Trưa 25/3, tại TP.HCM, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tổ chức họp báo về Công tác kiểm dịch thực vật thúc đẩy xuất khẩu trái cây sang Mỹ.
Chuyên gia của APHIS đang kiểm tra lô hàng trái cây vừa được chiếu xạ để chờ xuất đi Mỹ. (Ảnh: Ngọc Hùng)
Tại họp báo, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ Thực vật cho biết, ngày 2/9, chuyên gia của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đến Việt Nam và nay đã hoàn thành thời gian cách ly phòng COVID-19. Sau đó, những chuyên gia này đã bắt đầu làm việc tại Công ty Sơn Sơn để giám sát quá trình chiếu xạ xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Cục bảo vệ Thực vật kỳ vọng, với những động thái này sẽ giúp sản lượng xuất khẩu trái cây của Việt Nam tăng lên trong thời gian tới.
Mỹ là một đối tác quan trọng trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, trong đó có nông sản. Hiện có 6 loại trái cây xuất sang thị trường khó tính này. Theo những buổi làm việc giữa cơ quan chức năng của hai nước thì tất cả các loại trái cây xuất đều phải chiếu xạ và có sự giám sát của chuyên gia đến từ Mỹ.
Ông Timothy Westbrook, Đại diện APHIS cho biết, mục đích của chiếu xạ là giúp cho trái cây Việt Nam xuất sang Mỹ an toàn và nhanh chóng và ở chiều ngược lại, chính nhờ việc áp dụng công nghệ chiếu xạ tiên tiến này đã giúp đẩy nhanh việc nhập khẩu trái cây tươi nhiệt đới của Mỹ.
Chương trình này bắt đầu từ 2008, đầu tiên với trái thanh long, sau đó thêm 5 loại trái cây khác gồm chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài. Những loại trái cây này sau khi được chiếu xạ sẽ được xuất khẩu sang Mỹ - một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Cũng theo Cục bảo vệ Thực vật, trong những tháng tới, nhiều khả năng sẽ có thêm trái bưởi của Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Mỹ. Nếu không có gì thay đổi, hai bên sẽ có tuyên bố chung về thông tin này.
Trong năm tài chính 2019 (từ 3/2019 đến 3/2020), giá trị xuất khẩu trái cây tươi sang Mỹ của Việt Nam ở mức 20 triệu USD. Từ ngày 25/3/2020 đến nay, giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây sang thị trường này đạt 8 triệu USD.
Với việc chuyên gia APHIS trở lại làm việc tại Việt Nam, Cục bảo vệ Thực vật kỳ vọng giá trị xuất khẩu trong năm nay ít nhất đạt mức 20 triệu USD và tăng lên trong những năm tới.
Đối với khâu chiếu xạ, hiện chỉ có một cơ sở ở TP.HCM của Công ty Sơn Sơn đạt tiêu chuẩn và điều kiện chiếu xạ để xuất khẩu sang Mỹ. Ông Hoàng Trung cho biết, thời gian tới, Cục bảo vệ Thực vật sẽ mời chuyên gia nước này sang làm việc để cấp chứng nhận thêm cho một cơ sở chiếu xạ ở Hà Nội.