm đường lại là núi đồi bị băm nát, cạo trọc mảng xanh để phân lô, có đúng quy trình thực sự hay không?   

Báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm.

Lộ diện nhiều cái tên quen thuộc 

Để "trấn an" dư luận, ngày 7/12/2021, UBND huyện Bảo Lâm tiếp tục có báo cáo về sự việc.

"Thực hiện văn bản số 8748/UBND-ĐC ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc kiểm tra liên quan đến khu nghỉ dưỡng Sun Valley tại huyện Bảo Lâm theo phản ánh của Báo điện tử VTC News. Qua kiểm tra, rà soát tại khu vực thôn 5, xã Lộc Quảng có một số hộ dân mở đường giao thông, chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa", báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm ghi.

Theo UBND huyện Bảo Lâm, khu nghỉ dưỡng Sun Valley thuộc một phần diện tích xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc) và một phần xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm). Trong đó, diện tích thuộc huyện Bảo Lâm là 27,9ha; gồm 42 thửa thuộc 3 tờ bản đồ địa chính của 15 hộ gia đình.

Đáng nói, tổng diện tích đất là 27,9ha nhưng riêng phần các chủ đất tự nguyện hiến làm đường đã lên tới hơn 5ha (50.189,3m2). Số hộ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn là 15 hộ, với diện tích hơn 16ha (164.154,9m2).

Về hiện trạng, hiện khu đất đã xây dựng 32 căn nhà, diện tích trung bình 150m2/căn, trong đó có 6 căn có diện tích 300m2/căn.

Trong danh sách 15 chủ sở hữu khu đất mà UBND huyện Bảo Lâm cung cấp có nhiều cái tên quen thuộc. Đứng đầu danh sách là ông Lê Đức Hưng, người sở hữu nhiều nhất phần diện tích của khu nghỉ dưỡng Sun Valley với 7 thửa đất (hiện đã được tách thành 15 thửa). Sau ông Lê Đức Hưng là ông Hoàng Vũ Minh Trí, ông Trí sở hữu 9 thửa đất (hiện đã tách thành 11 thửa).

Ngoài 2 lãnh đạo Khải Hưng Corp thì ông Nguyễn Văn Hán, nguyên Chủ tịch UBND xã Đam B'ri cũng là một trong 15 chủ đất đứng tên sở hữu quả đồi 41ha ở Bảo Lâm.

Một điều bất ngờ, ông Lê Đức Hưng này lại trùng tên với vị Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp). Còn ông Hoàng Vũ Minh Trí cũng trùng tên với người đại diện pháp luật Chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Khải Hưng Bảo Lộc. Khải Hưng Corp hiện là đơn vị phát triển đại công trình Sun Valley.

Trước đó, ông Đoàn Kim Đình, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc từng khẳng định với PV VTC News rằng, ông Lê Đức Hưng và ông Hoàng Vũ Minh Trí đứng tên chủ đất chính là 2 lãnh đạo của Khải Hưng Corp.

Ngoài đứng tên chủ quả đồi 41ha đang bị cạo trọc, ông Lê Đức Hưng và ông Hoàng Vũ Minh Trí còn là chủ khu đất trên giao lộ Phùng Hưng - Phan Đình Phùng (phường Lộc Tiến) vừa bị UBND phường Lộc Tiến (TP Bảo Lộc) xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi vi phạm về đất đai, trật tự trong hoạt động xây dựng.

"3 chủ đất vừa bị xử phạt là anh Hưng, anh Trí và anh Tú. Thật ra anh Hưng này và Lê Đức Hưng Chủ tịch Khải Hưng Corp đang làm cái 41ha ở Bảo Lâm là một người”, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho hay.

Sau 2 lãnh đạo Khải Hưng Corp, tên chủ đất thứ 3 trong danh sách chủ sở hữu quả đồi 41ha cũng là một cái tên quen thuộc, đó là ông Nguyễn Văn Hán. Ông Nguyễn Văn Hán là nguyên Chủ tịch UBND xã Đam B'ri, sở hữu hơn 1,2ha (12,343m2) diện tích của quả đồi.

Sau loạt bài phản ánh của VTC News vào hồi tháng 5 về quả đồi 36ha bị xẻ thành hơn 1.000 nền đất ở xã Đam B'ri, UBND TP Bảo Lộc đã tổ chức kiểm điểm các cá nhân vi phạm về trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất liên quan đến việc hiến đất mở đường, phân lô tách thửa sai quy định.

Sau khi bị kiểm điểm, ông Nguyễn Văn Hán được điều chuyển công tác. Hiện ông Hán đang giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đam B’ri. Tuy nhiên, theo ông Hán, vì không có nhu cầu sử dụng, phần diện tích đất nói trên đã được ông bán cho các cá nhân khác từ lâu. Hiện ông không phải là người sở hữu phần diện tích này.

Trước đó, ông Lê Chí Sỹ, Phó Chủ tịch xã Lộc Quảng trả lời VTC News, UBND xã đã nắm được thông tin về Khu nghỉ dưỡng Sun Valley. Tại công trình này, xã cũng có nhiều lần xử phạt vì xảy ra các sai phạm.

"Cái chỗ Sun Valley, biết chứ sao không biết được. Cái này được người ta rêu rao là dự án của Công ty Bất động sản Khải Hưng, tuy nhiên trên danh nghĩa lại làm theo cá nhân. Cái này là của chỗ anh Hưng, anh Trí... rất là nhiều người ở trong đó. Mỗi người họ làm hồ sơ sang nhượng rồi tách thửa...", ông Sỹ thông tin. 

Bài viết "Cạo sạch màu xanh, phù phép đưa 'rừng' bê tông lên đồi 41ha ở Lâm Đồng" được VTC News đăng tải nêu tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ xô về Lâm Đồng "gom" đồi trọc để phân lô, bán đất nền.

Dọc các con đường lớn nhỏ ở huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc nhan nhản những quả đồi bị cạo trọc. Không còn màu xanh thuần tuý, những quả đồi đang bị bắt ép khoác lên mình những lớp áo bê tông.

Điển hình tại Lâm Đồng hiện nay là đại công trình của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp) với tên gọi khu nghỉ dưỡng Sun Valley.

Đại công trình này "ngự" trên quả đồi 41ha thuộc một phần TP Bảo Lộc và một phần huyện Bảo Lâm. Vốn được phủ xanh bởi chè và cà phê, thế nhưng Khải Hưng Corp lại tài tình "nhào nặn" quả đồi 41ha này thành khu nghỉ dưỡng Sun Valley với quy mô 1.200 nền đất để bán.

Như đại đa số công trình khác tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Sun Valley cũng được Khải Hưng Corp áp dụng mô-típ "hiến đất làm đường" để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó lại "đúng quy trình" xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán. Giá bán hiện tại đã lên tới 10 triệu đồng/m2 với các nền đất có diện tích từ 250 - 1.000m2.  

Thy Huệ

Tin mới