Video: Toàn cảnh đồi chè, cà phê ở Lâm Đồng bị cạo trọc phân lô, bán nền
Lâm Đồng từng được biết đến là thủ phủ trà và cà phê với những đồi chè, cà phê bạt ngàn xanh. Thế nhưng, những năm gần đây vùng đất được ví như lá phổi xanh này đang bị cạo trọc để phân lô, bán nền.
Ghi nhận của PV VTC News ngày 18/11, từ trên cao, những mảng xanh của hàng nghìn quả đồi ở Lâm Đồng bị băm nát, trơ trọi đất đỏ.
Tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), giá đất nhảy số từng ngày khi hàng chục doanh nghiệp đổ xô đến gom đất nông nghiệp, phân lô. Trong hình là quả đồi 4,5ha vốn trồng chè, nay được Công ty Kingdom Land (thuộc hệ thống Kingdom Corporation) cạo trọc, "đúng quy trình" xin hiến đất làm đường, phân lô và rao bán với tên gọi Ecolake Village Bảo Lộc.
Biệt thự Kiwuki Village là công trình được "nhào nặn" trên phần đồi có diện tích 4,5ha thuộc một phần TP Bảo Lộc và một phần xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm). Theo Công ty CP đầu tư BĐS Gia Minh (GM Holdings, đơn vị phát triển dự án; thuộc GM Property Group), Kiwuki Village được thiết kế như một ngôi làng thu nhỏ với giá khoảng 2,5tỷ/nền.
Lọt thỏm giữa bạt ngàn chè và cà phê, "dự án" Bảo Lộc Greenwich được quảng cáo do Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS Phú Hoàng làm chủ đầu tư, với tổng diện tích quy hoạch lên tới 30 ha. "Cái này cũng lâu lắm rồi, người ta làm lâu rồi, chắc cũng đúng hết thôi", ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân nói.
Công trình 300 Lộc Lân được quảng cáo do công ty quen thuộc GM Holdings làm đơn vị phát triển. "Dự án" này liên tục được "thay tên đổi họ" để quảng cáo. Đáng nói, phần điện đường hoàn toàn là điện âm khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn cũng như có đủ tiêu chuẩn để thi công hay không.
Đồi xanh bị "lóc da" từng mảng tại xã Lộc Tân.
"Dự án" trơ trọi giữa bạt ngàn xanh.
Tại xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), khu nghỉ dưỡng Sun Valley do Công ty CP Đầu tư và phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp) làm đơn vị phát triển đang khiến dư luận dành sự quan tâm đặc biệt. Đại công trình này "ngự" trên quả đồi 41ha thuộc phần lớn huyện Bảo Lâm và phần nhỏ TP Bảo Lộc.
Vốn được phủ xanh bởi chè và cà phê, thế nhưng Khải Hưng Corp lại tài tình "hô biến" quả đồi 41ha này thành khu nghỉ dưỡng với quy mô 1.200 nền đất để bán.
Quy mô như một dự án được Nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư bài bản, giá bán hiện tại của khu nghỉ dưỡng Sun Valley đã lên tới 10 triệu đồng/m2.
GM Holdings lại xuất hiện một lần nữa với vị trí là chủ đầu tư "dự án" 50 Lộc Quảng. Quy mô 4ha, thế nhưng từ trên cao có thể thấy, một phần đất đang được trồng cà phê hiện tại làm ngăn cách diện tích đất "dự án".
"Có, có biết chứ. Người ta đăng là 50 Lộc Quảng gì đó để bán. Cái lô ở giữa đang trồng cà phê chắc là người dân không chịu bán nên mới thế", ông Lê Chí Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng cho hay.
"Dự án" Aurora City của Công ty BĐS Trung Tín đã được Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng Lê Chí Sỹ yêu cầu gỡ cổng chào, bảng hiệu nhiều lần vì quảng cáo "lố".
"Tôi có xuống kiểm tra, thấy làm cổng chào bảng hiệu hoành tráng lắm. Như vậy là không đúng, vì đây có phải là dự án đâu mà làm vậy. Tôi có yêu cầu tháo dỡ, nhưng mà giờ họ vẫn chưa làm", ông Lê Chí Sỹ thông tin.
Khu nghỉ dưỡng Sunrise Village (We Group Invesment & Development) và Bảo Lộc Hill (Master Land) cách nhau một vườn cà phê chưa được giải toả. Theo nhân viên môi giới, mỗi tuần đều có xe đưa đón khách tham quan miễn phí.
