Ông Hoàng Đức Nghĩa ở Thao Nam, thành phố Bạch Thành, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc cùng 4 anh em làm nghề vận chuyển trên sông. Vào cuối những năm 1990, ông Nghĩa bỏ ra 4.000 tệ để làm 3 chiếc thuyền tôn và nối chúng với nhau, sau đó cùng các anh em chở người qua sông.
Khi sông ít nước và hẹp lại, họ sử dụng các tấm ván để nối hai bên bờ, cho phép mọi người và phương tiện qua lại. Khi nước sông lớn, họ kéo những tấm ván này qua hai bên bờ, đưa người qua sông bằng thuyền.
Vì số người và phương tiện mà 3 chiếc thuyền có thể chở là có hạn nên vào năm 2014, ông Hoàng Đức Nghĩa hàn thêm 13 chiếc thuyền tôn và xây dựng một cây cầu treo cố định với tổng chi phí 130.000 nhân dân tệ (khoảng 425 triệu đồng).
Cây cầu treo này đã tồn tại trong 4 năm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Năm 2018, cơ quan thủy lợi địa phương phá bỏ nó với lý do xây cầu trái phép. Ông Hoàng Đức Nghĩa bị kết tội "gây rối trật tự công cộng", tòa tuyên án 2 năm tù giam và 2 năm tù treo.
Một phần cây cầu treo của ông Hoàng Đức Nghĩa bị dỡ bỏ.
Từ đó đến nay, ông Nghĩa liên tục kháng cáo vì cho rằng hành vi của mình không thể cấu thành tội phạm. Vào ngày 31/3 năm nay, kháng cáo của ông bị Tòa án Thao Nam bác bỏ.
Lý do là ông xây cầu treo mà không có sự chấp thuận của các cơ quan liên quan, thu phí từ việc qua cầu mà không tuân thủ các lệnh phạt hành chính liên tiếp, nhiều tình tiết xấu tạo thành tội "gây rối trật tự công cộng"; kháng cáo của ông không phù hợp với các quy định pháp luật liên quan.
Mới đây, ông Hoàng Đức Nghĩa tiếp tục kháng cáo đến Tòa án thành phố Bạch Thành. Trong đơn, ông nói bản thân đã nhận hình phạt từ bộ phận hành chính địa phương, nhưng điều đó không có nghĩa là hành động của ông đã cấu thành tội phạm; ông chỉ vi phạm luật hành chính.
Hơn nữa, văn bản quy định hành vi của ông là Luật Hành chính, không phải Luật Hình sự, xét từ góc độ yếu tố cấu thành tội gây rối thì ông không cố ý vi phạm. Ông làm cầu treo trên sông, không hề xây dựng rào chắn trên đường để cưỡng chế thu phí. Thực tế, cầu treo được xây dựng để gia đình ông và dân hai bên bờ sông không phải đi vòng hàng chục km trong thời gian cày cấy vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu, tất cả đều là tự nguyện.
Tòa án Thành phố Bạch Thành đang thụ lý đơn kháng cáo.
Theo Nông dân nhật báo (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc), dân làng phản ánh rằng từ khi cầu phao bị phá bỏ vào năm 2018, địa phương vẫn chưa lên phương án xây cầu khác, người dân đi lại vô cùng bất tiện.
Qua sông là vấn đề khó khăn ở đây suốt thời gian dài, đặc biệt là sau năm 2000, khi nhiều loại máy móc được đưa vào sản xuất nông nghiệp, người dân có nhu cầu cấp thiết qua cầu và qua sông.
Nay cầu treo bị phá bỏ, nhiều người phải đi vòng 70km sang bên kia sông để lấy đất và vận chuyển hàng hóa, mất hơn 3 tiếng đồng hồ thay vì chỉ 10 phút như khi có cầu. Khó khăn ở ngay trước mắt nhưng chưa được các ban ngành liên quan quan tâm giải quyết.
Tác giả bài viết trên Nông dân nhật báo cho rằng, chuyện người dân tự làm cầu không phải là hiện tượng cá biệt mà từng xảy ra ở nhiều địa phương khác ở Trung Quốc. Khi xảy ra những vụ việc tương tự, nên phê bình, giáo dục dân làng, thông báo cho họ về sự nguy hiểm của việc xây cầu khi chưa được phép và phổ biến kiến thức pháp luật liên quan chứ không nên phạt tù.
Bài báo cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng địa phương phải nhận thấy hiện tượng tự ý xây dựng cầu phản ánh nhu cầu cấp thiết của người dân, nhất là ở một số vùng sâu, vùng xa, hai bên bờ sông.