Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bình đẳng giữa các dân tộc và quyền con người ở Việt Nam 

(VTC News) -

Bình đẳng giữa các dân tộc chính là biểu hiện cụ thể của quyền con người ở Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc cùng chung sống. Trong đó có 53 dân tộc ít người, chiếm 14,3% so với tổng số dân, sống xen kẽ nhau, tập trung chủ yếu ở các vùng núi, đặc biệt vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên và xây dựng đất nước.

Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính sách này được thể hiện một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được thể hiện trong đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trong các bản hiến pháp của Việt Nam qua các thời kỳ đều ghi nhận và khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc.

Hiến pháp năm 2013, bản hiến pháp đã nâng tầm chế định về quyền con người, quyền công dân, khi đề cập đến quyền bình đẳng giữa các dân tộc, đã khẳng định: “Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Điều 5).

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16).

Nguyên tắc trên của Hiến pháp đã được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, được thể chế và cụ thể hóa trong các văn bản luật: Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Quốc tịch, Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự; Luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.  

Bên cạnh đó, các quy định về quyền bình đẳng giữa các dân tộc còn được thể chế hóa bằng chế định về Hội đồng Dân tộc, với nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội về công tác dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Chính phủ có một cơ quan cấp bộ là Uỷ ban Dân tộc, chuyên trách công tác dân tộc.

Ảnh minh hoạ.

Các quyền chính trị của đồng bào dân tộc ít người được tôn trọng và bảo vệ. Công dân Việt Nam thuộc các dân tộc ít người có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân như mọi công dân khác. Những năm gần đây tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia vào bộ máy chính trị ngày càng tăng. 

Nhà nước Việt Nam cũng luôn quan tâm và dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ít người, hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc tiến tới trình độ phát triển chung của cả nước.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn là một bộ phận cấu thành quan trọng, thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc là chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam, coi đó là cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và phát triển bền vững đất nước.  

Hiến pháp năm 2013 (Điều 5) ghi rõ: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong những năm qua được cải thiện rõ rệt, mức thụ hưởng văn hóa được nâng cao. Nhiều nét văn hóa các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát triển, được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí ở vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống cũng được quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, tình hình kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc ít người và miền núi còn nhiều khó khăn, chủ yếu do  hoàn cảnh khách quan: địa hình phức tạp, điểm xuất phát về trình độ phát triển thấp. 

Xuân Trường

Tin mới