Hàng năm, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York (Mỹ) lại tung ra cái gọi là Báo cáo Thế giới, cố ý xuyên tạc tình hình thực hiện quyền con người ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Năm nay cũng vậy, Báo cáo Thế giới năm 2021 dày tới 761 trang của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) nêu ra có nhiều nội dung không đúng, sai lệch với thực tế ở Việt Nam. Chúng ta kiên quyết bác bỏ sự xuyên tạc này.
Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền con người.
Dư luận đã quá quen thuộc với cái gọi là “Báo cáo Thế giới hàng năm” hay còn gọi là “Phúc trình Thường niên” mà Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đưa ra. Trong bản báo cáo năm 2021 mà họ tự cho là cập nhật và đánh giá tình hình nhân quyền của hàng trăm quốc gia trên khắp thế giới, như thường lệ, Tổ chức Theo dõi nhân quyền tiếp tục khoác “chiếc áo quan tòa” phán xét vấn đề quyền con người ở Việt Nam.
Thực chất, Báo cáo Thế giới năm 2021 này không có gì mới. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là “Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản”; hay cái gọi là “Việt Nam lo sợ dân chủ, truyền thông độc lập và các quyền tự do”.
Trong bản báo cáo này, Tổ chức Theo dõi nhân quyền tiếp tục bao che, dung túng cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, sử dụng mạng xã hội vi phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội, cổ súy tuyên truyền chống phá đất nước và những thành quả đổi mới của toàn dân tộc ta, trong đó có những cái tên như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn - tự xưng là nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam; hay Phạm Thị Đoan Trang, tự xưng là một cây bút-blogger nổi tiếng….
Cần khẳng định rằng ở Việt Nam hoàn toàn không có những người gọi là “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến” bị bắt giữ và xét xử. Ở Việt Nam chỉ có những công dân vi phạm pháp luật Việt Nam bị bắt giữ, truy tố và xét xử như Nguyễn Tường Thụy, với vai trò tự xưng là Phó Chủ tịch của cái gọi “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, thường xuyên đả kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi đa nguyên, đa đảng đăng tải trên trang blog cá nhân; facebook cá nhân và website của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”; hay Phạm Thị Đoan Trang, do bị tác động, lôi kéo của các đối tượng có tư tưởng chống chế độ, đã tham gia các cuộc biểu tình, gây rối an ninh, trật tự….
Rõ ràng Nguyễn Tường Thụy, Phạm Thị Đoan Trang… hay nhiều đối tượng khác tự coi mình là các nhà dân chủ hay bất đồng chính kiến, vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý. Đây là việc làm chính xác và cần thiết bởi lẽ đã vi phạm pháp luật-thì ở quốc gia nào cũng không thể dung thứ.
Ngay cả ở Mỹ, mới đây, khi một nhà lãnh đạo có những phát ngôn, hành vi kích động đám đông, thì dư luận Mỹ cũng phản ứng gay gắt, thậm chí tài khoản của nhà lãnh đạo này còn bị khóa vĩnh viễn. Cũng trong vụ việc này, nhiều chính khách và người dân Mỹ đã lên tiếng, đòi phải xử lý nghiêm những kẻ quá khích, gây rối, xâm phạm đến chính thể nước Mỹ.
Nói vậy để thấy rằng, Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã cố tình thông tin lập lờ, đánh giá sai lệch hoàn toàn về tình hình nhân quyền Việt Nam. Tổ chức này đã can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, vi phạm các quy chuẩn quốc tế.
Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền dân chủ, quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến. Các quyền con người được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; việc đảm bảo quyền con người là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam; quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp. Mọi công dân có quyền bình đẳng, có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Chất lượng cuộc sống và thu nhập của người dân Việt Nam được nâng lên.
Đặc biệt trong năm 2020 vừa qua, người dân hoàn toàn ủng hộ, chung sức cùng Đảng, Nhà nước Việt Nam khống chế và phòng chống thành công đại dịch COVID19, góp phần quan trọng vào việc Việt Nam đạt tăng trưởng dương ở mức 2,91%. Nếu Việt Nam vi phạm nhân quyền, không lắng nghe dân, không chăm lo cho lợi ích của người dân thì liệu có làm được điều này không?
Theo báo cáo của trang mạng "We are social", năm 2020 Việt Nam có hơn 68 triệu dân sử dụng internet (chiếm tỷ lệ 70% dân số) với mục đích sinh kế, học tập, giải trí trực tiếp, biểu đạt và thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, văn kiện Đại hội Đảng. Do đó, không có chuyện Việt Nam vi phạm nhân quyền hay “bắt giữ người bất đồng chính kiến” như những cáo buộc vô căn cứ của Tổ chức theo dõi nhân quyền.
Tổ chức theo dõi nhân quyền đã nhiều lần đưa ra những thông tin thiếu khách quan, sai lệch về Việt Nam; cổ súy cho những đối tượng chống đối cũng như các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Việc họ vội vã kết luận “năm 2020, thêm một năm tồi tệ khủng khiếp nữa với nhân quyền ở Việt Nam”, là hoàn toàn sai sự thật và không thể chấp nhận được.
Người dân Việt nam nhận thức rõ những động cơ xấu của Tổ chức theo dõi nhân quyền, họ không hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống người dân, mà thực chất họ chỉ muốn lợi dụng cái gọi là vi phạm nhân quyền như một cái cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, của các quốc gia có chủ quyền.