Doanh nghiệp FDI bao trùm nền kinh tế
Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi thừa nhận, doanh nghiệp của ông chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp FDI trong chuỗi sản xuất. “Có những thời điểm, chính sách bán hàng của doanh nghiệp FDI quyết định gần như toàn bộ về giá bán trên thị trường”, ông nói.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đã vươn lên đáng kể, nhưng ngành thức ăn chăn nuôi lại phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp FDI, tới 2/3 lượng thức ăn là nhập khẩu.
Dù có vẻ “bất mãn”, nhưng vị giám đốc cũng tỏ ra khách quan: “Chúng tôi kém nên không làm được như họ thì phải chấp nhận thôi”.
Xét cho cùng, ông nói, họ đưa nền chăn nuôi của Việt Nam lên một nấc thang khác cao hơn; họ vào dạy doanh nghiệp Việt Nam nên giờ mới có được những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, theo chuẩn quốc tế.
Khu vực FDI tạo ra nhiều việc làm. Ảnh: Hoàng Hà
Nông nghiệp là lĩnh vực thu hút vốn FDI ít nhất so với các ngành nghề khác. Ở lĩnh vực logistics, tình hình cũng tương tự. Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (VICONSHIP) Cáp Trọng Cường nói: Doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn đang phải làm thuê cho các đối tác FDI ngay trên "sân nhà”, cho dù chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng, quy trình quản lý không thua kém.
Kể từ khi dòng vốn FDI vào Việt Nam cách đây gần 40 năm, đến nay ở đâu có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, ở đó được phủ kín gót chân của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là bán lẻ, ô tô, điện tử, dệt may, da giày…
Tất cả đều được thể hiện bằng các con số thống kê. Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022 kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, thì khối doanh nghiệp FDI đạt 57,8 tỷ USD, chiếm tới 99,67% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.
Còn nhóm hàng máy vi tính xuất khẩu đạt 55,53 tỷ USD, thì phần đóng góp của khối doanh nghiệp FDI đạt trên 54,6 tỷ USD, chiếm 98,31% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước.
Theo số liệu Hải quan, năm ngoái tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước đạt 45,75 tỷ USD, thì nhóm doanh nghiệp FDI đạt 42,55 tỷ USD, chiếm 93%.
Với ngành da giày, các doanh nghiệp trong nước chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp da giầy, nhưng chỉ chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số tỷ trọng giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ.
Các doanh nghiệp FDI đóng góp tới hơn 20% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Để so sánh, khu vực doanh nghiệp có đăng ký của Việt Nam chỉ chiếm có khoảng 10% GDP mà thôi.
Sự vượt trội ấy của khối FDI còn thể hiện ở tương quan: số lượng doanh nghiệp FDI hiện nay chỉ khoảng 25 nghìn so với gần 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam.
Trong số hơn 25 nghìn DN ấy, Tổng cục Thuế cũng chỉ đếm được khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD).
Doanh nghiệp FDI đóng góp 7,5-8,5% tổng thu ngân sách nội địa
Tuy vậy, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp FDI khoảng 7,5-8,5% tổng số thu ngân sách nội địa, theo Tổng cục Thuế.
Báo cáo của Bộ Tài chính năm nào cũng ghi nhận quá nửa số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam báo lỗ. Trong năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293, chiếm 55%; số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258, chiếm 62%.
“Nhiều doanh nghiệp FDI lỗ, đóng góp ngân sách chưa tương xứng” là đánh giá của Bộ Tài chính. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó, thuế TNDN thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3% và các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế TNDN là 2,75% đến 5,95%.
Hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam cũng rất hạn chế và ở mức thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi tỷ lệ vốn FDI trong công nghiệp ở mức cao nếu so với nhiều nước khác.
Số hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1.000 hợp đồng trong tổng số gần 27.500 dự án FDI. trong đó, chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ chiếm 13%, theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo Bộ Công Thương, trên toàn quốc trong số khoảng 5.000 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Mức độ tham gia của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI còn khiêm tốn. Hầu hết các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3 hoặc cấp 4, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp (ví dụ như bao bì và các chi tiết đơn giản).
Chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp trong nước là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung và 136 là nhà cung cấp 2, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các nhà cung cấp. Trong số các nhà cung cấp cấp 2, chỉ có 3 doanh nghiệp là doanh nghiệp linh kiện điện - điện tử, còn lại 102 doanh nghiệp là cung cấp nguyên liệu nhựa, cơ khí và 31 doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật tư, phụ tùng.
Lo cho doanh nghiệp dân tộc
Nhìn tầm ảnh hưởng của khối FDI, không thể không lo cho doanh nghiệp dân tộc. Không có ý phân biệt đối xử, nhưng doanh nghiệp dân tộc mới chính là nguồn lực, động lực lớn nhất của một quốc gia.
Hơn 95% doanh nghiệp trong nước hiện nay là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; vốn bình quân của loại hình doanh nghiệp này chỉ bằng 1,5% mức vốn bình quân của 1 doanh nghiệp nhà nước và 19% của doanh nghiệp FDI; tài sản cố định bình quân của doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ dao động ở mức 4 - 7 tỷ đồng và chỉ bằng 1% của doanh nghiệp nhà nước và 5% của doanh nghiệp FDI. Đó là các số liệu được Bộ Công Thương đưa ra làm bàn cân giữa hai khu vực kinh tế.
Vậy nên, khi FDI “mạnh về gạo, bạo về tiền”, có kinh nghiệm quản trị, có bạn hàng toàn cầu, được ưu đãi… thì việc họ lấn lướt doanh nghiệp Việt Nam là điều dễ hiểu.
Các doanh nghiệp Việt Nam bao năm nay vẫn loay hoay trong mớ bòng bong của các thủ tục hành chính, giấy phép con, chi phí phi chính thức… Đến khi gặp các cú sốc như CCOVID-19, suy thoái toàn cầu, lãi suất trong nước tăng, tỷ giá biến động, tiền tệ thắt chặt thì buộc phải hạ cánh cứng. Nhiều doanh nghiệp phải bán mình như tâm sự chua xót của một vị Bộ trưởng.
Trong khi đó, khu vực FDI ít chịu núi thủ tục, giấy phép con, chi phí phi chính thức, thanh kiểm tra như doanh nghiệp trong nước!
Vì thế, cùng với việc tận dụng được nhiều lợi ích hơn từ khu vực FDI, Nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng những doanh nghiệp nội, để có nhiều tập đoàn kinh tế lớn mạnh. Bởi chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới ăn đời ở kiếp ở đây, họ không dọa rời đi hay chuyển đơn hàng sang nước khác.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương Nguyễn Văn Hội nói một cách khẩn thiết: “Trong quá trình phát triển, phải dựa vào kinh tế tư nhân, tự hình thành con sếu đầu đàn. Dựa vào sếu đầu đàn FDI không là khả thi”.
Còn bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh: Ở bất kỳ quốc gia nào doanh nghiệp lớn cũng rất quan trọng vì họ có tác động lan tỏa, là một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của khu vực doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế.
“Nhưng tiếc thay là Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp đủ lớn, thậm chí họ còn còn bị thui chột đi nhiều trong mấy năm nay”, bà nói.