Câu trả lời ngắn gọn và cô đọng có lẽ là sự đúc kết của ông trong suốt hơn 30 năm gắn chặt với nghiệp sản xuất, kinh doanh ở cả trong và ngoài nước.
Diễn giải nó có thể bằng nhiều câu chuyện thực tế sinh động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng có lẽ, thuyết phục hơn cả là bằng số liệu. Con số nói lên tất cả.
Bài viết sử dụng, trích dẫn những số liệu về doanh nghiệp Việt Nam với mong muốn phác họa bức tranh đúng đắn nhất về họ. Những số liệu đó là từ nguồn chính thống, từ Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam, từ Ban Kinh tế Trung ương, từ các Bộ và các tổng hợp, báo cáo của VCCI và, đặc biệt, là phân tích của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.
FDI ngày càng lấn tới
Trước hết, phải khẳng định khu vực FDI gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Việt Nam trong hơn ba thập kỷ qua. Khu vực kinh tế này giúp tăng GDP, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách, đưa nền kinh tế Việt Nam gắn bó với kinh tế thế giới và đặc biệt giúp tăng cường vị thế địa chính trị của đất nước trong khu vực và toàn cầu.
Giai đoạn từ năm 1986 – 2022, Việt Nam đã thu hút được khoảng 438,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó 274 tỷ USD đã được giải ngân.
Đến nay, khu vực FDI chiếm hơn 20% GDP, hơn 75% kim ngạch xuất khẩu, 65% kim ngạch xuất khẩu, 55% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...
Khu vực FDI chiếm hơn 20% GDP. (Ảnh: Hoàng Hà)
Những con số nói trên cho thấy, khu vực FDI đã đóng vai trò quan trong như thế nào trong nền kinh tế. Việt Nam chúng ta, với 15 các FTA thế hệ mới và là đối tác chiến lược toàn diện của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Song, ở chiều ngược lại, khu vực này số lượng dự án quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; tỉ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp; có tỉ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, sự liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng.
Có gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng; 1/4 doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong khi đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực FDI chỉ chiếm 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Thuế TNDN thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3% và các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế TNDN là 2,75-5,95%. Số doanh nghiệp FDI báo lỗ là 14.293, chiếm 55%; số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258, chiếm 62% chỉ riêng năm 2021.
Vấn đề là họ tiếp cận đất đai, vốn dễ dàng hơn doanh nghiệp Việt Nam và không chịu các cuộc thanh tra, kiểm tra nhiều như doanh nghiệp Việt Nam.
Ở các góc độ này, mong muốn của vị doanh nhân nói trên là hoàn toàn xác đáng.
Doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên như mong đợi
Khi làm Luật Doanh nghiệp năm 1999, các nhà soạn thảo luật hồi đó đã từng hình dung sẽ xuất hiện các tỷ phú đô la cũng như sự trỗi dậy mãnh liệt của tầng lớp doanh nhân giàu có ở nước ta. Trên thực tế, đã có nhiều tỷ phú xuất hiện. Cũng xuất hiện nhiều doanh nhân lớn, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Song, sau hơn 30 năm, đến nay cả nước chỉ có gần 900.000 có đăng ký chính thức là rất ít. Trên bình diện cả nước, chỉ có 9 doanh nghiệp/1.000 dân; chỉ có 6 tỉnh có mật độ doanh nghiệp cao hơn bao gồm các đầu tầu kinh tế là Hà Nội, TP. HCM. Có 48 tỉnh có mật độ không quá 5 doanh nghiệp/1.000 dân. Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến 2020 đã lỡ; còn mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 là quá xa vời.
Tới 70% doanh nghiệp là siêu nhỏ, hơn 25% là nhỏ, 2,6% là và thiếu vắng đội ngũ doanh nghiệp vừa. Hơn 70% số doanh nghiệp đóng tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Tỷ lệ này cho thấy, cơ cấu vùng mất cân đối rất lớn.
Khu vực doanh nghiệp nói chung tạo khoảng 15 triệu việc làm, tức chưa đầy 1/3 số công ăn việc làm trong nền kinh tế. Trong số đó, doanh nghiệp tư nhân tạo khoảng 60% số việc làm và đang giảm; còn khu vực FDI tạo khoảng 35% việc làm và đang có xu hướng tăng.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân của nền kinh tế giai đoạn 2012-2022 là 13%; trong đó, doanh nghiệp trong nước tăng 7,7%; doanh nghiệp FDI tăng 17,4% (không kể dầu thô).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của toàn nền kinh tế giai đoạn 2012-2022 tăng bình quân 11,7%. Trong đó, doanh nghiệp trong nước tăng 7,6%, và doanh nghiệp FDI tăng 15,5%.
