Ông Lê Văn Cư hay còn được gọi là Ba Đạt (ấp Ninh Phước, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là người đã tìm ra công nghệ xây cầu siêu nhanh, chỉ trong khoảng vài giờ đồng hồ đã có thể thông xe.
Sinh ra tại vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt, từ nhỏ ông Ba Đạt đã gắn bó với cầu khỉ, cầu ván. Những cây cầu tạm bợ này độ an toàn thấp, song để có thể xây dựng một cây cầu bê tông hoặc cầu treo thì chi phí vô cùng lớn, mất nhiều thời gian. Từ đó, ý tưởng về những cây cầu có chi phí thấp, quá trình thi công ngắn của ông ra đời.
Mới học hết lớp 9, chưa từng qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nên ông Ba Đạt gặp nhiều khó khăn trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng. Ông tìm gặp những người có kinh nghiệm xây cầu tại địa phương để học hỏi, trực tiếp tìm đến những cây cầu treo, cầu bê tông để tìm hiểu.
Cây cầu xây “siêu nhanh” của ông Ba Đạt nối liền hai bờ kênh (Ảnh: Thốt Nốt)
Sau một thời gian, cuối cùng ông cũng hoàn thiện công nghệ xây cầu siêu nhanh của mình. Ông Ba Đạt chia sẻ cầu gồm hệ thống lan can đôi bằng ống thép chịu lực, cứ cách khoảng 50cm sẽ có ống thép được hàn nối với phần đáy cầu theo chiều thẳng đứng cùng với 2 thanh sắt đan chéo nhau để tạo nên hệ thống chịu lực liên hoàn.
Phần mặt cầu là những thanh sắt được hàn với khoảng cách khá đều nhau và được kết chặt với phần đáy cầu. Công việc xây cầu diễn ra rất nhanh, khung cầu sẽ được lắp trên bờ, công việc còn lại là dùng máy kéo để kéo mỗi đầu cầu về phía bên kia bờ kênh và đặt chính xác vào bệ đỡ.
Nếu điều kiện thuận lợi thì chỉ mất khoảng 30 phút để hoàn thành một cây cầu khoảng 40m, chậm hơn cũng chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Tuy hoàn thành trong khoảng thời gian rất ngắn, song chất lượng, tuổi thọ của cầu không hề thua kém cầu bê tông, thậm chí còn cao hơn cầu treo.
Chi phí cho một cây cầu lại rất thấp, chỉ chiếm 1/10 chi phí của một cây cầu bê tông và 1/3 chi phí cầu treo. Cầu không có trụ đỡ, thuận lợi cho việc đi lại của ghe, tàu. Tính đến nay ông đã thi công, lắp đặt được hơn 200 cây cầu, và tất cả đều đang rất vững chắc.