Cách Sunrise Village và Bảo Lộc Hill không xa là khu nghỉ dưỡng Charming Garden. "Dự án" này được Công ty Trường Lộc Land nhận là đơn vị phát triển với tổng diện tích 24ha, giá bán khoảng 4 triệu đồng/m2. Đặc điểm chung của "bộ 3" khu nghỉ dưỡng này là đều được trải nhựa đường để "mê hoặc" khách hàng.
Tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), "dự án" Biệt thự view đồi Tea Village đang được Công ty Vstar Land rao bán với giá khoảng 6,5 triệu đồng/m2. Quãng đường vào "dự án" là một hành trình khiến nhiều người bật ngửa vì đường sá và vị trí xuống cấp, hẻo lánh.
Trên các trang mua bán, "dự án" này được nhân viên môi giới đăng tải nhan nhản. Chỉ cần gọi vào một số điện thoại rao bán bất kỳ, nhân viên môi giới sẵn sàng đến tận nơi đón khách hàng đi xem "dự án".
Cũng tại xã Lộc An, "dự án" Làng sinh thái An Khuê 2 được xem là một thành công tiếp theo của Công ty T&T Investment sau An Khuê 1. Theo ông Vũ Minh Đoàn, Chủ tịch UBND xã Lộc An, hầu hết ông đều "nắm" được các khu đất này.
"Toàn bộ diện tích đất người ta mua ở Lộc An, rồi người ta hiến đất làm đường, rồi tách thửa, rồi bán... hầu hết họ mang tên cá nhân hết. Xong họ chuyển mục đích sử dụng đất hết rồi, không có chỗ nào là đất nông nghiệp nữa. Nhưng khi họ đăng lên mạng, họ cứ lấy công ty này công ty kia. Việc này tôi đã báo cáo rất nhiều lần với huyện, đề nghị Sở VHTT xem xét xử lý", ông Vũ Minh Đoàn, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết.
TP Bảo Lộc sau thời gian "sốt nóng", báo chí liên tục phản ánh, một số công trình bị xử lý thì hiện tại đâu lại vào đấy. Những quả đồi đỏ rực vì bị cạo trọc cây cối xuất hiện đầy rẫy.
Đây là hình ảnh được quảng cáo với tên gọi Siêu biệt thự vườn Pine Valley tại phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) với quy mô 9ha. "Dự án" được Công ty BĐS Thanh Hưng nhận là chủ đầu tư, giá bán hiện tại đã lên tới 7 triệu đồng/m2.
Quả đồi tròn trĩnh từng ngày bị Công ty BĐS Thanh Hưng đốn gọt, "vẽ đường".
Việc hạ đồi sâu đến chục mét khiến những hộ dân xung quanh phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, ảnh hướng đến tính mạng.
Cũng với hình thức xẻ đồi, phân lô, nhưng với mô hình khác, khu đất này đươc Công ty CP BĐS Country Land đặt tên là Bus Homestay. Công ty này còn được biết đến với một vài "dự án" khác mang tên Country Dream nằm rải rác tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
"Kiệt tác nghỉ dưỡng xứ sở sương mù Horizon Garden" tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) cũng là một công trình lóc sạch mảng xanh được Công ty Vstar Land rao bán rầm rộ. Horizon Garden được biết đến như là "người anh em" của Tea Village tại xã Lộc An.
"Siêu phẩm Khu biệt thự sinh thái The Tropicana Garden 2" tại xã B'Lá (huyện Bảo Lâm) đang khiến những ai yêu thiên nhiên bức xúc khi "cày nát" 5,5ha mảng xanh của địa phương. "Dự án" được quảng cáo do Hải Phát Land làm chủ đầu tư, với 89 sản phẩm đất nền. Theo quan sát, xung quanh "dự án" vẫn được bao phủ bởi rừng thông, chè và cà phê.
Tại Lâm Đồng, một kịch bản chung được các doanh nghiệp sử dụng là dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn. Sau khi có đất, họ “lách luật” bằng cách làm đơn xin hiến đất làm đường, xin xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các thửa đất nông nghiệp, từ đó lắp điện, nước để hình thành nhiều “dự án” với hàng nghìn lô đất đem bán.
Kịch bản này thường được áp dụng vì quy trình thủ tục để phê duyệt một dự án phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, tham mưu. Vì vậy, thời gian triển khai dự án mất nhiều năm mới xong thủ tục.
Trong khi đó, việc tự xin tách thửa chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện nên thời gian nhanh và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều. Chưa kể, khi lập dự án thì hệ số sử dụng đất dành cho xây dựng chỉ còn khoảng 45-55%, còn "chiêu" hiến đất làm đường để phân lô thì hệ số đất xây dựng có thể lên tới 80%.