Tỷ trọng của doanh nghiệp trong nước trong kim ngạch xuất, nhập khẩu đang ngày càng giảm, chỉ chiếm tương ứng là 25% và 35%. Tỷ trọng tương ứng còn lại, 75% và 65%, thuộc về khu vực FDI.
Hơn 50% doanh nghiệp FDI kinh doanh có lãi; 80% doanh nghiệp nhà nước có lãi trong khi chỉ khoảng 40% doanh nghiệp tư nhân có lãi. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng lên. Khoảng 55-57% doanh nghiệp siêu nhỏ thua lỗ, khoảng 50% doanh nghiệp tư nhân và 47% doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ năm 2022.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu thuần là rất thấp (khoảng 4%); của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bằng 0 hoặc âm. Nói chung, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tư nhân trong nước luôn thấp, chỉ bằng 40-50% so với của khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu là 13-15% ở khu vực FDI, 8-10% ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và chỉ vỏn vẹn gần 3-5% ở khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Như vậy, chỉ số này của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ bằng 20-30% của khu vực FDI và 30-40% của DNNN và thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường.
Tổng số đầu tư ra nước ngoài của vực doanh nghiệp trong nước đăng ký đến cuối 2022 là 21,8 tỷ USD với hơn 1.600 dự án ở 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xu thế này đang giảm; có khoảng 2 tỷ USD trung bình hàng năm trong giai đoạn 2005-2014; giảm xuống chỉ còn khoảng 520 triệu USD trong giai đoạn 2015-2022.
Hơn 70% vốn đăng ký vào các nước đang phát triển và kém phát triển ở châu Phi và Mỹ La tinh; gần 40% ở Lào và Campuchia; chỉ có 14% đăng ký vào 7 quốc gia phát triển. Thực trạng này có thể thấy, năng lực hội nhập còn yếu, không tận dụng được hết cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tựu trung lại, chỉ 40% số doanh nghiệp tư nhân trong nước kinh doanh có lãi, so với 50% doanh nghiệp FDI và 80% doanh nghiệp nhà nước. Có 47% doanh nghiệp FDI, hơn 50% doanh nghiệp tư nhân trong nước; gần 20% doanh nghiệp nhà nước khai báo kinh doanh thua lỗ.
Chưa đầy 30% số doanh nghiệp siêu nhỏ kinh doanh có lãi. Hiệu quả kinh doanh trên tất cả các chỉ số của doanh nghiệp nhóm này nói chung rất thấp, (thường bằng 0 hoặc âm). Nghĩa là, phần đông doanh nghiệp siêu nhỏ không bảo toàn được vốn, không thể tự tích luỹ để tái đầu tư.
Nền kinh tế và đất nước chỉ phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ khi có một đội ngũ doanh nhân mạnh. Ảnh: Hoàng Hà
Lời kết
Hiện nay, khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 20% GDP, doanh nghiệp nhà nước khoảng 27%, khu vực doanh nghiệp tư nhân có đăng ký chính thức chỉ khoảng 10%, còn khu vực kinh tế phi chính thức (hơn 5 triệu hộ gia đình) vẫn lên đến 33%.
Nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là “buôn thúng, bán mẹt”, dù đã có nhiều tỷ phú xuất hiện, như dự đoán của các nhà làm Luật Doanh nghiệp hơn 30 năm trước.
Căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.
Doanh nghiệp tư nhân trong nước yếu thế toàn diện so với FDI; không chỉ hội nhập yếu, mà yếu cả năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp là chủ yếu, tạo giá trị gia tăng thấp. Nền kinh tế còn phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài.
Bài viết này hi vọng góp thêm một tiếng nói về thực trạng của khu vực doanh nghiệp trong nước mà nhiều người gọi với sự trân trọng và tự hào là doanh nghiệp dân tộc, như mong muốn của vị doanh nhân nêu trên, chứ không vì mục tiêu phân biệt, đối xử với khu vực doanh nghiệp FDI.
Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân ngày 3 tháng 6 năm 2017 đã nêu rõ các nguyên nhân, mục tiêu, giải pháp. Đã đến lúc cần xem xét toàn diện, tổng thể việc thực hiện nghị quyết này để xem đâu là vướng mắc, đâu là bài học kinh nghiệm từ trong thể chế, luật pháp cũng như thực thi trong thực tế.
Vì nền kinh tế và đất nước chỉ phát triển nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ khi có một đội ngũ doanh nhân mạnh, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Chúng ta đã có 15 FTA, đã trở thành các đối tác chiến lược toàn diện với các siêu cường, chúng ta không thể ra khơi xa bằng thuyền thúng.