Công ty chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) đã đưa ra cái nhìn rất thận trọng về thị trường chứng khoán 2020 khi mà đại dịch COVID - 19 vẫn chưa đến hồi kết.
VCBS đánh giá, dù có nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây, thị trường nhiều khả năng vẫn chưa thể hoàn toàn đảo ngược xu thế tiêu cực trong quý II/2020. Chỉ số VN-Index sẽ khó có thể vượt ngưỡng 800 điểm trong quý 2, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID–19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nền kinh tế Việt Nam đang "thích nghi" với những biến động lớn đang diễn ra trên thế giới.
VCBS dự báo, chỉ số nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng điểm 650 – 800 trong quý 2 với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 750 và 650 điểm.
Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán 2020?
Với diễn biến dịch như hiện tại, dự báo mới mà VCBS đưa ra cho năm 2020 sẽ tương ứng với kịch bản kém lạc quan nhất tại thời điểm đầu năm – tương ứng với việc xuất hiện suy thoái toàn cầu.
VCBS tin tưởng rằng Việt Nam sẽ khống chế thành công diễn biến dịch lần này và theo đó hạn chế tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng những gì diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay có thể chưa phải là "cú sốc" cuối cùng tới thị trường chứng khoán năm 2020.
Hệ quả là, mức độ biến động của thị trường chứng khoán năm 2020 sẽ mạnh hơn nhiều so với năm 2019.
"Chúng tôi dự báo thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trong nửa đầu năm và dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, chúng tôi đưa ra kịch bản dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 là mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính được dự báo giảm khoảng 20-25% so với "đỉnh" năm 2019", VCBS dự báo.
VCBS cho biết thêm khối lượng giao dịch trung bình phiên và Giá trị giao dịch trung bình phiên trong năm 2020 đều được kỳ vọng giảm khoảng 25%. Đặc biệt, khoảng dao động của VN-Index được kỳ vọng lớn hơn nhiều so với 2019, trong khoảng 250-300 điểm.
VCBS đánh giá tác động của dịch bệnh lần này đến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam là một thách thức lớn, mang tính tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Tuy nhiên, điểm sáng là mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không có sự lan tỏa.
Các nhóm ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ngành cần "traffic" – tức yêu cầu tập trung khách hàng với mật độ cao như hàng không, dịch vụ lưu trú, chuỗi cửa hàng phân phối hàng không thiết yếu,…
Tiến độ các dự án bất động sản có thể chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều, do quý 1 thường là mùa thấp điểm cả về xây lắp và bán hàng. Mặc dù vậy, hoạt động tiêu thụ ở một số phân khúc có thể sẽ chậm trong nửa đầu năm.
Một số ngân hàng có thể gián tiếp chịu tác động tiêu cực nhưng có độ trễ, đồng thời nghiêng nhiều hơn về nhóm ngân hàng có tỷ trọng doanh thu bán buôn lớn.
Các mặt hàng mà doanh nghiệp trong nước sản xuất chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ hàng Trung Quốc có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn do gián đoạn nguồn cung sản phẩm cạnh tranh từ Trung Quốc, đồng thời các doanh nghiệp cũng thường có dự trữ tồn kho nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc đủ để sản xuất trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên về dài hạn, nếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc tiếp tục gián đoạn thì doanh nghiệp trong nước phải tìm kiếm nguồn thay thế khác và gây áp lực về chi phí trên nhiều khía cạnh.
Ngược lại, các doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn nếu tình trạng gián đoạn nguyên liệu đầu vào kéo dài.
Ảnh hưởng tích cực đến nhóm dược phẩm là thấp mà theo VCBS thì hưởng lợi trực tiếp nhất lại là các doanh nghiệp phân phối và sản xuất sản phẩm hỗ trợ quá trình phòng và chữa bệnh (khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm chức năng…).
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nhất chủ yếu là nhóm thủy sản – do thị trường đầu ra hoặc vật tư đầu vào có sự phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc về vật tư, nguồn nhập hoặc mức giá.