Cứ mỗi khi đến dịp Đại hội Đảng, dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới hoặc các sự kiện trọng đại của Việt Nam, các thế lực thù địch lại tìm mọi cách xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng như phủ nhận những nỗ lực, thành tựu của đất nước ta trong việc bảo đảm quyền con người.
Các thế lực thù địch thường đưa ra những luận điệu xuyên tạc như “Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, có số tù chính trị cao hơn bất cứ nước nào”; “Việt Nam đang gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền”.
Nhiều kẻ lớn tiếng bảo vệ các nhân vật như Phạm Đoan Trang, Lê Đình Lượng, Nguyễn Lân Thắng, Phạm Chí Dũng… và khẳng định, trên thực tế, ở Việt Nam “các quyền dân sự cơ bản bị kiểm soát, giới hạn”.
Có thể thấy, các thế lực thù địch đã cố tình tung ra những thông tin sai lệch, thêu dệt nên bức tranh màu xám về câu chuyện nhân quyền ở nước ta, hòng bôi nhọ chế độ, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; kích động gây mâu thuẫn, nghi ngờ, chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng với nhân dân để dẫn đến “tự diễn biến” tạo ra điểm nóng, khủng hoảng chính trị, tiến tới kịch bản bạo loạn và lật đổ chế độ.
Không chỉ vậy, với khẩu hiệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, đây chính là cái cớ để chúng kêu gọi sự can thiệp, gây sức ép của quốc tế vào công việc nội bộ của nước ta.
Tuy nhiên, mục đích của chúng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Cần phải khẳng định, thứ nhất, Việt Nam không có khái niệm tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm. Đó là do các thế lực phản động, cơ hội chính trị tự định nghĩa ra.
Lớn tiếng hô khẩu hiểu nhưng các thế lực thù địch chưa bao giờ đưa ra được căn cứ, số liệu cụ thể nào để nói “Việt Nam có số tù chính trị cao hơn bất cứ nước nào”. Đây chỉ là sự quy chụp, thiếu khách quan, minh bạch của những kẻ “nói láo ăn tiền”, tự nhào nặn, xuyên tạc nên hòng thực hiện những mưu đồ đen tối.
Thứ hai, những nhân vật mà chúng cho là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà bất đồng chính kiến” bị “chính quyền Việt Nam đàn áp” như Phạm Đoan Trang, Lê Đình Lượng, Phạm Chí Thành, Phạm Chí Dũng… đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; bị cáo buộc bởi các tội danh như hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hay tuyên truyền chống Nhà nước.
Cho dù ở bất kỳ quốc gia nào khác, những đối tượng vi phạm pháp luật đều phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Không thể coi chuyện bắt giữ, xử lý những đối tượng này là “đàn áp” như những luận điệu mà các thế lực thù địch đưa ra.
Thứ ba, đất nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Quan điểm nhất quán này có cội rễ từ truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc hòa hiếu, nhân văn.
Năm 1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã thay mặt nhân dân và dân tộc Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị quyền con người và cam kết thực hiện quyền con người trước cộng đồng quốc tế ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Có một thực tế không thể chối cãi là để thực hiện và bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp và pháp luật, căn cứ tình hình thực tiễn ở Việt Nam và trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo luật pháp quốc tế về vấn đề nhân quyền, những năm qua, Nhà nước ta luôn thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các khuyến nghị về nhân quyền mà Việt Nam đã chấp thuận. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền với các quốc gia, tổ chức quốc tế quan tâm tới vấn đề này ở nước ta.
Ở một góc độ khác, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú ý việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, coi đây là nội dung hết sức quan trọng trong các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo đảm các quyền của con người, vì sự phát triển toàn diện của con người.
Cùng với đó, Nhà nước ta cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của nhân dân. Đặc biệt, hệ thống pháp luật ở Việt Nam luôn được điều chỉnh và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm sự tương thích quốc tế.
Hiện đã có hơn 100 văn bản pháp luật có nội dung điều chỉnh về tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành mà điển hình là Hiến pháp năm 2013 với rất nhiều nội dung liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được sửa đổi theo hướng tiến bộ. Chẳng hạn như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được xác định không phải chỉ công dân mới có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà là quyền tự thân, vốn có của mọi người và được Nhà nước bảo hộ.
Ngoài ra, công tác chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - thể thao, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc cũng thường xuyên được quan tâm, đẩy mạnh…
Từ những kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực vừa nêu, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, có thể nói, những thành tựu về nhân quyền mà nước ta đã đạt được là rất to lớn. Sở dĩ có thể nói như vậy là bởi, nhân quyền, với ý nghĩa sâu xa, cuối cùng chính là việc con người được xã hội quan tâm tạo điều kiện để có thể phát triển toàn diện về đời sống vật chất và đời sống tinh thần.