Từ ngày 16/7, khi Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch có hiệu lực, việc xác định họ đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng, nhất là nội dung “không được đặt tên con quá dài, khó sử dụng”. Rất nhiều người thắc mắc, tên thế nào được coi là quá dài để không được phép đặt cho con.
Tài khoản Hoàng Lưu viết: “Trước khi thông tư 04 ra đời, trong những lần trao đổi về các dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề đặt tên, tôi nhớ có những ý kiến đề xuất giới hạn số ký tự, chẳng hạn tên dài không quá 25 ký tự. Tuy nhiên Thông tư 04 lại không quy định chi tiết, chỉ nói chung chung là không được quá dài mà thôi”.
Tên quá dài gây khó khăn cho "khổ chủ' khi điền vào một số loại giấy tờ. (Ảnh: Internet)
Nguyễn Mai Hoa thắc mắc: “Tên bao nhiêu chữ thì bị coi là dài? Không quy định rõ thì cán bộ hộ tịch dựa vào đâu để chấp nhận hay từ chối? Tôi đặt tên con là Trần Thị Long Lanh Lóng Lánh Ánh Sương mà vẫn cãi là ngắn thì sao?”.
Mặc dù vậy, nhìn chung cộng đồng mạng ủng hộ việc ra quy định về đặt tên, bởi cái tên quá dài không chỉ làm khó cho cán bộ, các cơ quan chức năng mà còn gây phiền toái cho cả chủ nhân cái tên. Trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh Phương ở Đồng Nai phải làm thủ tục xin đổi tên thành Nguyễn Thị Kim Phương vào cuối năm 2019 được nhắc lại.
Bố chị Phương chọn tên này cho con để khỏi trùng với họ hàng, làng xóm, và vì thích sự độc đáo. Cái tên đặc biệt khiến chị luôn bị bạn bè trêu chọc, lớn lên cần làm giấy tờ thì khi điền vào mẫu đơn hay ký tên đều thiếu chỗ. Người phụ nữ này cũng không dám mua bảo hiểm y tế vì sợ phải viết tắt tên, khi đối chiếu chứng minh nhân dân không đúng sẽ không được công nhận.
Giọt nước tràn ly khiến chị Phượng quyết đổi tên là khi chị cùng mẹ đến ngân hàng làm thẻ, mẹ được cấp, con bị từ chối. Lý do là độ dài tên trên thẻ chỉ gồm 26 ký tự (kể cả khoảng trắng).
Rất nhiều bình luận trên mạng xã hội nói về sự phiền toái của cái tên quá dài. Tài khoản Vinh Trương hài hước: “Đặt tên con dài quá, khi đi thi nó viết xong tên thì các bạn đã làm xong bài rồi”.
Tài khoản Nguyễn Hà Thu viết: “Tên dài quá thì người ta cũng có gọi lên hết được đâu, cũng chỉ gọi tắt 1 hoặc 2 tiếng thôi. Người có tên dài cũng không thích điều này”.
Tuyên Phạm: Đừng đặt tên dài đến mấy chục chữ cái, trong lúc kích thước thẻ CMND thì có hạn, các mẫu giấy tờ khác cũng có vậy. Tên dài quá càng dễ gây nhầm lẫn, gây khó cho cơ quan chức năng.
Yến Nguyễn: Tên em là Nguyễn Phan Huyền Yến, có 4 chữ thôi mà đã thấy dài, đi làm thẻ ngân hàng ở nước ngoài đã không điền hết. Ham đặt tên con cho đủ cả họ nội họ ngoại rồi tên đệm của mẹ, chỉ khổ con.
Bình Hoàng Quốc: Các cụ thử làm công việc hành chính văn phòng, hằng ngày phải nhập những cái tên dài thườn thượt đi sẽ biết, không phải form nào đủ chỗ trống mà ghi full name đâu.
Linh Lê: Tên dài quá thì nhiều chữ phải viết tắt, mà viết tắt nhiều quá ai đọc ai hiểu cho nổi.
Thanh Phương: Thẻ học sinh, sinh viên, bằng tốt nghiệp, CMND, bằng lái xe 2 bánh, ôtô, hộ chiếu, thẻ BHYT, sổ bảo hiểm xã hội… làm sao đủ chỗ đẻ ghi cái tên 9-10 âm tiết? Hiện nay các biểu mẫu, thẻ, giấy chứng nhận được thiết kế nhỏ gọn, cân đối, tên tối đa 5 chữ mới vừa.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc đặt tên con ngắn gọn nên được tuyên truyền, khuyến khích, vận động, không nên quy định bắt buộc vì đặt tên con cũng là quyền tự do của công dân. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự ủng hộ của số đông.
Bạn có ý kiến gì về vấn đề này? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.